Nhiều người tò mò chị là ai, làm nghề gì mà có đời sống thư thái đến vậy, chị có vướng bận chồng con, công việc hay không? Trò chuyện cùng chị Đặng Ngọc Phương (giáo viên dạy văn ở Hà Nội), chủ nhân của những clip hoa sen tuyệt đẹp ấy, chúng tôi hiểu ra: Chỉ cần chồng con hỗ trợ, người phụ nữ dù bận rộn đến mấy, cũng có thể thu xếp để tận hưởng sự tự do, theo đuổi đam mê, làm được điều mình thích.
|
Hôn nhân hạnh phúc giúp chị Phương được tự do làm điều mình thích (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Chị Phương chia sẻ: “Khi yêu đời, mọi thứ đều trong tầm tay”. Chị cho biết, ba người đàn ông đặc biệt trong cuộc (hai cậu con trai và anh Trần Đức Hùng - chồng chị) luôn giúp chị theo đuổi niềm đam mê hoa lá cây cỏ.
Nhận mình là người nghiện hoa, có thể quên ăn quên ngủ với những bình sen, nhưng chị Phương lại nói những bình hoa chị cắm có phần công sức không nhỏ của chồng. Dù bận rộn, ông bố hai con thường sẵn lòng thu xếp thời gian đưa vợ đi mua hoa, mua bình, mua phụ kiện... dù đôi khi phải chạy lòng vòng qua nhiều tuyến phố.
Nhìn chồng còng lưng bưng bê, dịch chuyển những chậu sen lớn, lúc góc này, lúc chỗ kia vì "sự nghiệp chụp choẹt", quay clip sen nở của vợ, lắm lúc chị Phương buồn cười. Anh luôn nhanh chân xuống đường lấy hoa khi dịch vụ chuyển hàng mang đến. Đặc biệt, khi trời mưa gió, không bao giờ anh để vợ phải lấm lem, vất vả.
|
Có ba người đàn ông đặc biệt trong cuộc đời cô giáo dạy văn (ảnh nhân vật cung cấp) |
Ngày đầu mới gặp nhau, ấn tượng của chị Phương về anh Hùng không nhiều. Tuy nhiên, ở lần hẹn thứ hai bên Hồ Tây, chị chú ý đến nửa kia khi nghe anh kể về những tháng ngày gian khó và nghĩa tình của cha mẹ. Tâm hồn nhạy cảm của một cô giáo dạy văn mách chị: “Đây là người đàn ông mình cần”.
Những ngày đầu về chung nhà, cặp vợ chồng trẻ chưa hiểu hết tính cách nhau, cũng không có kinh nghiệm giải quyết những vụn vặt gia đình. Đã có lúc chị nghĩ anh sẽ không bao giờ chạm được vào phần sâu thẳm trong lòng chị. Anh không thuộc kiểu người ga-lăng, biết cách bộc lộ tình cảm tinh tế như chị trông đợi.
Lối sống mộng mơ, bay bổng, lắm lúc trẻ con của cô giáo dạy văn như chị, khi đụng phải tư duy cụ thể, thực tế, bình dị nghiêm túc của anh chồng vốn là dân học tự nhiên, lắm lúc chị Phương thất vọng và dỗi hờn. Nhưng khi những đứa con lần lượt chào đời, cô giáo gốc Hà thành cảm động và biết ơn những quan tâm chăm sóc của chồng.
Anh có thể thức suốt đêm để bế ẵm, thay tã, pha sữa cho con. Anh không ngại đi chợ nấu cơm đợi vợ đi dạy ở trường về. Việc lau dọn nhà cửa cũng một tay anh "cân hết".
|
Dần dần chị nhận ra gia đình nhỏ rất cần tính thực tế của anh (ảnh nhân vật cung cấp) |
|
Anh dạy con trai làm những việc nhỏ ý nghĩa lớn... (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Càng về sau, chị Phương càng nhận ra: “Anh ấy yêu thương, chăm sóc, lắng nghe và ở bên cạnh mỗi khi vợ con cần, làm được những điều quý giá hơn mục tiêu mộng mơ xưa kia”.
Hơn 10 năm cưới nhau, vợ chồng chị chưa để không khí căng thẳng trong nhà diễn ra quá một buổi, cùng lắm chỉ kéo dài vài giờ. Điều thú vị ở chỗ, người “châm ngòi” là chị, và cũng chị là người chủ động hóa giải những bất hòa.
Nhiều lúc chị say sưa cắm hoa quên cả ăn, hơn 11 giờ đêm còn loay hoay canh điện thoại để quay clip hoa sen nở… Những lúc ấy, anh chỉ lặng lẽ bước về phòng. "Nhìn quanh không thấy chồng đâu, biết là mình đã quá vô tâm, thế là mình lăn xả vào xin lỗi”, chị Phương dí dỏm.
|
Để quay được một clip hoa sen nở, chị Phương phải bỏ vài đêm thức canh các góc máy. Anh Hùng lo cho sức khỏe của vợ nên không khuyến khích chị bỏ ăn bỏ ngủ quay clip hoa ban đêm (Clip nhân vật cung cấp) |
|
Nghiện chơi hoa - thú vui của chị Phương (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Hành trình hôn nhân cũng là hành trình khám phá bản thân để tự điều chỉnh mình. Chị Phương học được sự chín chắn, chăm lo gia đình, cảm nhận và trân trọng tình yêu thương bằng hành động của anh. Sống với cô giáo dạy văn yêu hoa, anh Hùng cùng từng ngày "nhiễm" sự lãng mạn. Trước kia, anh ít chụp ảnh, rồi từ từ dạn dĩ hơn trước từng góc máy lúc nào không hay.
Bỏ được "cái tôi" qua một bên, xem việc giữ hòa khí gia đình trên hết, biến chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì, đó là bí quyết anh Hùng và chị Phương cùng nhau xây dựng tổ ấm.
|
Hai cậu con trai rất thích tạo dáng trước những bình hoa của mẹ cắm (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Không chỉ chăm lo gia đình nhỏ, anh chị Hùng - Phương còn tạo lập mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên nội ngoại. Trước khi cưới nhau, chị không ngần ngại bộc bạch: “Bố mẹ chỉ có con gái, cưới em anh phải thành con trai chứ không phải là rể”. Không để vợ thất vọng, bên ngoại có việc gì anh cũng lăn xả như ở nhà mình.
Sự hiếu thuận của vợ khiến anh Hùng tự hào. Vợ anh thường là người khởi xướng những bữa cơm đại gia đình, những chuyến đi nghỉ cùng nhau. Anh chị đều nói họ may mắn khi có nội ngoại yêu thương và chăm lo giúp cháu con khi bận rộn.
|
Sự hiếu thuận của anh chị khiến đại gia đình thêm gắn kết (Ảnh nhân vật cung cấp) |
“Hôn nhân khiến chúng ta thay đổi và may mắn thay, nó đã điều chỉnh chúng tôi theo hướng tích cực”, chị Phương chia sẻ trong hạnh phúc.
Và em đã biết mình yêu đã từ lâu là tựa đề bài thơ chị Phương sáng tác, trải lòng những cảm xúc về chồng: “Những mộng mơ của một thời thiếu nữ/ Đã bay rồi thoáng nhẹ như mây/ Cảm ơn đời vẫn còn lai nơi đây/ Hiện tại của em khoảng trời trong vắt/ Là anh của em - dịu dàng chân thật. Là anh của em - mộc mạc, đằm sâu…./Và em biết mình yêu đã từ lâu/ Em yêu anh hơn thuở mới ban đầu”.
Lâm Hoàng