Chuyện “yêu sớm, cưới muộn” ở người trẻ

28/06/2020 - 14:51

PNO - Một nữ sinh viên năm cuối cho biết bạn đã trải qua vài mối tình, nhưng “quen chơi vậy thôi” chứ không nghĩ nghiêm túc về chuyện hôn nhân. Có một bộ phận giới trẻ ngày nay thường lập gia đình muộn, thậm chí e ngại chuyện kết hôn.

Hôn nhân đến từ cái kết đẹp của tình yêu luôn là điều mà mọi người mong đón nhận. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, một bộ phận giới trẻ thường lập gia đình muộn, thậm chí e ngại chuyện kết hôn. Đó là một trong những vấn đề được nêu tại buổi tọa đàm “Tình yêu và hôn nhân trong giới trẻ ngày nay” diễn ra tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM chiều 25/6.

Hội chứng “sợ đủ thứ”

Gần 100 bạn trẻ là sinh viên và những ông bố, bà mẹ có con ở độ tuổi “tiền hôn nhân” đã cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ những trải nghiệm, những góc khuất lẫn những băn khoăn của mình về tình yêu, về xây dựng mái ấm tương lai. Những câu chuyện tình yêu và quan niệm về hôn nhân của những người đang độc thân và cả những nỗi niềm, góc khuất của người đã từng bị “mắc kẹt” trong hôn nhân hoặc hôn nhân đổ vỡ… được chia sẻ với sự lắng nghe, chia sẻ của hai chuyên gia tâm lý là tiến sĩ Tô Nhi A và thạc sĩ Đỗ Văn Sự.

Chị N.T.L., nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, mang câu chuyện con trai của chị, 29 tuổi, quen bạn gái đã 6 năm, nhưng khi hỏi “chừng nào cưới?” thì con trai hoặc im lặng, hoặc ậm ừ cho qua chuyện.

Tiến sĩ Tô Nhi A đang trao đổi với một bạn trẻ
Tiến sĩ Tô Nhi A đang trao đổi với một bạn trẻ

Chị kể, cách đây 6 năm, từ khi con trai học năm cuối đại học, lần đầu dắt bạn gái về giới thiệu với ba mẹ thì hai bạn trẻ luôn “như hình với bóng”. Chị L. cảm thấy, hai bạn trẻ đẹp đôi nên mong đến ngày có dâu hiền. Thậm chí, anh chị đã ngỏ lời muốn qua thăm nhà “con dâu tương lai”, nhưng đều bị con trai trả lời rằng “chưa phải lúc”. “Tôi chỉ có độc nhất một đứa con nên mong nó lập gia thất để có cháu ẵm bồng. Nhưng đốc thúc hoài mà nó cứ lặng thinh. Gần đây tôi làm căng thì nó nói, bạn gái đang tiếp tục học ngành y. Nó bảo, chừng nào kinh tế của nó vững, bạn gái ra trường có việc làm thì mới tính tới chuyện kết hôn. Nghĩa là tôi phải chờ ít nhất 6-7 năm nữa” - chị L. lo lắng.

Chị M. lại lo lắng về chuyện lập gia đình của đứa em trai đã ngoài 30 tuổi. Chị kể, 4 năm trước, em trai có quen với một nữ đồng nghiệp cùng công ty. Tình cảm của hai đứa ngày càng thắm thiết hơn khi chúng thường cùng đi ăn, đi chơi xa với gia đình. Nhưng rồi càng về sau thì tình cảm càng phai nhạt. Gần đây, thấy em trai suy sụp tinh thần, chị M. tìm hiểu mới biết cặp đôi đã chia tay vì bạn gái lo cậu em không thể đảm bảo cuộc sống tương lai. Từ khi chia tay bạn gái, cậu em trở nên cáu gắt, có thái độ căm ghét phụ nữ và không còn thiết tha với chuyện lập gia đình nữa.

Một bạn gái đang là sinh viên năm cuối Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lại bày tỏ, bạn đã trải qua vài mối tình, nhưng “quen chơi vậy thôi” chứ không nghĩ nghiêm túc về chuyện hôn nhân, vì qua báo chí và mạng xã hội với nhiều clip về bạo hành gia đình, bạn cảm thấy việc lập gia đình giống như “bước vào địa ngục trần gian”.

Hôn nhân vẫn là “bóng mát cuộc đời” 

Các chuyên gia tâm lý nhìn nhận, trong xã hội ngày nay, chuyện hẹn hò, tìm hiểu và quen biết nhau rất dễ dàng. Không chỉ quen nhau theo phương thức truyền thống, các bạn trẻ còn có nhiều cơ hội gặp gỡ, kết bạn và tìm hiểu nhau, nhiều bạn còn quen và nên duyên thông qua mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quen nhau qua mạng là không đáng tin vì khi đến với nhau chóng vánh thì thường dễ phai nhạt, đổ vỡ…

Theo tiến sĩ Tô Nhi A, hôn nhân đến từ cái kết đẹp của tình yêu luôn là điều mà mỗi người mong đợi. Nhưng có một thực tế là cả nam giới và nữ giới, yêu nhau thì rất sâu đậm nhưng khi nói đến chuyện cưới xin thì lại rất đắn đo, ngần ngại, dè dặt, hoài nghi rằng liệu mình đã chọn lựa được đúng đối tượng chưa. Một bộ phận giới trẻ thường lập gia đình muộn hơn trước đây, thậm chí còn e ngại chuyện kết hôn. Sự tác động từ lối “sống ảo”, “sống sang chảnh” trên mạng xã hội, trên phim ảnh đã tác động không nhỏ đến việc chọn người yêu, bạn đời đối với các bạn trẻ. “Khi hình mẫu trong đầu quá cao, trong khi thực tế lại rất khác đã khiến nhiều cặp yêu vội đã tan nhanh. Những va đập cơm áo gạo tiền trong hôn nhân cũng khiến nhiều người vỡ mộng, ly hôn”.

Cũng theo tiến sĩ Tô Nhi A, việc chần chừ chưa tiến tới hôn nhân của cậu con trai chị L. xuất phát từ trách nhiệm làm chủ kinh tế, khẳng định bản thân trước khi tính đến chuyện kết hôn là một suy nghĩ độc lập, chín chắn và đáng khích lệ. Do vậy, cha mẹ thay vì làm áp lực bắt con phải cưới thì nên tạo điều kiện giúp đỡ để con dần tự chủ về kinh tế. Tuy nhiên, việc kết hôn cũng không nên để quá muộn, bởi việc kết hôn muộn sẽ ảnh hưởng đến việc sinh con và nuôi dạy con cái.

Đồng cảm với nỗi đau, sự vấp ngã trong tình yêu đầu đời của cậu em trai chị M., thạc sĩ Đỗ Văn Sự cho rằng đã có một sự sang chấn tâm lý khi bị tổn thương và mất niềm tin, thất vọng vào đối tượng mình quan tâm chăm sóc và dư chấn này sẽ kéo dài. Tuy nhiên, mọi chuyện đều có cách giải quyết. Cách chữa hội chứng này theo ông Sự là người đàn ông cần lấy lại sự tự tin, xác định mục tiêu sống và tìm cho mình một công việc đủ bận rộn, thậm chí sắp xếp lại không gian sống lâu nay của mình để lấy lại tinh thần và niềm tin cuộc sống.

Với trường hợp, yêu nhưng sợ cưới, vì bị ám ảnh bởi những câu chuyện bạo lực gia đình, tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng, thay vì sợ hãi, chối bỏ, các bạn trẻ cần “thử thách” người mình yêu về tính cách, quan điểm sống, trách nhiệm về tương lai trước khi đến với hôn nhân.

Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, trong sáng trong tình yêu cũng tựa như trang bị kiến thức, kỹ năng cho đời sống hôn nhân - gia đình. Đó là hành trang tốt nhất để xây dựng gia đình hạnh phúc, theo các chuyên gia tâm lý.

Hoài An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI