|
Chị Song Khê - chuyên viên hoạt động về trẻ em và khuyến đọc |
“Là người tổ chức các sân chơi cộng đồng, các hoạt động khuyến đọc, lúc nào cũng lăn xả hết mình vì trẻ em, tôi cũng có lúc gần như kiệt sức. Nhưng những lúc đó, chỉ cần nhìn ánh mắt trong veo hồn nhiên, nụ cười trẻ thơ cùng vài câu nói dễ cưng của tụi nhỏ là tôi như được uống “thần dược”, mệt mỏi tiêu tan. Vậy nên, tôi nguyện làm một người giữ lửa và kết nối cộng đồng bằng những hoạt động vui chơi bổ ích về trí não, tinh thần lẫn thể chất cho các em” - chuyên viên khuyến đọc Song Khê trải lòng.
Với tâm nguyện đó, nhiều năm qua, chị Song Khê - chuyên viên hoạt động về trẻ em đồng thời là diễn giả, người khuyến đọc - đã giữ vai trò bắc nhịp cầu đưa trẻ em đến với sách. Khi còn là biên tập viên mảng sách cho tuổi mới lớn và sách tâm lý giáo dục tại Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, chị thường xuyên đến nhiều trường học ở TPHCM nói chuyện, phổ biến hoạt động khuyến đọc cho học sinh. Từ năm 2018, khi chuyển về Vũng Tàu sinh sống, chị vẫn gắn bó với công việc này, trở thành chuyên viên khuyến đọc của Đường sách Vũng Tàu. Song Khê được bạn bè, đồng nghiệp gọi bằng cụm từ đầy ngưỡng mộ: “người giữ linh hồn” cho đường sách - bởi hiệu quả vượt trội từ những hoạt động về khuyến đọc mà chị mang đến.
|
Chị Song Khê trong một buổi trò chuyện về sách với học sinh |
Sinh năm 1973 nhưng trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, Song Khê lúc nào cũng như một cô gái đôi mươi bởi nguồn năng lượng dồi dào và sự tươi mới. Có lẽ vì được chơi với trẻ con nên tâm hồn chị trẻ hoài. Hôm nay làm gì cho tụi nhỏ chơi? Làm gì để tụi nhỏ yêu thích những cuốn sách và xem sách là bạn thân, yêu quý sách như yêu quý “thú cưng”, luônquan tâm và chăm bẵm?... Đó chính là những câu hỏi luôn “nhảy số” trong đầu chị.
Vì… mê con nít và ham vui
Phóng viên: Chị được đánh giá là một người đa năng, từng làm rất nhiều công việc: nhà báo, nhà văn, biên tập viên, diễn giả… Điều gì khiến chị chọn trở thành chuyên viên khuyến đọc của đường sách?
Chuyên viên khuyến đọc Song Khê: Mọi chuyện bắt đầu từ một cơ duyên. Mùa xuân năm 2018, tôi chỉ là một du khách từ TPHCM đến tham quan thành phố biển đúng vào dịp Đường sách Vũng Tàu mới khai trương. Mọi thứ ở nơi này rất mới mẻ, dễ thương. Tôi sà vào hết gian hàng này tới gian hàng khác, ngắm nghía từng góc nhỏ, nói chuyện với các nhân viên nhà sách, chọn vài cuốn sách hay và vài món quà lưu niệm; nghe một nghệ sĩ piano chơi vài khúc nhạc khiến con gái tôi nhún nhảy cùng các bạn nhỏ khác giữa gió biển lồng lộng… Không gian và không khí đầy hứng khởi ấy cộng với tình yêu sách và nghề nghiệp hiện tại rất phù hợp nên chỉ vài tháng sau, tôi quyết định gắn kết với nơi này.
Từ một biên tập viên sách NXB Trẻ, tôi chuyển sang làm các dự án khuyến đọc tại khu vực Đông Nam Bộ, làm chuyên viên, diễn giả tại các hội sách trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... Khi nhận ra nơi này thiếu sân chơi, tôi liền nghĩ đến việc tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ em và gia đình. Chơi như thế nào vừa vui vẻ vừa nhân văn thì chỉ có thể là chơi cùng sách, nuôi dưỡng thói quen đọc sách.
* Chị có biết vì sao chị được mọi người xem là người “giữ linh hồn” cho đường sách?
- Quả thật, tôi bất ngờ và xúc động lắm khi được ưu ái như vậy. Có lẽ vì cái tính ưa va chạm những thử thách mới và chịu dấn thân nên khi thấy các nhân sự nơi này còn đang mày mò tìm hướng đi, tôi đã hào hứng góp ý tưởng đồng thời trực tiếp tổ chức các hoạt động.
Thật ra, một phần cũng vì tôi mê con nít và ham vui! Đọc sách và sáng tạo các trò chơi từ sách là món “đặc sản” của tôi từ lúc làm mẹ. Nhờ lợi thế làm biên tập viên mảng sách tâm lý giáo dục gần 10 năm và làm báo thiếu nhi gần 20 năm, tôi cũng học được “nghề chơi” với con nít. Thêm nữa, tôi muốn mang các trò chơi đó đi khắp nơi “dụ” trẻ em đọc sách. Tại Đường sách Vũng Tàu, gặp được các phụ huynh cùng ý nghĩ đó nên chúng tôi thành lập Câu lạc bộ Vui cùng sách, sinh hoạt hằng tuần. Rồi tôi cũng thành lập Câu lạc bộ Tình nguyện viên gồm các học sinh trung học, huấn luyện các em qua những hoạt động thiện nguyện và các sự kiện tại đây.
Hầu hết các chương trình đó - với sách làm cầu nối, đều hướng về tình cảm gia đình, lòng nhân ái, ý thức bảo vệ môi trường và phát triển sáng tạo. Có lẽ những điều đơn giản này gần gũi với đời sống tinh thần của mỗi người nên được cộng đồng hưởng ứng ngày càng nhiều. Có những sự kiện thu hút đông đảo mọi người tham gia như ngày của Mẹ, ngày của Cha, ngày Nước thế giới, ngày Đại dương, Phiên chợ Kỳ bí, ngày hội Sáng tạo… Những hoạt động này ngày càng đông vui, nhận được sự góp sức của các cá nhân và tập thể.
Khi xây dựng nội dung cho mỗi sự kiện, tôi đều lồng ghép hoạt động với sách để nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ em, chẳng hạn: đố vui từ sách, hát nhạc phim chuyển thể từ sách, chuyển 1 đoạn trích sách thành bài rap, hóa trang nhân vật trong sách, thi dịch tựa sách, thiết kế thời trang giấy in hình bìa sách, thi ảnh đẹp với sách… Có rất nhiều thể loại và rất vui.
|
Các em hào hứng khoe thành quả sau buổi work shop với vỏ sò, ốc |
* Trong đó không thể không kể đến những trại hè rất bổ ích mà chị mang đến cho trẻ em.
- Về trại hè, mùa trại đầu tiên được tổ chức vào năm 2020 và đến nay, chúng tôi đã mở được 3 lần, chỉ tạm dừng vào hè 2021 do dịch COVID-19. Mỗi đợt chỉ vài chục trại sinh nhưng luôn đầy ắp thu hoạch. Mục đích là có sân chơi trải nghiệm và kết nối mọi người. Các bé tiểu học được vui chơi và khám phá bản thân. Các em trung học làm quản trại phải xử lý nhiều tình huống. Đó là môi trường rèn luyện để các em trưởng thành hơn sau mỗi mùa hè. Qua đó, hội phụ huynh càng gắn bó với nhau hơn, thêm kỷ niệm đẹp với đường sách và coi trọng việc đọc sách để tăng khả năng tự học. Các thử thách phần lớn đều được soạn từ dòng sách tương tác. Tôi lên kịch bản chương trình và tập huấn mọi người cùng thực hiện. Từ chỗ bỡ ngỡ, tới nay, các gia đình cứ đến hè là háo hức ngóng chờ đường sách mở hội trại.
Giữ lửa và gắn kết cộng đồng đọc sách
* Theo chị, tầm quan trọng của một người hoạt động khuyến đọc hiện nay ra sao, nhất là đối với môi trường học đường?
- Người khuyến đọc giữ vai trò tổ chức buổi đọc chung và giới thiệu sách tốt để mỗi cá nhân đọc, là người giữ lửa và gắn kết cộng đồng đọc sách, là “chất xúc tác” biến người thờ ơ với sách thành người chịu đọc… Nghề khuyến đọc là một “nghề chơi” rất công phu. Người khuyến đọc dĩ nhiên phải là người thích đọc sách và hay bày trò; phải liên tục khám phá, học hỏi, có kỹ năng giao tiếp và tổ chức, có tinh thần dấn thân phục vụ. Tuổi nào cũng cần đọc sách để phát triển bản thân. Lứa tuổi học trò là lứa tuổi tiếp cận với sách dễ dàng nhất. Vì vậy, môi trường học đường nhất định phải có nhiều sách tốt, sách hay. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh đọc sách, ngoài nhà trường, người khuyến đọc chính là trợ thủ đắc lực cho việc này.
Từ các hoạt động tại đường sách, tôi kết nối với các thư viện nên có cơ hội đến các huyện thị để giới thiệu những cuốn sách tốt và “dụ dỗ” trẻ em đọc sách. Tôi luôn mong muốn nhân rộng cách làm này ở mọi nơi, khuyến khích các trường lập câu lạc bộ khuyến đọc và tôi sẵn sàng tập huấn cho các em, bày “chiêu” để các em thực hiện tiết đọc sách ở trường sao cho hiệu quả.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các học sinh trở thành tình nguyện viên khuyến đọc sẽ phát huy được sở trường và ý chí của mình, có động lực tự học để ngày càng tiến bộ. Việc đọc sách bổ túc cho việc học trong hiện tại đồng thời giúp trẻ có chiều sâu trong tâm hồn và mở tầm nhìn ra thế giới.
|
Chị Song Khê và hành trình miệt mài đưa sách hay đến các trường học, nhân rộng mô hình khuyến đọc |
* Công việc gắn liền với trẻ em và tuổi mới lớn có bao giờ khiến chị cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán và áp lực?
- Như bao phụ nữ khác, tôi có công việc kiếm sống và có một gia đình để chăm sóc. Tôi lại cầu toàn nên làm việc gì cũng đặt hết tâm sức. Dĩ nhiên tôi mệt, thậm chí quá mệt. Vậy sao còn sức tổ chức các sân chơi cộng đồng và lăn xả với trẻ con? Ai chơi với con nít thì hiểu: mệt lắm nhưng không có áp lực. Bọn trẻ cho tôi niềm vui thanh thản hồn nhiên, cho tôi động lực đọc sách để chơi hết cuộc này đến cuộc khác, làm hoài không bao giờ cạn ý tưởng. Và còn vì tôi yêu cái đẹp trong trẻo cùng sự sáng tạo. 2 điều đó chỉ có thể tìm thấy đầy ắp ở trẻ em, nên dù có lúc mệt mỏi vẫn vì yêu mà vượt qua, lúc nào “sập nguồn” thì tạm dừng để “sạc pin”, sạc đầy lại chạy tiếp.
|
Trẻ em hào hứng tham gia các work shop thủ công của cô Song Khê |
* Chị từng trải qua 2 biến cố sức khỏe khá nặng (đột quỵ - PV) nhưng sau đó vẫn không từ bỏ tâm huyết gầy dựng sân chơi cho các em. Nhờ đâu chị có được tinh thần và năng lượng để vực dậy sau biến cố?
- 2 lần chới với giữa lằn ranh sinh tử, sực lóe lên hình ảnh con mình và tôi cầu nguyện… Rồi tôi được cứu sống nhưng khó giữ trạng thái làm việc như trước. Dù rất luyến tiếc, tôi phải chọn nghỉ việc ở NXB Trẻ và trải qua 11 tháng mới hồi phục sức khỏe. Biến cố đó khiến tôi nhìn lại bản thân mà lượng sức và điều chỉnh cách làm việc nhưng tâm huyết gầy dựng sân chơi cho trẻ vẫn luôn nguyên vẹn trong tôi. Đó là đam mê, là cầu nối tôi với mọi người, là đời sống tinh thần của tôi, cũng là “lò luyện” cho con gái tôi dạn dĩ hơn, năng động hơn, mở rộng các mối quan hệ khi con theo mẹ tham gia các hoạt động cộng đồng từ lớp Bốn cho tới bây giờ (lớp Chín). Khi biến đam mê thành công việc, mình có thể “làm mà như chơi, chơi mà thực ra là làm”. Dĩ nhiên, đối tượng chơi chung với tôi vẫn là trẻ em.
Không thể giải thích điều này. Lúc mệt mỏi, chỉ cần nhìn vào mắt một đứa bé, ngắm một nụ cười trẻ thơ, nghe vài từ dễ thương… là tự dưng tôi như được uống thần dược. Đứa trẻ cho tôi động lực sống nhiều nhất, năng lượng dồi dào nhất chính là con gái tôi. Chúng tôi là đôi bạn đồng hành. Mỗi chiều con tan học, mẹ con tôi lại có một cuộc dạo biển hoặc lên núi hít thở, kể cho nhau nghe bao chuyện trong ngày. Chính từ các câu chuyện của con mà tôi có thêm ý tưởng để làm mới công việc, thêm đề tài khuyến đọc và tổ chức sân chơi cho trẻ em.
|
Một số sản phẩm từ vỏ sò, ốc của The Seashell House |
Sách và những vỏ sò trên biển
* Chị không chỉ hoạt động khuyến đọc mà còn đang khởi nghiệp với một cửa hàng chuyên về đồ trang trí, lưu niệm từ vỏ sò, ốc?
- Lúc rảnh rỗi, tôi cùng con ra biển nhặt nhạnh vỏ sò, vỏ ốc và lùng sục sưu tầm vỏ đẹp từ các shop rồi đem về sắp đặt các kiểu. Càng chơi càng “nghiện” nên mẹ con tôi tự nghiên cứu các kỹ thuật chế tác vỏ sò, ốc… Thêm lần nữa, bắt đầu từ cuộc chơi mà thành công việc. Shop The Seashell House ra đời, là nơi bán sản phẩm chế tác từ vỏ sò, ốc như tranh, đồng hồ, phụ kiện để bàn và treo tường kèm theo dịch vụ cung cấp vật liệu, dụng cụ cho người thích tự chế tác đồ thủ công từ vỏ sò, ốc biển. Tôi cũng tổ chức các buổi D.I.Y sáng tạo cho trẻ em đến chơi, tạo hình sản phẩm từ vỏ sò, vỏ ốc.
* Trẻ em học được những gì từ các work shop này, thưa chị?
- Các work shop tôi bày ra đều có 2 phần: phần đầu là khám phá và tương tác để hiểu thêm về thiên nhiên (các hành tinh, các loài động vật, thực vật, thế giới đại dương, thời tiết, âm thanh trong vỏ ốc…) và đây là phần sử dụng tư liệu từ sách. Phần sau là trải nghiệm và sáng tạo. Tôi chỉ sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường như giấy, que gỗ, hoa cỏ khô, đất nặn Hàn Quốc… phối với vỏ sò, ốc biển. Trẻ em được hướng dẫn thao tác với dụng cụ và vật liệu, còn sự sáng tạo thì luôn được khuyến khích cao nhất. Thật mừng là cách này giúp tôi có thể kết hợp sách với vỏ sò ốc, kết hợp khuyến đọc với sáng tạo, ươm mầm cho trẻ em tình yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
* Sắp tới, chị có kế hoạch nào để duy trì các sân chơi và tiếp tục đưa sách đến với trẻ em?
- Tôi dự định sẽ tổ chức reading trip cho các em. Đó là các tour tham quan, trải nghiệm, chơi với sách và hướng nghiệp mà tôi từng làm rải rác những năm qua. Trước mắt, tôi vẫn lập đội nhóm hoạt động theo những chuyến đưa sách lưu động đến trường học và tại các không gian khác vì ở đâu có trẻ em, ở đó cần sách và những người khuyến đọc.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Trần Huyền Trang (thực hiện) - Ảnh do nhân vật cung cấp