Tôi là Tỵ. Hồi 10 tuổi tôi đã là “vợ” của thằng Thìn, lớn hơn tôi một tuổi. Chúng tôi có hai “đứa con” là thằng Ngọ và con Mùi.
Cái xóm nhỏ của tôi chỉ có hai “gia đình”, nhà bên kia cũng có bốn người, hai “vợ chồng” ông Tý và bà Sửu cũng có hai “đứa con” là thằng Dần và con Mẹo. Tất cả chúng tôi đều trạc tuổi nhau.
“Xóm nhỏ” của tôi gồm một nhà dựng dưới gốc mít, một nhà dựng ở gốc xoài. Khi dựng nhà bọn tôi cũng phải oẳn tù tì để chọn địa điểm. Vì gốc xoài đắc địa hơn, ngồi dưới ngó lên thấy nhiều trái xoài treo lủng lẳng rất đẹp. Còn ngồi dưới gốc mít chỉ sợ trái to chín rụng “sập” nhà lúc nào không hay. Tuy vậy, tình làng nghĩa xóm của hai “gia đình” vẫn không vì thế mà sứt mẻ.
|
Ngôi nhà tuổi thơ của chúng tôi dựng từ cây lá. Ảnh: internet |
Khi lập “gia đình”, ai “chồng”, ai “vợ”, ai “con”, chúng tôi cũng đấu tranh với nhau lung lắm. Phải dùng tay “bề trắng bề đen” rồi loại dần và sắp xếp. Nhưng ai chọn ai thì chọn, tôi nhất định phải làm “vợ” thằng Thìn, chỉ vì người nó thơm phức mùi… xà bông Cô Ba, nếu không thì tôi “nghỉ chơi”.
Còn nhà bên kia, nhỏ kia không thích cái tên Sửu mà muốn tên là Tý cơ, nhưng cuối cùng hai “đứa con” nó ép quá nên đành phải chịu.
Mỗi ngày, ngoài giờ đi học là chúng tôi “biến mất” khỏi ngôi nhà thật. Ai muốn tìm đứa nào trong số chúng tôi cứ đến “xóm xoài mít” là có đủ tám đứa.
“Nhà” chúng tôi được cất bằng củi dừa, lá dừa, lá và cây chuối. Khi bắt tay cất “nhà”, đứa nào cũng háo hức, nôn nóng muốn tác phẩm của mình sớm hình thành coi nó ra làm sao, vì vậy chúng tôi đứa nào cũng nhiệt huyết và rất trách nhiệm.
Mỗi đứa chạy về nhà thật lấy cái này, cái kia, năn nỉ ỉ ôi, kể cả “chà đồ nhôm” để đem về “nhà” mình. Chúng tôi chủ trương “ăn thật, uống thật, lửa củi thật, chén bát dao thớt đều thật”, chỉ có khâu chợ búa là đành “chịu chết” vì không đứa nào có tiền. Nếu không “chà đồ nhôm” thì biết lấy đâu ra?
|
Chúng tôi chơi đồ hàng rộn ràng một góc. Ảnh: Internet |
Cơm nấu dễ ợt, bắc ba cục gạch với mớ củi là xong. Đồ ăn thì đã có nhà thật tài trợ, lo gì chết đói. Nhưng rõ ràng, cơm nhà thật không ngon bằng cơm “nhà mình” ở gốc xoài, mít. Thậm chí các bữa đại yến ở hoàng cung cũng không thể ngon được như vậy. Khi rảnh, chúng tôi lại hò nhau xách rổ ra mương xúc tép, xúc cá đem về xỏ xâu, nướng trực tiếp với lửa củi. Trời ơi còn gì tuyệt hơn!
Thời gian trôi qua, mấy đứa con của hai nhà lớn lên. Ây dà, lúc này thì tình yêu bắt đầu phát sinh.
Đầu tiên là thằng Ngọ nhà tôi “yêu” con Mẹo nhà kia, vì con Mẹo rất đẹp. Đẹp mà hay dẹo nên nó chết danh là con “Mẹo dẹo”. Nhưng “má” nó là bà Sửu không chịu, bắt phải gọi là con Tiên, con “Tiên dẹo” nghe cũng đỡ hơn là “Mẹo dẹo”.
Thằng Ngọ nhà tui rất đẹp trai nên con Tiên dẹo mới ưng, nó nói không đẹp là nó chọn người khác. Nói vậy chớ trai đâu nữa mà chọn? Thế giới này “hẹp” quá mà! Thế là “gia đình” tôi phải tính chuyện “cưới xin” cho thằng Ngọ, cũng trầu rượu đàng hoàng, cũng trang trí nhà cửa đẹp đẽ như ai, áo xanh áo đỏ bông hoa tưng bừng đón “con dâu” Tiên dẹo về nhà.
Đám cưới tổ chức thật rình rang khiến hai “nhà” đều nở mày nở mặt. Chỉ ngặt mỗi chuyện “mẹ chồng” là tôi, tự dưng gánh thêm cục nợ, vì con Tiên dẹo là người đẹp nên… chả biết làm gì.
Thêm một tình yêu phát sinh nữa là “con gái” tui - con Mùi. Nó không đẹp lắm, nhưng thằng Dần anh con Mẹo lại thích, thế là con Mùi chạy đâu? Còn ai nữa mà chọn? Nhà bên kia, ông Tý bà Sửu đành phải “đón” con Mùi về. Lại khổ cho hai nhà vì chẳng biết phải xưng hô làm sao trong bốn đứa nó: anh con này cưới em thằng kia, anh con kia lại cưới em thằng này.
Cuộc sống cứ êm ả trôi qua, nhưng chỉ vui được những ngày nắng. Đến mùa mưa, nước trút xuống xối xả, gió giật cấp mấy hổng biết, mà nhà xoài sập trước, tốc mái và bay luôn vách lá. Còn nhà mít chưa sập, nhưng nước đã ngập lênh láng… Hai nhà chúng tôi bèn di tản về nhà thật, buồn ghê là buồn…
Hôm nay tự dưng ký ức dồn dập quay về. Nhớ những căn nhà chòi thuở lên chín lên mười, nhớ lũ bạn ngày xưa nay đã không còn trẻ. Có đứa vẫn còn ở quê, lâu lâu về gặp lại, nhắc chuyện “nhà chòi” mà rưng rưng nước mắt. Có đứa đã mất vì nghèo, vì bệnh. Có đứa may mắn giàu có nhờ đất đai ông bà để lại, nhờ cháu con thành đạt. Có đứa theo con ra nước ngoài định cư.
Tụi nhỏ bây giờ đâu hình dung được “nhà chòi” là gì. Đưa con về quê, đi ngang ruộng đồng, tôi chỉ cho chúng những căn chòi người nông dân cất tạm để canh lúa canh khoai, canh gà canh vịt. Nhưng đó chỉ là chòi canh, còn cái “nhà chòi” ngày xưa của tôi có kể vạn lần, tụi nhỏ cũng không thể hình dung ra. Con còn hỏi tôi: “Sao má phải cất nhà chòi chật ních làm gì, rồi bốn năm người chui vô trong đó?”.
Hình như trẻ con ngày xưa có chút ngu ngơ khờ khạo, bởi làm gì có điện thoại thông minh, có internet hiện đại. Những đứa con tôi làm sao hiểu được, mẹ chúng bây giờ chỉ thèm “một vé về tuổi thơ”, nhưng ai bán mà mua?
Ngọc Dung