Chuyện vợ chồng ở thị xã bé nhất nước qua lời kể của người vợ bỏ chốn phồn hoa đô thị lên núi... làm dâu

06/05/2018 - 19:00

PNO - "Ở đây có những người chồng vừa trông con vừa bắt tắc kè kiếm tiền, vợ lên rừng kiếm mớ rau ít hoa trái xuống chợ bán, chỉ đủ ăn qua ngày, nhưng thật hạnh phúc!". Đó là những điều mà mình cảm thấy thật đáng trân quý.

Chị Vương Thu Trang (36 tuổi, hiện sống ở Điện Biên) đã từng có một cuộc sống lăn lộn từ Bắc vào Nam, sống ở cả hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng rồi như duyên phận đưa đẩy, cuối cùng chị lại lên núi... làm dâu. Chị hiện đang sống cùng gia đình chồng ở thị xã Mường Lay – vốn được biết đến là thị xã bé nhất nước với số người dân sinh sống rất ít. Cảnh sắc đẹp như một bức tranh thủy mặc, sông, núi, mây, trời hòa quyện làm một, đã khiến chị say mê ngay từ lần đầu tiên đặt chân lên thị xã nhỏ vùng núi này.

Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau

Vợ chồng chị Thu Trang.

Chị Trang kể lại: “Mình quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội. Sau một số biến cố của cuộc đời, mình vào Nam sống. Khi ấy, mình bán hàng quần áo qua mạng và chồng mình vô tình đặt mua. Mua nhiều thành quen, anh mời mình khi ra Hà Nội có dịp ghé thăm gia đình anh ở trên Tây Bắc. Khi đặt chân đến nhà anh lần đầu, mình đã bị cảnh sắc và con người anh chinh phục hoàn toàn. Sau một khoảng thời gian yêu xa, mình quyết định lên đây với anh và tạo dựng cuộc sống mới, bỏ lại tất cả những bộn bề sau lưng”.

Thời gian đầu làm quen với cuộc sống buồn tẻ nơi xóm núi, chị Thu Trang cũng không khỏi bỡ ngỡ. “Khi sống ở thành phố, mình và bạn bè có thể đi cafe hay ăn uống dù là giữa khuya. Còn ở đây chưa tới 7h tối, đường đã vắng tanh, không có một hoạt động hay tụ điểm vui chơi giải trí nào. Bắt đầu lại với công việc mới, làm quen với những con người mới khi không có cùng suy nghĩ và sở thích giống nhau, mình mới thấy cô lập kinh khủng. Đã rất nhiều lần mình muốn bỏ về xuôi...”.

Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau

Thời gian đầu chị luôn cảm thấy buồn, nhưng rồi đã dần hòa nhập được.

Thế nhưng rồi tình yêu của người chồng đã giúp chị hòa nhập được với cuộc sống ở vùng cao. Chị bắt đầu sống chậm lại, bỏ dần đi những ham muốn như đi mua sắm, phải ăn mặc đẹp, thể hiện bản thân nơi đám đông. Thay vào đó là tận hưởng tiếng chim hót mỗi sáng thức dậy, chậm rãi lựa chọn những món đồ do người dân mang từ rừng xuống làm thức ăn hàng ngày. Chị cũng nảy ra ý định gom những đặc sản này mang gửi về xuôi bán kiếm thêm thu nhập.

Những buổi tối tắt điện đi ngủ sớm chị cũng đã quen. Cuộc sống tối giản hơn, nhu cầu ít hơn, áp lực kiếm tiền vì thế mà cũng giảm đi rất nhiều. Chị lại có nhiều thời gian chăm sóc chính bản thân mình và cả gia đình.

Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau

Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau

Hai vợ chồng chị Trang thu mua đặc sản người dân kiếm được để bán lại.

Đặc biệt, chồng chị lại là một người chồng hết lòng thương yêu, giúp đỡ vợ. Quê gốc của anh ở Thái Bình, nhưng sinh ra và lớn lên ở thị xã Mường Lay này do bố mẹ anh lên đây công tác rồi ở lại. Và có lẽ vốn sinh sống ở đây từ bé nên chồng chị Trang cũng giống như bao người đàn ông dân tộc Mông ở xung quanh. “Anh chung thủy, sẵn sàng san sẻ với vợ tất các công việc nhà, không ngần ngại trong việc chăm sóc con, nấu ăn, giặt giũ. Ngoài việc kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình, tất cả thời gian còn lại anh đều dành để chăm sóc tổ ấm nhỏ”, chị Thu Trang tâm sự.

Nói về những hình xăm rất “chất chơi” của chồng, chị Trang cho biết: “Chồng mình xăm hình nhưng chẳng có “vị” gì đâu. Anh ấy hiền lắm, mà cả xã này mỗi mình anh ấy một kiểu. Suốt ngày ở nhà đóng hàng cho vợ, chăm con, làm việc nhà”. Đàn ông ở làng chị không ai biết đến chuyện la cà, rượu bia và chồng chị Trang cũng vậy. “Họ không cảm thấy xấu hổ ngại ngần khi làm những việc người dưới xuôi vẫn gọi là việc đàn bà”, chị Trang kể thêm.

Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau

Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau

Chồng chị Trang dù xăm trổ đầy mình nhưng rất thương vợ, không ngại những "việc đàn bà".

Chị Trang cũng tâm sự rằng: “Chứng kiến cuộc sống của người dân trên này mới thấy thời gian như chậm lại. Có những gia đình chồng vừa trông con vừa bắt tắc kè kiếm tiền, vợ lên rừng kiếm mớ rau ít hoa trái xuống chợ bán. Có được mấy người chồng dưới xuôi chịu vừa chăm con vừa kiếm tiền lại ăn mặc thế này mà vẫn cười vui? Cuộc sống chỉ đủ ăn qua ngày, nhưng thật hạnh phúc! Đó là những điều mà mình cảm thấy thật đáng trân quý”.

Giống như cặp vợ chồng người Mông này, chị Trang chụp lại bức ảnh khi người chồng mang hàng đến bán. Xung quanh chị đều là những người dân tộc Mông, Thái chân chất thật thà như vậy. Những con người ấy càng ngày càng khiến chị dần mất đi những bon chen tham vọng nhỏ nhen như trước đây, sống chậm lại rất nhiều. Đắm mình trong cảnh sắc, tình người, từng phút giây đều thật đáng sống với chị Trang. Dù cho vẫn nhiều người bảo chị từ miền xuôi lên miền ngược sống là... dở hơi, nhưng chị vẫn không để tâm nhiều.

Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau

Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau
 
Chuyen vo chong o thi xa be nhat nuoc qua loi ke cua nguoi vo bo chon phon hoa do thi len nui... lam dau

Chị Trang chụp lại hình ảnh một cặp vợ chồng người Mông vẫn thường mang hàng bán cho chị.

Hai năm về làm dâu vùng cao, ở một thị xã bé nhất nước, chị Trang đã dần quên đi mong muốn về lại dưới xuôi. Chị luôn cảm thấy may mắn vì mình đã quyết định theo chồng lên đây, như một định mệnh, để biết rằng cuộc đời vẫn còn những cánh cửa khác thật tuyệt vời biết bao.

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI