Chuyên viên âm thanh, ánh sáng - anh ở đâu?

23/09/2019 - 17:46

PNO - Từng được xem như “linh hồn” của một chương trình biểu diễn, nhưng hầu hết những người làm âm thanh, ánh sáng của các đơn vị sân khấu xã hội hóa, hoặc nhà hát công lập ở TP.HCM hiện nay đều là “dân tay ngang”.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nhà hát, trung tâm nghệ thuật đa năng, song song với việc thực hiện chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật… Nhưng để vận hành các nhà hát, trung tâm nghệ thuật đa năng, phát huy tối đa những công năng hiện đại của các phương tiện kỹ thuật thời 4.0, góp phần xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao xứng tầm nhà hát hiện đại, lại rất cần đến đội ngũ đạo diễn, chuyên viên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, được đào tạo bài bản. 

Tuy nhiên, cho đến nay, việc đào tạo đội ngũ này dường như vẫn chưa được nhắc đến.

Chuyen vien am thanh,  anh sang - anh o dau?
Kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng mày mò tự học chỉ đáp ứng được kỹ thuật không quá phức tạp của vở diễn có quy mô trung bình

Chuyên viên hay người điều khiển công tắc đèn? 

Ở các nước phát triển, nhắc đến công nghiệp biểu diễn và công nghiệp giải trí, người ta không thể không nhắc đến đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng. Không đơn thuần chỉ là những người làm kỹ thuật, đây cũng là đội ngũ làm công việc sáng tạo và giữ vai trò quan trọng trong một chương trình nghệ thuật, thậm chí góp phần quyết định sự thành bại của một chương trình. Ngoài việc giỏi kỹ thuật, am hiểu công nghệ hiện đại để vận hành tốt các trang thiết bị, chuyên viên, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng còn phải có tố chất của người làm nghệ thuật, và cả sự am hiểu về từng loại hình nghệ thuật. Những tố chất đó giúp họ nhanh nhạy nắm bắt ý đồ đạo diễn, để chuyển thành ngôn ngữ riêng của âm thanh, ánh sáng, giúp chương trình đạt hiệu quả cao nhất. 

Trong một số chương trình mang nhiều yếu tố giải trí, sự kết hợp giữa ánh sáng và âm thanh mang đến những hiệu ứng đặc biệt cho người xem. Nhưng với đặc thù của một số loại hình sân khấu ở TP.HCM như kịch nói, hát bội, cải lương, xiếc, múa rối nước… ánh sáng chính là ngôn ngữ giúp chuyển tải nội tâm nhân vật, cũng như những thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm.

Từng được xem như “linh hồn” của một chương trình biểu diễn, nhưng hầu hết những người làm âm thanh, ánh sáng của các đơn vị sân khấu xã hội hóa, hoặc nhà hát công lập ở TP.HCM hiện nay đều là “dân tay ngang”. Nhiều kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng đến với công việc này bằng con đường “cha truyền con nối”. Một số khác là dân kỹ thuật đơn thuần, làm nghề một cách ngẫu nhiên rồi gắn bó đến giờ. Hầu hết họ đều phải tự học, tự mày mò tích lũy kinh nghiệm.

Thực tế, không nhiều kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng có đủ khả năng lẫn kỹ năng nắm bắt và chuyển tải thông điệp từ đạo diễn. Phần lớn được cho là giỏi nghề hiện nay cũng chỉ mới làm theo yêu cầu của đạo diễn mà chưa thể tự sáng tạo dựa trên tư duy tổng thể của đạo diễn. Một số kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng theo nghề “cha truyền con nối” đã có thể tự học cách ứng dụng kỹ thuật để thực hiện kỹ xảo sân khấu, bố trí ánh sáng, phối màu ánh sáng sân khấu… Tuy nhiên, họ chỉ mới dừng ở mức độ phục vụ cho những vở diễn đơn giản, trên những sân khấu không quá lớn và không đòi hỏi quá nhiều sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, sân khấu vẫn có những kỹ thuật viên chỉ là “công nhân” âm thanh, ánh sáng đơn thuần, với nhiệm vụ chính là bật đèn, tắt đèn, chỉnh âm thanh lớn, nhỏ… theo một thứ tự được ghi chép sẵn. Mọi thứ còn rất thủ công và được “lập trình” bằng những gạch đầu dòng, chỉ cần diễn viên thoại sai lời, hoặc ngẫu hứng sáng tạo một tình huống bất ngờ ở thời điểm đã “chốt” với bên kỹ thuật, là mọi thứ chuệch choạc ngay.  

Công tác đào tạo bị lãng quên

Có lẽ từ rất lâu, công tác đào tạo đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng đã không còn được nhắc đến. Một phần cũng do trang thiết bị kỹ thuật của các sân khấu, nhà hát còn nghèo nàn lạc hậu, hoặc nhà hát mới xây, trang thiết bị hiện đại, nhưng lại thiếu sự đồng bộ… Điều đó khiến các đơn vị ít mặn mòi trong việc đào tạo chuyên viên ở lĩnh vực này, vì có đào tạo cũng không có kỹ thuật để ứng dụng. 

Còn nhớ cách đây ngót nghét nửa thế kỷ, khi đoàn cải lương Kim Chung đang thời vàng son với thủ phủ là rạp Olympic luôn chật kín khán giả, ông bầu Long đã có ý định nhập thêm hệ thống âm thanh, ánh sáng từ Nhật, và cử nghệ sĩ Thanh Điền - khi đó vừa là nghệ sĩ vừa tham gia dựng tuồng - sang Nhật học thêm về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng để vận hành những kỹ thuật và trang thiết bị mới. Tuy nhiên, Kim Chung gặp khó khăn ở giai đoạn cuối thập niên 1960 và phải rã gánh, nên kế hoạch này không thực hiện được.

Trong xu thế phát triển với kỳ vọng về một ngành công nghiệp văn hóa, việc đào tạo chuyên viên, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng là điều không thể xem nhẹ. Sử dụng, vận hành các trang thiết bị hiện đại ở một nhà hát hiện đại và những chương trình nghệ thuật, không đơn thuần như việc sử dụng công nghệ và trang thiết bị hiện đại trong các lĩnh vực khác. Những chuyên viên, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng phải biết biến công nghệ hiện đại thành nhiều mạch cảm xúc và chạm đến tâm hồn người xem. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành những nhà hát hiện đại, đồng thời cũng là một trong những thành phần sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật xứng tầm, là điều cần phải được quan tâm ngay từ bây giờ.

Và tất nhiên, tìm được nguồn nhân lực phù hợp để đào tạo cũng không phải chuyện đơn giản. Nếu chưa có sự quan tâm đúng mức hoặc còn chần chờ vì lý do này khác, thì e rằng ước mơ đưa công nghệ hiện đại vào sân khấu biểu diễn ở TP.HCM, một khi đã có nhà hát và trang thiết bị hiện đại, vẫn còn xa ngái. Nói như đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc: “Khi không nâng được tầm của những người điều khiển các trang thiết bị, thì công nghệ, máy móc dẫu có hiện đại và đắt tiền đến đâu, cũng chỉ là đống sắt vô dụng”. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI