Gây hậu quả vì chuyển viện không an toàn
9g ngày 20/5, chiếc xe cấp cứu trờ đến trước cổng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Xe dừng, cô y tá bước xuống lụi cụi sắp xếp lại giấy chuyển viện cho bệnh nhân và nhắc con trai của bệnh nhân lấy xe lăn ra phụ đẩy bệnh nhân vào cấp cứu.
Điều dưỡng của bệnh viện cẩn thận hỏi bị thương ở đâu. Con trai bệnh nhân nói “mẹ tôi bị chấn thương ở chân do trượt té lúc nấu ăn”. Cô điều dưỡng giải thích: “Chấn thương ở chân phải dùng băng ca, không dùng xe lăn”. Nói xong, cô đẩy chiếc băng ca ra phụ người nhà đưa bệnh nhân vào cấp cứu.
|
Bệnh nhân bị chấn thương cẳng chân đang nằm ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Ảnh: Văn Thanh |
Tương tự, sáng 23/5, tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân bị gãy chân khi làm phụ hồ được xe cấp cứu tư nhân chuyển tới trong tình trạng nẹp chân bằng một thanh gỗ dài từ phần đùi xuống gót chân.
Vừa tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ giải thích cho nam điều dưỡng chuyển viện rằng: “Bệnh nhân bị gãy xương chân mà chỉ dùng nẹp dài là không đúng. Trường hợp này cần có ba nẹp. Trước khi nẹp gỗ hay miếng ván để cố định vùng xương gãy còn phải lót bông gòn, vải hay gối mềm vào những vị trí tì đè ở gót chân, mắt cá, hai bên gối. Nếu không, vùng xương gãy có thể gây rách phần mềm, da, cơ xung quanh…”.
Bác sĩ Trần Phước Bình - khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ: khi vận chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên hoặc từ phòng cấp cứu vào các khoa cũng phải tuân thủ những quy tắc cơ bản. Ví dụ, bệnh nhân bị chấn thương phần mềm ở tay hoặc gãy xương tay thì có thể ngồi xe lăn nhưng phải có nẹp bất động tay.
Còn chấn thương ở cột sống cổ, vùng lưng, khung chậu, chi dưới, đa thương… bắt buộc dùng băng ca để vận chuyển, tránh tình trạng làm tổn thương nặng hơn. “Tuy nhiên, không chỉ người nhà bệnh nhân mà nhiều nhân viên y tế khi chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu cũng làm chưa đúng”, bác sĩ Bình nhấn mạnh.
|
Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Phùng Huy |
Mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 300 - 400 ca cấp cứu, có những ca hoại tử, phải cắt bỏ xương cẳng tay, cẳng chân do chuyển viện không an toàn. Cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận anh H.T.H. (27 tuổi, ở miền Tây) bị đứt lìa bàn tay khi đang làm việc ở cơ sở làm sắt thép. Thế nhưng, bàn tay đứt lìa không được sơ cứu quấn gạc hay vải sạch cho vào bịch ni-lông sạch rồi bỏ vào thùng nước đá mà đem “ướp” hẳn vào xô đá.
Cuối cùng, bàn tay hoại tử do phỏng lạnh. Riêng phần cẳng tay do máu chảy xối xả nên được quấn chặt bằng dây curoa ở cơ sở sắt thép. Đáng nói là trên đường vận chuyển, nhân viên y tế không giúp bệnh nhân thỉnh thoảng mở lỏng dây curoa để máu xuống nuôi phần cẳng tay bên dưới.
Thông thường 60 phút mở lỏng một lần khoảng 3 - 4 phút và phải theo dõi kỹ. Khi anh H. đến Bệnh viện Chợ Rẫy sau hơn 4 tiếng chuyển viện đã bị hoại tử phần cẳng tay bên dưới chỗ quấn dây curoa, buộc bác sĩ phải cắt bỏ một đoạn xương cánh tay.
|
Cấp cứu cho người lớn tuổi. Ảnh: Phùng Huy |
Còn tùy cái tâm người chuyển viện
Một khảo sát trên 198 nhân viên y tế chuyển bệnh đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa được công bố cho thấy: hơn 50% nhân viên y tế chuyển bệnh không biết các dấu hiệu gợi ý bệnh nhân có chấn thương cột sống cổ như đau nhức cổ, mất cảm giác tay chân, không thể cử động tay chân, vùng cổ sưng bầm, đau nhức lan xuống cánh tay… 75% nhân viên y tế không biết chấn thương cột sống cổ gây tử vong…
Ngoài ra, theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ năm 2015 - 2017, trẻ bị tai nạn giao thông hoặc té ngã với đa chấn thương, đang theo dõi chấn thương cột sống, chấn thương đầu lại không được chụp x-quang hay chụp CT để loại trừ chấn thương vùng cổ và cũng không được nẹp cố định cột sống cổ khi chuyển viện. Số trẻ bị chấn thương vào bệnh viện này có chiều hướng gia tăng, năm 2015 có 156 ca thì năm 2017 lên 253 ca.
Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: chấn thương cột sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong và tàn tật, đặc biệt là cột sống cổ. Hơn nữa, tổn thương thần kinh ở cột sống cổ thường nặng nề, bệnh nhân có thể liệt tay, chân.
Do đó, khi trẻ bị chấn thương đầu, nhân viên y tế buộc phải nẹp cột sống cổ dù trẻ chưa chắc đã bị chấn thương cột sống cổ. Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu những tổn thương có thể xảy ra. Cố định cột sống cổ phải tiến hành sớm tại hiện trường hoặc cơ sở y tế ban đầu để hạn chế tổn thương khi chuyển viện.
Có những trường hợp bệnh nhân bị chấn thương đầu do tai nạn giao thông hoặc té từ trên cao xuống thì buộc phải nẹp cổ bất động cho bệnh nhân nhưng nhiều nhân viên y tế chuyển viện chỉ nẹp vị trí chấn thương như nẹp tay, nẹp chân.
|
Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 đang đọc kết quả chụp phim kỹ lưỡng cho bệnh nhân. Ảnh: Phùng Huy |
Bác sĩ Trần Phước Bình khuyến cáo: tại hiện trường xảy ra tai nạn, có thể bất động cổ bệnh nhân bằng hai túi cát hay bao gối để hai bên cổ bệnh nhân. Bệnh nhân phải được nằm trên nền phẳng, tấm gỗ hay băng ca. Nếu được, ngay lập tức gọi cấp cứu 115 đến hỗ trợ để có những dụng cụ cấp cứu chuyên dụng và đội ngũ bác sĩ cấp cứu chuyên nghiệp.
Một bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho rằng: việc nhân viên y tế gây tổn thương nặng thêm cho người bệnh chắc chắn có nhưng khó “bắt quả tang”.
Nếu bệnh nhân chuyển đến bị rách thêm gân cơ hay mạch máu, tổn thương thêm vùng kín, thậm chí gãy thêm xương cũng khó quy trách nhiệm cho người chuyển viện, trừ những trường hợp quá rõ ràng như: nẹp không đúng cách, không băng bó nạn nhân… Do đó, việc chuyển viện phụ thuộc nhiều vào kiến thức và cái tâm của người chuyển viện.
Văn Thanh