PNO - Ngày 16/11, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.
Theo số liệu thống kê năm 2019, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ) khoảng hơn 1.500 tấn. Tỷ lệ gia tăng khối lượng hằng năm khoảng 6-10%. Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty CITENCO cho biết, hoạt động thu gom chất thải rắn trên địa bàn TP.HCM hiện nay do hai nhóm đơn vị thực hiện, gồm hệ thống công lập (do Công ty CITENCO và 22 công ty dịch vụ công ích quận - huyện đảm nhiệm thu gom 40% khối lượng rác toàn thành phố) và hệ thống dân lập (do các công ty tư nhân, lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, thu gom 60% khối lượng rác). Hiện, chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành TP.HCM thu gom đạt 100%, khu vực ngoại thành thu gom từ 70-80%.
Đến nay, Công ty CITENCO đã thực hiện dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn". Theo đó, giai đoạn 1 dự án được thực hiện tại hai trạm trung chuyển rác Quang Trung (Q. Gò Vấp) và Tống Văn Trân (Q.11). Ngoài ra, còn có các điểm thu gom khác như các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh lớn; phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuần lễ thu đổi chất thải tái chế định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Dự án cũng đề ra hình thức thu gom rác thải tái chế bằng cách đổi quà và đổi thành tiền.
Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiện nay trên địa bàn TP.HCM còn dàn trải, phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại. Công tác xử lý chất thải rắn hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố, chưa chú trọng đến các giải pháp tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao, gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất và ảnh hưởng đến môi trường.
Tái chế chất thải, thúc đẩy sản xuất xanh
Với thực tế trên, CITENCO và PRO Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng dự án trong các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế; xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích cho chất thải có thể tái chế; vận động chính sách tạo cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện lợi cho chất thải có thể tái chế, cũng như truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và người thu gom rác độc lập. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam nhấn mạnh, CITENCO và PRO Việt Nam sẽ hợp tác xây dựng các dự án trong những lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế; xây dựng mạng lưới với các nhà máy tái chế để phát triển mô hình khuyến khích tái chế tất cả các loại chất thải có thể tái chế; truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và những người thu gom rác độc lập.
Sự hợp tác giữa CITENCO và PRO Việt Nam nhằm xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được kỳ vọng sẽ giúp giảm khối lượng chất thải đưa về các bãi chôn lấp, giảm phát thải khí carbon, qua đó thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo chủ trương của thành phố; tạo nền tảng để thay đổi thói quen của người dân về phân loại rác.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty CITENCO hy vọng dự án sẽ góp phần quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả và giúp nâng cao nhận thức cộng đồng. Từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Cứ hơn một tháng, công nhân Đội vệ sinh Tân Phú lại phải cùng “xóa điểm đen về rác, để rồi chỉ một tuần sau, đống rác vô chủ tiếp tục phát sinh tại tuyến đường Tô Hiệu. Ảnh: PV
Tinh Châu
Chính quyền sẽ mạnh tay hơn với rác “khổng lồ”
Ngay sau khi bài viết Khốn khổ vì … rác “khổng lồ” được đăng tải (Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 13/11/2020), nhiều bạn đọc tiếp tục gọi về Đường dây khẩn của Báo để phản ánh về “điềm đen” rác trên tuyến đường Tô Hiệu, Q.Tân Phú. Theo chỉ dẫn từ bạn đọc, chúng tôi đã ghi nhận tuyến đường Tô Hiệu đã có 3 bãi rác lớn, gồm góc đối điện 3Y - đoạn cuối Tô Hiệu - giáp ranh kênh Phan Anh, đoạn Nguyễn Văn Yến - Tô Hiệu, góc Lý Thánh Tôn - Tô Hiệu - ba điểm này đều nằm trên địa bàn P.Tân Thới Hòa. Ngoài ra, còn có một bãi rác lớn nằm đối diện 254 Tô Hiệu, thuộc P.Hiệp Tân, cùng Q.Tân Phú. Như vậy, không phải chỉ một mà có đến bốn điểm đen về rác trến một tuyến đường, và chỗ nào cũng bốc mùi hôi thối. Lực lượng vệ sinh tập trung dọn xong trong vài ngày, rác lại đổ tràn lan. Riêng tại điểm phát sinh rác đối diện 254 Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú thì đã phát sinh rác gần 6 năm qua nhưng chưa dẹp được.
Tình trạng rác phát sinh trên dọc tuyến đường Tô Hiệu, đoạn P.Tân Thới Hòa, anh Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng Tổ vệ sinh 5 (Đội vệ sinh Tân Phú Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM) phụ trách tuyến này xác nhận: “Rác phát sinh tập trung tại 3 điểm này chủ yếu là rác công nghiệp, rác từ đơn vị sản xuất tư nhân… Mặc dù công nhân vệ sinh thu gom hàng đêm nhưng vẫn không xuể”. Trước thực trạng này, Đội vệ sinh Tân Phú cũng nhiều lần có liên hệ với UBND P.Tân Thới Hòa và nhờ cấm các bảng cấm đổ rác từ nhiều tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Mới đây, trước lễ 2/9 thu gom khoảng 9 đến 10 tấn rác và đầu tháng 10 thu gom thêm khoảng 4 đến 5 tấn rác.
Trả lời báo Phụ Nữ TP.HCM về phản ánh của người dân đôi với việc chính quyền không mạnh tay trong xử lý các bãi rác phát sinh, ông Phạm Đại Phương - Chủ tịch UBND P.Tân Thới Hòa nói: “Vấn đề phát sinh rác tại tuyến đường Tô Hiệu trên địa bàn phường xuất phát từ thực tế tuyến này nằm trong công trình nâng cấp kênh Tô Hiệu, hiện phần lề đường vẫn chưa hoàn thành nên dẫn đến có đoạn thưa nhà dân, hoặc chưa có nhà dân phát sinh tình trạng vứt, bỏ rác không đúng quy định. Phường cũng đã có kiến nghị với quận đẩy nhanh tiến độ thi công. Phường tổ chức cho xe ủi san lấp bằng phẳng phần lề đường còn dang dỡ, tổ chức ra quân tổng vệ sinh và phân công các đoàn thể quản lý. Tuy nhiên, người đổ rác trộm thường đổ vào ban đêm. Phường đã tổ chức các đội tuần tra, chốt chặn 24/24 gồm các lực lượng: công an, quân sự, dân quân, bảo vệ khu phố… ròng rã suốt 2 tháng liền. Khi có lực lượng chốt chặn thì không ai dám đổ nhưng khi lực lượng rút đi thì nạn đổ rác lại tiếp diễn. Trong khi đó, phường không đủ lực lượng để duy trì liên tục. Với vấn đề rác từ các đơn vị gia công, sản xuất nhỏ (như thực tế là vải vụn, cao su làm giày dép…), phường có giới thiệu để các hộ gia đình, đơn vị sản xuất ký hợp đồng với đơn vị thu gom rác với đơn vị thu gom rác thải công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh rác trên đoạn đường này không phải chỉ có người dân địa phương và còn nhiều người dân nơi khác chở đến đổ trộm và thường đổ vào ban đêm nên cấp phường cũng khó xử lý”.
Về việc xử phạt các đơn vị, cá nhân đổ rác thải bữa bãi, ông Nguyễn Viết Toàn - Chủ tịch UBND P. Hiệp Tân cho biết phường có xử phạt một số trường hợp đổ, vứt rác không đúng quy định, nhưng rất ít. Thực tế tuyến đường có gắn camera an ninh, cách xa địa điểm tập kết và do công an quản lý. Hình ảnh ghi được tình trạng đổ rác trộm vào ban đêm không đủ ánh sáng, không đủ điều kiện để xử phạt.
Ngày 19/12/2024, Đảng ủy Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.