Chuyện vợ chồng muôn đời vẫn thế

21/05/2019 - 14:00

PNO - Chồng giận thì vợ bớt lời đúng trong mọi hoàn cảnh, không lạc hậu chút nào. Chồng nói một câu, vợ cãi xoen xoét mười câu, chồng nào giữ nổi bình tĩnh?

Có một tấm hình trên Facebook mà người đưa lên đã hơn 60 tuổi. Tấm hình trắng đen, hơi mờ, được chụp lại có qua chỉnh sửa, trong đó ba người đang ngồi. Một cậu bé cầm một cái bánh khá lớn, có lẽ là bánh tráng. Người ngồi giữa mặc áo dài màu nhạt và người còn lại mặc bộ đồ bà ba màu đen. Gương mặt hai cô gái rất tươi. Phông phía sau là mái nhà tranh và có cây xanh. 

Chuyen vo chong muon doi van the
Thời trang như vòng xoay

Nhiều bình luận ngỡ ngàng không ngờ 70 năm trước đã có kiểu giày bây giờ đang thịnh. Chủ nhân tấm hình cũng không ngờ ngày xưa mẹ mình “mốt” thế. Quần trắng ống rộng, ngồi vắt chéo chân lộ rõ bắp chân. Điệu đàng và sang trọng. Chủ trang chú thích rằng, trong hình mẹ mặc áo dài, bên cạnh là cậu và dì, không biết tấm hình chụp thời điểm nào nhưng đoán có lẽ cách đây 70 năm, lúc ấy mẹ khoảng 17 tuổi. Rõ nhất là cậu bé trong hình khoảng 10 tuổi. Đặc biệt là thời điểm ấy, những năm 1940 mà bà mẹ mang đôi giày săng-đan, có dây chéo quấn bắp chân, rất “à la mode”. 

Một người bình luận, giờ người ta chuộng kiểu giày này. Chủ nhân trả lời đùa rằng, kiểu này quá xưa rồi, 70 năm trước đã thấy, có thể nó hiện diện từ 80 năm trước cơ. Những bình luận qua lại, ai nấy đều tỏ vẻ ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy thời trang bây giờ chỉ là một kiểu rất xưa. Tất nhiên, điều này không có gì mới khi người ta cho rằng, thời trang chỉ là sự lặp lại, có cải biên cho phù hợp với thời đại nhưng vẫn “hồn cốt” cũ. 

Nhà văn Cung Giũ Nguyên có lần đã nói: “Cuộc đời không chấm dứt, từ không đến có, rồi lại từ có đến không. Qua những giai đoạn thành, thịnh, suy, hủy, rồi thành, từ khôn đến càn, rồi lại từ càn đến khôn. Qua những giai đoạn thiếu âm, thái dương, thái âm, thiếu dương, mà vật lý học cho thấy qua điển hình của vòng Mobius”.

Trong gia đình, cho dù ở thời cách mạng công nghệ 4.0 thì vẫn là những câu chuyện con cái học hành, vui buồn, ngọt bùi, cay đắng… Thời hiện đại thêm áp lực của cuộc sống, mỗi ngày một chút nhưng câu của người xưa, chồng giận thì vợ bớt lời đúng trong mọi hoàn cảnh, không lạc hậu chút nào, vẫn rất “à la mode” đấy thôi.  

Chuyen vo chong muon doi van the

Một cô đùng đùng viết trạng thái trên “phây”, kể tội chồng có bồ. Ban đầu cô nhịn vì con cái, danh dự… Nhưng rồi không chịu đựng được, cô làm ầm ĩ sao cho chồng và “con kia”  phải mất mặt, thậm chí cô còn muốn chồng cô bị đuổi việc nữa cơ. Chứng cứ rõ ràng là những hình ảnh cô thâm tím mặt mày, xây xát tay chân. Thế là cả ngàn lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận và chia sẻ. Ai cũng phẫn nộ giùm cô vì (cho rằng) thằng chồng không ra gì. Người khuyên bỏ đi, người bảo bình tĩnh, người kêu gọi “500 anh em” đến hỏi tội thằng chồng…

Khoảng tuần sau, cô lại đăng một trạng thái, đại ý, chồng cô đã giác ngộ, đã xin lỗi cô và gia đình, anh ấy cũng thành thật xin cộng đồng mạng tha thứ. Cô cũng tự nhận khuyết điểm của mình là xử lý bồng bột. Cô xin lỗi mọi người. 

Chắc chắn câu chuyện sẽ khép lại và chẳng ai còn nhớ, thế nhưng ở thời điểm viết trạng thái sau, cô phải hứng chịu nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng. Và chắc chắn, nếu có lần sau, chẳng ai thèm bênh vực cô, thậm chí họ còn cười vào mặt cô nữa. 

Chỉ là một ví dụ, để thấy, các nguyên tắc về tâm lý con người từ xưa đến giờ không thay đổi, chỉ khác là cách hành xử, tỉ như đưa lên mạng hiện đại hơn mà thôi. Thế nhưng, người xưa đã dặn rồi, chồng giận thì vợ bớt lời, một câu nhịn chín câu lành.

Chồng nói một câu, vợ cãi xoen xoét mười câu, chồng nào giữ nổi bình tĩnh? Để thấy, không chỉ thời trang là sự lặp lại mà cách xử thế trong gia đình cũng có quy luật từ ngàn xưa cho dù đời sống phát triển đến đâu. Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, 365 ngày là như thế! 

Chuyen vo chong muon doi van the
Boomerang luôn quay trở về vị trí xuất phát

Và nghiền ngẫm một chút về triết lý boomerang, là một thứ vũ khí độc đáo, có hình chữ V mà ban đầu các thợ săn thời tiền sử đã chế tạo và sử dụng chúng để ném từ khoảng cách rất xa vào một con vật.

Nó có đường đi rất phức tạp, nếu không trúng đích, nó sẽ quay lại chân người ném. Điều này đã khiến cho các nhà bác học kinh ngạc trong một thời gian dài. Dần dà, boomerang giờ đây như một trò chơi với mục đích ném sao cho nó quay về. Để boomerang quay trở lại vị trí xuất phát cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. 

Mới thấy, cuộc đời là sự lặp lại, chúng ta cho như thế nào, sẽ nhận lại thế ấy. Nếu không đúng nguyên tắc, điều nhận lại sẽ không hoàn chỉnh. Bởi thế, quan trọng luôn là ở cách cho đi. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI