Có 264 lượt tàu TQ xâm phạm biển Đà Nẵng trong năm 2015

11/01/2016 - 06:54

PNO - Chủ tịch HH nghề cá Đà Nẵng cho rằng, Trung Quốc đang hạn chế việc ngư dân Việt Nam ra biển làm những tai mắt, cột mốc để bảo vệ biên cương.

Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, theo báo cáo của Biên phòng Đà Nẵng, năm qua lực lượng biên phòng đã phát hiện 264 lượt tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển.

Trong tổng số đó, 207 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc Sơn Trà 45 – 50 hải lý (có 1 tàu cá vào sâu trong vùng nội thủy Việt Nam).

Ngoài ra, 57 lượt tàu chấp pháp của Trung Quốc hoạt động trinh sát tại các lô dầu khí 116, 144, 145 thuộc chủ quyền vùng biển Việt Nam; 4 trường hợp tàu quân sự, tàu chấp pháp xua đuổi tàu cá Đà Nẵng, Quảng Ngãi khi hoạt động khai thác hải sản tại khu vực Hoàng Sa.

Co 264 luot tau TQ xam pham bien Da Nang trong nam 2015
Tàu Trung Quốc liên tục cản trở, gây rối việc cứu hộ cứu nạn ngư dân của lực lượng chức năng Việt Nam - Ảnh: Tuổi Trẻ


Chiều 9/1, trao đổi với PV báo Phunuonline, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng bày tỏ sự lo ngại về những con số này.

Trước những hành động liều lĩnh của Trung Quốc, ông Lĩnh nhận định: "Trung Quốc đang muốn đánh cạn kiệt nguồn lực của vùng biển Việt Nam. Hàng năm sau khi họ cấm biển 1 tháng để chuẩn bị lực lượng thì đến giữa tháng 8 đầu tháng 9, họ sẽ đưa lực lượng tàu thuyền khoảng 15.000 chiếc, toàn loại tàu lưỡng dụng (vừa là tàu đánh cá nhưng cũng có thể biến thành tàu quân sự) đi vào càn quét vùng biển Việt Nam, tức là đánh bắt theo kiểu tận diệt".

Ông Lĩnh phân tích những hành động của các tàu xâm phạm vão lãnh hải Việt Nam: "Họ sử dụng lưới quét, lưới giã cào và dạng đèn ánh sáng cực cao để đánh hết sản lượng cá, làm cho vùng biển của mình cạn kiệt không còn nguồn lợi để ngư dân ra biển. 

Mặt khác họ cũng phá hủy các rặng san hô để không còn nơi cho cá sinh sống, mục tiêu của 264 tàu TQ xâm phạm biển Đà Nẵng: Triệt tiêu động lực biến vùng biển của mình thành vùng biển nghèo thủy sản và triệt tiêu động lực đánh cá của ngư dân Việt Nam, làm cho VN mất khoản lợi 1,5 triệu tấn cá/năm (chiếm khoảng 4% GDP).

Thứ hai, sau những đợt đánh cá như vậy, thuyền bè của họ tiếp tục xâm phạm vào vùng nội thủy, thậm chí là xâm phạm vào lãnh hải của Việt Nam. Những tàu của TQ đi vào cách Cù Lao Chàm 20 dặm (khoảng 32km) và trong quá trình như vậy, họ không chỉ vi phạm vùng biển VN mà họ còn xua đuổi hoặc đâm vào tàu của ngư dân ta". 

Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng nhấn mạnh, mục tiêu của các tàu Trung Quốc là tạo nên sự mất an toàn cho ngư dân, hạn chế ngư dân Việt Nam đi ra biển làm những tai mắt, cột mốc để bảo vệ biên cương. Trong các năm qua, những vùng biển của Đà Nẵng đã có ít nhất 6 vụ là tàu họ đâm vào tàu mình; và trên 10 vụ, họ đã tham gia vào cắt lưới, làm hỏng tài sản đánh cá của mình.

Về vấn đề ứng xử trên biển Đông, ông Lĩnh cho rằng: "Chúng ta không manh động để rơi vào âm mưu gây hấn của họ. Nhưng một khi họ đã đi vào trong nhà của mình, họ ăn hiếp, cướp bóc tài sản của nhân dân mình mà mình không trừng phạt thì tôi cho rằng, điều đó sẽ không làm cho ngư dân Việt Nam đủ tin cậy, tiếp tục ra khơi bám biển kiếm sống và bảo vệ lãnh hải của mình.

Với tư cách của Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng tôi rất mong muốn rằng, tuy vùng nội thủy của Việt Nam rất lớn, với trang bị càng ngày càng tốt, do đó các lực lượng chức năng nên có mặt ngay sau khi được báo cáo. Sự có mặt kịp thời của cơ quan chức năng để bảo vệ ngư dân bị tàu Trung Quốc ức hiếp sẽ khiến cho ngư dân không cảm thấy đơn độc, đồng thời cũng tạo nên động lực để ngư dân tiếp tục bám biển".

"Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng vũ lực để xua đuổi tàu của họ khi họ vi phạm lãnh hải, xô xát với ngư dân của mình. Chúng ta hoàn toàn có thể bắt người nào phạm pháp trên lãnh thổ của nước ta, điều này đã được ghi trong luật của Việt Nam, vậy thì tại sao chúng ta không áp dụng tất cả điều đó để xử lý. 

Có thể lập biên bản, bắt giữ và quy bắt họ vào những tội đó để ngăn chặn họ không được tùy tiện làm như vậy. Và thứ 2 nữa là, phải bảo hộ cho người dân của mình, họ không chỉ là những người dân làm ăn thông thường, họ còn là tai mắt, cột mốc bảo vệ biên cương trên một vùng biển rộng lớn của chúng ta", ông Lĩnh nói.

Trang Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI