Chuyện y, bác sĩ Quảng Trị “chia lửa” cho Bình Dương

21/09/2021 - 06:38

PNO - Cuối tháng 7/2021, đoàn y, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh Quảng Trị với 33 thành viên đã lên xe vào Nam, “chia lửa” với Bình Dương, tỉnh đang có dịch COVID-19 bùng phát dữ dội.

“Chia lửa” ở tuyến đầu

Bác sĩ Hồ Thị Việt, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu thuộc Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa, kể: “Từ khi dịch bùng phát, mình luôn xác định nhiệm vụ sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Khi miền Nam cần hỗ trợ, mình gác lại mọi thứ để đi ngay”.

 

Bác sĩ Hồ Thị Việt trở về sau một tháng ròng rã “tiếp sức” cho tỉnh Bình Dương điều trị F0
Bác sĩ Hồ Thị Việt trở về sau một tháng ròng rã “tiếp sức” cho tỉnh Bình Dương điều trị F0

Chồng chị lái xe cấp cứu ở Trung tâm Y tế Đakrông (cơ sở 2), mỗi tháng chỉ về nhà được đôi lần. Trước hôm đi, chị Việt đưa hai con về gửi bà ngoại. Mỗi ngày, tranh thủ giờ nghỉ, chị gọi cho các con. “Thời điểm cận kề năm học mới, mình không ở gần để sắm sửa áo quần, sách vở cho con. Mọi thứ phải trao đổi qua điện thoại, thật lòng cũng lo lắng lắm. Mình chỉ biết động viên các con nỗ lực và tự lập”, chị Việt nói. 

Công tác ở một huyện miền núi, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, bà con đa phần là đồng bào thiểu số, ròng rã suốt 25 năm, qua nhiều trận dịch, từ thương hàn, sốt xuất huyết… nhưng chưa lần nào chị phải trải qua những ngày điều trị bệnh căng thẳng như khi điều trị các bệnh nhân COVID-19.

Nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 3 (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chị Việt cùng các đồng nghiệp của mình đã trải qua một tháng vật vã trong cuộc chiến giành lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân.

Bình quân ở bệnh viện dã chiến, mỗi bác sĩ và hai nhân viên y tế phải phụ trách từ 150 đến 200 bệnh nhân. Mỗi ngày hai lượt thăm khám, mỗi lượt chiếm trọn cả buổi sáng đến xế trưa và lệch sang giờ buổi tối. Bộ đồ bảo hộ nóng bức khiến ai cũng mướt mồ hôi. Những ca trực đêm dường như là một thử thách lớn đối với sự kiên nhẫn và sức khỏe của các y, bác sĩ.

Chị Việt kể, dãy hành lang 70 phòng bệnh nối dài, một mình chị với bộ đồ bảo hộ luôn trong trạng thái sẵn sàng khi có bệnh nhân cần hỗ trợ, mà điều đó lại xảy ra thường xuyên, kể cả phải bỏ lại những bữa cơm dang dở. 

Không ai có thể tưởng tượng nổi những khó khăn ở tuyến đầu, khi lượng bệnh nhân ngày càng đông dần. Chuyện một y, bác sĩ nào đó chẳng may mắc bệnh cũng không phải ngoại lệ. Nhưng tất cả đều tìm cách khắc phục và vượt qua. Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đông Hà - Trưởng đoàn y, bác sĩ Quảng Trị tình nguyện vào Bình Dương trong đợt 1 - cho biết chỉ trong vòng một tháng, đoàn đã tiếp nhận 2.564 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50 bệnh nhân là trẻ em dưới 6 tuổi, 10 bệnh nhân trên 70 tuổi, và nhiều bệnh nhân có triệu chứng nặng. 

Điểm tựa của bệnh nhân

Bệnh nhân COVID-19 đều không có người thân, nên các y, bác sĩ vừa là người điều trị vừa trở thành điểm tựa cho họ. Có bệnh nhân nặng không tự ăn uống được, anh Nguyễn Văn Định, điều dưỡng viên của Bệnh viện Đa khoa Triệu Hải - trong bộ đồ bảo hộ nóng bức phải ngồi xuống, chậm rãi đút từng thìa cháo, kiên nhẫn và tận tình. Hôm ấy, bệnh nhân đã khóc vì xúc động, còn anh Định cảm thấy vui vì đã chia sẻ khó khăn cùng người bệnh. 

Chị Việt kể, điều trị bệnh là một chuyện, nhưng bác sĩ còn phải làm tư vấn tâm lý cho bệnh nhân. Từ chuyện ăn uống, súc họng bằng nước muối, tập hít thở đều đặn, cho đến các động tác thể dục cải thiện sức khỏe. Nhiều bệnh nhân bị mất ngủ rất lo lắng, có đêm họ gọi bác sĩ đến dăm bảy lượt. Bác sĩ phải lập tức có mặt để phân tích cho bệnh nhân biết các triệu chứng bệnh, rồi động viên tinh thần để họ an tâm dưỡng bệnh.

“Nguyên tắc là F0 với bác sĩ phải có khoảng cách, nhưng ở bệnh viện dã chiến ngày ấy, khoảng cách về tình cảm giữa chúng tôi dường như xóa nhòa. Chúng tôi coi bệnh nhân là người thân, và nhận về niềm xúc động cũng của những người thân”, chị Việt bộc bạch. 

Sau một tháng, một đoàn y, bác sĩ khác của Quảng Trị đã lên đường vào Bình Dương để thay cho các đồng nghiệp đi đợt trước được trở về nhà. Nữ điều dưỡng trẻ L.T.H.N., trong đoàn bày tỏ: “Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng không có gì lo lắng cả. Em nghĩ mình còn trẻ thì cứ đi thôi. Đó đã là nghề nghiệp mình lựa chọn rồi”.

Ngọc Uyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI