Chuyện xúc động về ''kẻ trộm tiền'' trong bệnh viện: Khi là tình thương

25/05/2016 - 13:47

PNO - Cách ứng xử của chị Tuyến khi phát hiện bà cụ lấy trộm 1 triệu đồng trong túi của mình khiến nhiều người bất ngờ.

Khi phát hiện một người lạ mặt ăn trộm, móc ví của mình nơi công cộng hầu hết mọi người sẽ rất hoảng hốt, la lên, sau đó là muốn tố cáo hành vi sai trái đó. Tuy nhiên, câu chuyện trong bệnh viện của chị Nguyễn Kim Tuyến (đường số 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) lại cho chúng ta suy ngẫm về một cách ứng xử khác.

Chị Tuyến chia sẻ: "Vào buổi chiều hôm qua (24/5), tôi có đến bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM khám bệnh. Tôi hay mang túi vải, túi vải không có dây khóa. Ví tiền các vật dụng cá nhân cứ bỏ vô túi hồn nhiên vì vốn dĩ tôi không bao giờ mang nhiều tiền trong người nên không lo bị mất đồ. Hôm nay đi khám bệnh nên có rút vài triệu để trong ví.

Lúc chờ khám bệnh, ngồi cạnh tôi là 1 bà cụ hom hem và đứa con gái mặt vàng như chiếc lá úa. Chưa kịp bắt chuyện thì tôi có điện thoại nên chạy vội ra chỗ vắng để nghe. Đồ đạc thì vẫn vứt lung tung trên ghế.

Chuyen xuc dong ve ''ke trom tien'' trong benh vien: Khi la tinh thuong
Chị Tuyến - người chia sẻ câu chuyện đặc biệt trong bệnh viện (Ảnh NVCC).

Lúc tôi bước vô thấy bà cụ ngồi cạnh hồi nãy đang cầm cái ví bỏ lại vào túi của tôi. Lúc đó không biết làm sao, nửa muốn hô hoán lên vì bị lấy trộm tiền. Nhưng lại nghĩ có khi nào ví mình rớt ra khỏi túi nên người ta nhặt bỏ lại không. Suy nghĩ 1 lúc, tôi lại chỗ ngồi lấy túi vào nhà vệ sinh kiểm tra. Mình bị mất đúng 1 triệu. Định bụng sẽ ra nói với bà cụ là tại sao lấy tiền mình.

Lúc tôi đi ra bà cụ và đứa con gái chuyển sang dãy ghế khác ngồi. Mắt bà cụ lo sợ nhìn về phía tôi và nhìn về phía tờ giấy có dán danh sách những người hay trộm ở bệnh viện. Tôi thấy mắt cụ rưng rưng. Nhìn gương mặt phúc hậu và lương thiện của cụ, tôi nghĩ chắc phải bất đắc dĩ cụ mới trộm tiền mình. Mà nếu lỡ trộm tiền đứa hớ hênh như mình thì sao không lấy hết tiền trong ví mà chỉ lấy đúng 1 triệu. Tôi nghĩ, chắc chắn, bà cụ không phải là một người tham lam và một kẻ trộm chuyên nghiệp.

Tôi nhìn về phía cụ, mắt cụ vô cùng lo sợ. Tôi lại chỗ cụ đứng và chào rồi ra về. Thật ra tôi cũng tiếc tiền lắm. Nhưng nhìn dáng vẻ ấy tôi không nỡ làm to chuyện.

Khi tôi ra tới bãi giữ xe, bác ấy chạy theo rồi nói: "Cháu cho bác số điện thoại đi, khi nào có tiền bác trả lại. Con gái bác bị bệnh mà bác không đủ viện phí nên...Bác xin lỗi cháu. Cháu cho bác số điện thoại đi. Bác hứa sẽ trả đủ".

Thật ra thì trong thâm tâm, tôi cũng đã nghĩ là mất 1 triệu đó nên khi nghe vậy tôi rất bất ngờ, càng thấy có lỗi khi trong bụng đã nghĩ xấu về người ta.

Tôi không biết nói sao chỉ dạ một tiếng rồi đưa lại số điện thoại và nói: "Không sao đâu, khi nào có bác gửi lại cháu cũng được. Mong con bác mau hết bệnh".

Chị Tuyến chia sẻ thêm: "Cho đến nay tôi vẫn luôn mong sẽ nhận được cuộc gọi của cụ, không phải vì tôi muốn cụ sẽ trả lại số tiền kia cho tôi mà hiện tại có rất nhiều người liên lạc với tôi để được giúp cụ. Một số bác sĩ ở bệnh viện FV cũng liên hệ với tôi để được giúp đỡ cụ và gia đình.

Thực ra khi đó, tôi có xin số điện thoại của cụ nhưng cụ lại không mang điện thoại ở đó và cụ cũng không nhớ được số điện thoại của mình nên tôi không còn mối liên hệ nào với cụ. Nhưng tôi vẫn tin rằng, một ngày nào đó, cụ sẽ liên lạc với tôi.

Trường hợp của bà cụ khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm. Đúng là vì con mà người mẹ có thể làm tất cả. Cuộc sống này sao nhiều người khổ quá.

Tôi mong sao, mỗi bệnh viện bây giờ sẽ thành lập một quỹ vì người bệnh nghèo để hỗ trợ phần nào cho những người khó khăn để họ không phải đến bệnh viện trong nỗi lo, không có tiền không được khám chữa. Hơn thế, bây giờ, các bệnh viện làm thủ tục hành chính rờm ra quá, thật khổ cho người bệnh. Mong sao, những người bệnh nghèo sẽ được giúp đỡ nhiều hơn để họ không rơi vào hoàn cảnh cùng cực như bà cụ mà tôi từng gặp".

Minh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI