Chuyện vụn mẹ kể ngày mưa

21/09/2024 - 19:02

PNO - Không biết mùa mưa năm nay kéo dài đến khi nào nhưng tôi biết chắc một điều: nhờ trí nhớ thiên tài của mẹ, tâm hồn tôi cũng được tưới đẫm dưỡng chất rồi.

“Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa”
“Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa” (ảnh minh họa)

Từ khi bà nội mất, mẹ không còn bận bịu cấy hái nữa nhưng vào độ này, mẹ mong mưa cho “đàn con” trong vườn mẹ được tắm mát.

Tôi thắc mắc:

- Hằng ngày mẹ tưới cây bằng nước ao hoặc nước giếng khoan chẳng nhẽ chưa đủ?

Mẹ giảng bài:

- Ngốc lắm cơ! Này nhé, nước mưa không chứa muối, khoáng chất, hóa chất xử lý và dược phẩm có trong nước máy, nước ngầm. Nước mưa quê mình là nước tinh khiết. Tưới cây bằng nước mưa vừa làm sạch đất vừa giữ độ pH trong đất luôn được cân bằng. Nước mưa có chứa nitrat, dạng ni tơ sinh học dễ sử dụng nhất. Ni tơ là 1 trong 3 chất dinh dưỡng đa lượng quan trọng mà cây cần để phát triển. Nitrat được tạo thành từ ni tơ và ô xy có trong thiên nhiên để cây trồng hấp thụ tối đa. Thực vật hấp thụ hầu hết nitrat trong đất. Nitrat đó đến từ đâu?

- Nước mưa ạ.

Tôi đoán bừa mà đúng, thế là gỡ được bàn thua từ câu hỏi trước đó. May, chưa bị mẹ cốc đầu giống hồi xưa. Mẹ về hưu hơn 20 năm rồi mà thi thoảng khi trò chuyện, tôi vẫn thấy ở mẹ phong thái của một cô giáo.

Mấy chuyện vụn lúc chiều muộn của mẹ con tôi bị gián đoạn bởi một trận mưa rào. Tôi mừng quýnh:

- Hôm nay mẹ không phải tưới cây nữa nhé!

Mẹ dìm:

- Mưa vớ mưa vẩn. Ăn thua gì!

Ô hay, mưa dội xuống mạnh như thác nước thế này mà mẹ vẫn chê, không hiểu mưa cỡ nào mẹ mới hài lòng. Từng này nước mưa là bao nhiêu nitrat được hình thành và thấm vào đất? Tôi không có thiết bị đong đếm nhưng thừa biết “đàn con” của mẹ đang “mở cờ mà lên”.

Không rõ do tôi ước hay do mẹ mong mà trận mưa này dai dẳng từ đầu tuần đến cuối tuần chưa chịu tạnh. Tôi tưởng mẹ thích lắm, ai ngờ mẹ buông câu:

- Mưa nhiều thế, trôi hết dưỡng chất rồi còn đâu!

Mẹ làm tôi cạn lời. Có khi ông trời phải sắm thiết bị “bật - tắt” mưa cho mẹ tự điều chỉnh giống như vòi hoa sen, may ra mẹ mới hài lòng.

Ngày thường, buổi sáng, mẹ dành ít nhất 3-4 tiếng để tỉa cây cảnh ở vườn trước, nhổ cỏ, chuyển cây từ chậu này sang chậu kia. Buổi chiều mẹ cũng dành chừng đó thời gian để chăm sóc vườn rau sau nhà. Thời gian làm vườn của mẹ nghiêm ngặt không khác người đi làm công sở.

Đợt này mưa nhiều, nước ao dềnh lên mặt sân làm mẹ ngao ngán, ngứa ngáy chân tay. Đọc sách, đọc báo, xem ti vi mãi cũng chán, thế là mẹ tìm cách gợi chuyện cho tôi “mở máy” và bắt đầu màn đối thoại mà tôi nắm chắc phần... thua.

“Chiêm hoa ngâu đi đâu không gặt?” - mẹ đố tôi bằng một câu hack não hơn câu hôm trước. Thấy tôi mãi không giải thích được, mẹ nói luôn:

- Lúa chiêm chín thường có màu vàng như hoa ngâu, tầm này phải gặt ngay để tránh mưa bão.

- Hay là mẹ thử trồng hoa ngâu trong vườn nhà mình đi, đẹp phải biết!

- Thôi, trước nhà có cây hoa hòe dì Ba cho năm ngoái rồi. Hoa hòe màu vàng đẹp lắm lại còn làm dược liệu chữa bệnh.

Mẹ nói thế thì tôi lại thua. Chưa kịp lái sang chủ đề khác, mẹ đọc tiếp:

- “Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa”.

Lần này tôi trả lời lau lảu:

- Dự đoán thời tiết của các cụ ngày xưa.

Mẹ ậm ừ:

- Đúng rồi, khi chưa có dự báo thời tiết của đài phát thanh, các cụ trông trời, nhìn ráng xem mây để đoán thời tiết. “Ráng mỡ gà” là khi chân trời có màu vàng óng như mỡ gà, đó là dấu hiệu gió to hoặc bão lớn đang đến. Tương tự, “ráng mỡ chó” nghĩa là khi nào chân trời có màu phớt hồng như mỡ chó thì sắp mưa to.

Không biết mùa mưa năm nay kéo dài đến khi nào nhưng tôi biết chắc một điều: nhờ trí nhớ thiên tài của mẹ, tâm hồn tôi cũng được tưới đẫm dưỡng chất rồi.

Kiều Bích Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI