PNO - Đây không chỉ là câu chuyện về nghề báo, về hậu trường của giới nghệ sĩ và ngành giải trí, mà còn là câu chuyện về những người phải vật lộn, tìm kiếm bản thân.
Ngay từ đoạn mở đầu, bộ phim có độ dài tới 160 phút đã tạo thiện cảm bằng những màn đối thoại trong gia đình cậu bé William Miller. Bà mẹ Elaine Miller (Frances McDormand) luôn giám sát, lo lắng đôi khi thái quá cho hai đứa con là cô bé Anita (Zooey Deschanel) và William (Patrick Fugit) hiếu động, luôn có những màn hỏi - đáp cắc cớ với mẹ. Trước khi bỏ nhà theo bạn trai, cô chị để lại cho cậu em một kho đĩa nhạc với lời nhắn nhủ: “Hãy nghe Tommy dưới ánh nến và em sẽ tìm được hướng đi cho mình”. Từ đây, bộ phim bắt đầu tập trung vào nhân vật William.
Hình ảnh Willam trong bộ phim có bối cảnh những năm 1970 là hiện thân của đạo diễn Cameron Crowe khi ông kể về bước ngoặt của mình từ sáng tác âm nhạc sang viết báo. Vì muốn con trở thành thiên tài, người mẹ cho William đi học sớm tới hai năm. Thay vì trở thành luật sư như mong muốn của mẹ, William lại đi viết báo về âm nhạc. Từ năng lực bộc lộ qua những bài viết trên ấn phẩm ít tên tuổi, William đã được biên tập viên của tờ báo âm nhạc danh tiếng Rolling Stone đặt viết một bài chuyên sâu (feature) về ban nhạc nhiều hứa hẹn Still Water. Tuổi thực của William lúc ấy chỉ mới 15.
Bằng xúc cảm và tay nghề, đạo diễn Cameron Crowe đưa khán giả đến với tuyến truyện chính là chuyến tác nghiệp, cũng là chuyến phiêu lưu dài của nhà báo trẻ William trên hành trình dọc nước Mỹ theo lịch lưu diễn của ban nhạc Still Water. Để viết bài báo 3.000 từ, William trải qua những tháng ngày ăn cùng, ở cùng không chỉ với bốn thành viên của ban nhạc mà còn với những cô bạn gái của các anh chàng nghệ sĩ phóng túng. Những hào nhoáng và trần trụi trong đời sống của một ban nhạc rock bày ra trước mắt chàng trai còn nhiều ngơ ngác này.
Nhưng, những đêm diễn cuồng nhiệt ngoài trời đầy ắp khán giả, những buổi tiệc đầy ma túy, sặc mùi rượu, những cuộc tình chớp nhoáng của nghệ sĩ với các cô “hot girl”… liệu có phải là “chân dung” của ban nhạc, là bản chất của rock “n” roll, là tâm hồn và tư tưởng của những nghệ sĩ nổi loạn?... Làm thế nào để nhận diện đúng về họ? Thứ âm nhạc mà họ mang đến có còn giá trị khi thị hiếu của công chúng thay đổi? Làm thế nào để phân biệt khi nào họ trung thực, khi nào họ “diễn” và cố khoe ra bộ mặt khác để qua mặt một phóng viên ngỡ còn non nớt như William?...
Nhiều lúc William mắc kẹt trong những bối rối chồng chéo đó. Rõ ràng Russell, trưởng nhóm nhạc đã tuyên bố: “Chúng tôi hát cho “fan”, chứ không hát cho nhà phê bình”. Nhưng, biên tập viên của Rolling Stone thì nói với William: “Hãy hỏi phản ứng của họ khi các nhà phê bình bỏ lỡ hai album đầu tay của họ…”, kèm theo cảnh giác “Chúng tôi sẽ trả tiền, đừng để ban nhạc trả bất cứ thứ gì cho cậu”. Thậm chí, Lester Bang - “cây đa cây đề” làng báo, như một ông thầy khó tính, cũng lạ nh lùng khuyên: “Đó là một chuyến đi tốt cho cậu. Nhưng hãy nhớ đừng làm bạn với những người đang cố lợi dụng cậu để khiến chuyện làm ăn của những ngôi sao nhạc rock vô giá trị như Still Water có thể ngon hơn. Đừng để bọn con buôn rẻ tiền thay đổi cậu”…
Không chỉ mang lăng kính du ký, hài hước, Gần như nổi tiếng còn nhìn vào những vấn đề về bản thể, lối sống. Đây không chỉ là câu chuyện về nghề báo, về hậu trường của giới nghệ sĩ và ngành giải trí, mà còn là câu chuyện về những người phải vật lộn, tìm kiếm bản thân. Bốn thành viên Still Water vật lộn với nhiều vấn đề để trở thành ngôi sao. William vật lộn với vấn đề của chàng trai mới lớn. Người mẹ vật lộn với chuyện các con ngày càng rời xa vòng tay mình…
Almost Famous (Gần như nổi tiếng) là bộ phim xuất sắc về nghề báo, âm nhạc và hành trình nhận diện đời sống với đầy ắp hứng khởi, suy tư.
Song song tuyến chính là cuộc hành trình dài ấy, đạo diễn khéo léo đẩy vào hai tuyến phụ về những tương tác từ xa của William với người mẹ nơi quê nhà và mối quan hệ của chàng nhà báo trẻ với cô gái vốn là “nàng thơ” của ban nhạc. Theo đó, cứ mỗi chặng hành trình, khán giả như người đồng hành lại thấy những sự thật mới vỡ ra, cứa vào lòng, vào trí não. Cũng không thiếu những khoảnh khắc xúc động khi người mẹ nhớ thương, sợ con sa ngã nên không ngớt dặn dò con “đừng dùng ma túy”…
Cùng với việc đưa khán giả bước lên chuyến xe đầy ắp tinh thần tự do của tuổi trẻ hoang mang, cuồng loạn và sôi nổi, thì Gần như nổi tiếng cũng phủ kín những bản nhạc hay. Có thể coi đây là bộ phim âm nhạc về đề tài nhà báo viết về âm nhạc. Tác phẩm điện ảnh đáng xem này cũng bổ sung vào danh sách vô cùng dày dặn những bộ phim hay về chủ đề âm nhạc của điện ảnh Mỹ. Qua phim, càng thấy rõ báo chí, phim ảnh và truyền thông xứ cờ hoa đặt âm nhạc nói riêng và những thay đổi, biến chuyển của văn hóa, lối sống nói chung ở vị trí quan trọng thế nào. Đó tuyệt nhiên không phải chỉ là tiêu mục phụ trên báo chí và bị coi như thứ “vô thưởng vô phạt”, “chẳng chết ai”.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.