Chuyện về tổ hợp tác ve chai điều hành qua Facebook, “app” điện thoại

06/03/2024 - 06:11

PNO - Từ khi thành lập tổ hợp tác, những phụ nữ làm nghề thu gom ve chai phế liệu ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có điều kiện để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; đời sống của chị em được quan tâm nhiều hơn; vai trò của họ cũng được nâng lên qua công việc.

Giúp chị em bớt nhọc nhằn 

Rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi trời đã tối sầm nên chị Đặng Thị Thương - hội viên Hội LHPN phường An Đông, làm nghề thu mua ve chai - chẳng mấy khi có thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Nhưng từ khi được vận động tham gia tổ hợp tác (THT) ve chai phế liệu do Hội LHPN phường quản lý, chị Thương tích cực tham gia các hoạt động của hội và dành nhiều thời gian cho các hoạt động vui chơi, sinh hoạt cùng các chị em.

Các thành viên tổ hợp tác ve chai phường An Đông đang phân loại rác thải
Các thành viên tổ hợp tác ve chai phường An Đông đang phân loại rác thải

Chị nói: “Từ khi tham gia THT, mình được trang bị đồng phục, găng tay, đồ bảo hộ, được tập huấn về an toàn lao động khi đi làm nghề. Suốt mấy chục năm đi thu gom ve chai phế liệu, tôi không nghĩ cái nghề mọn của mình nay được địa phương, các tổ chức quan tâm, hỗ trợ như thế. Khi THT được thành lập, những người làm nghề ve chai như chúng tôi có nơi để sinh hoạt, chia sẻ công việc và kịp thời giúp đỡ nhau khi khó khăn”.

Trở về sau một ngày làm việc chung cùng các thành viên THT, chị Trương Thị Xuân Mai (phường An Đông) phấn khởi: “Hôm nay thu mua cũng được kha khá, số tiền lời trong ngày chúng tôi sẽ trích lại 20% vào tổ. Chẳng nhiều nhặn gì nhưng “siêng nhặt chặt bị”, đây là nguồn quỹ để chị em trong THT giúp đỡ nhau khi khó khăn. Vì hoàn cảnh khó khăn, chẳng có việc làm ổn định, nên tôi mới gắn bó với nghề ve chai này, đơn giản chỉ là mưu sinh, kiếm sống qua ngày. Nhưng từ khi được tham gia THT, được trang bị thêm nhiều kiến thức, tôi mới biết công việc của mình cũng góp phần bảo vệ môi trường khi trực tiếp tham gia các hoạt động thu gom và phân loại rác tái chế”.

Sinh sống tại 18/139 An Dương Vương, phường An Đông, bà Võ Thị Vang, 75 tuổi, được người dân khu phố thân thương gọi là "bà ve chai". Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng ra phải được an hưởng tuổi già, sống sum vầy bên con cháu, nhưng hằng ngày bà Vang vẫn đẩy xe đi nhặt vỏ chai, giấy vụn để kiếm 3 bữa cơm dưa cà và chút tiền thuốc thang cho chồng bị bại liệt từ nhiều năm nay.

Đưa đôi tay co rúm quàng lấy đôi chân, bà Vang cười móm mém: "Bình thường bà đi lượm ve chai từ 4 giờ sáng, cứ khi nào đầy thì về. Bà chỉ mong còn đi được để sống qua ngày cho đến khi nhắm mắt, đừng có đau ốm gì". Là thành viên lớn tuổi nhất và khó khăn nhất của THT, bà Vang thấy vui với công việc, vì vừa có thu nhập kinh tế, vừa góp phần phân loại rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố.

“Năm vừa qua lần đầu tiên bà và các chị em ve chai được tham gia ngày hội áo dài, được mọi người tặng áo dài rất đẹp. Kể từ khi tham gia THT bà được vay vốn, các chị em trong tổ hội cũng thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ nhau lúc ốm đau. Năm nay còn được cấp bảo hiểm tai nạn, khám sức khỏe định kỳ. Chị em tôi vui lắm” - bà nói.

Bà Võ Thị Vang - 75 tuổi, tổ viên lớn tuổi nhất của tổ hợp tác ve chai phường An Đông - đi thu gom phế liệu
Bà Võ Thị Vang - 75 tuổi, tổ viên lớn tuổi nhất của tổ hợp tác ve chai phường An Đông - đi thu gom phế liệu

Kết nối qua Facebook, cài app phân loại rác

THT ve chai phế liệu phường An Đông ra đời vào tháng 5/2022, cũng là THT ve chai phế liệu đầu tiên được tổ chức ở TP Huế, giúp các chị em, các mẹ ổn định nghề nghiệp. Nhưng vui nhất là nhờ đó mà bà con lối xóm đã thay đổi cách nhìn về nghề thu gom ve chai, phế liệu, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm. 

Theo quy chế của THT, nguồn lợi nhuận sẽ được trích lại 20% để lập quỹ. Ban điều hành sẽ bố trí địa bàn thu gom cho các thành viên của tổ một cách hợp lý. Những chị lớn tuổi, thu gom bằng xe đẩy sẽ được bố trí thu gom ở địa bàn gần. Các chị có xe đạp, xe máy được bố trí ở những điểm xa hơn. Lịch thu gom cũng được phân bổ xoay vòng tạo niềm tin, đoàn kết và đảm bảo quyền lợi cũng như nguồn thu nhập cho chị em.

Bà Nguyễn Hải Yến - Chủ tịch Hội LHPN phường An Đông - cho biết, hơn 1 năm qua, Hội Phụ nữ đã lập Facebook của THT để thông tin, quảng bá cho mọi người biết đến tổ. Các thành viên của tổ cũng được tập huấn cài đặt app mGreen Collector - ứng dụng Mobile App phân loại rác tại nguồn, kết nối người phân loại và người thu gom, người mua và người bán.

Các thành viên tổ hợp tác ve chai phường An Đông tham gia lớp tập huấn tìm hiểu về việc thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn
Các thành viên tổ hợp tác ve chai phường An Đông tham gia lớp tập huấn tìm hiểu về việc thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn

“Từ khi thành lập, THT đã kết nối thu mua các đơn hàng với giá trị gần 20 triệu đồng, số lãi thu được hơn 5,7 triệu đồng, lợi nhuận được chia theo quy chế. Cụ thể 4,6 triệu đồng (80%) chia cho các thành viên tham gia thu mua, trích quỹ 20%” - bà Nguyễn Hải Yến thông tin.

Đồng hành cùng chị em thu mua ve chai, Hội LHPN TP Huế đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam triển khai chương trình “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản lý chất thải rắn, xử lý rác hữu cơ và giảm thiểu rác thải nhựa”, hỗ trợ “cải thiện sinh kế, điều kiện và môi trường lao động cho nhóm phụ nữ yếu thế trong ngành tái chế phế liệu khối phi chính thức tại TP Huế”.

Việc thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn là một công đoạn không kém phần quan trọng, giúp giảm thải ra môi trường một lượng rác lớn. Để có cơ sở triển khai thực hiện, Hội LHPN TP Huế tổ chức rà soát thông tin về số lượng phụ nữ làm nghề thu mua ve chai cũng như số lượng các cơ sở thu mua tái chế phế liệu tại 36 phường/xã trên địa bàn để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Từ đó, Hội LHPN thành phố cùng với WWF thực hiện các mô hình như hỗ trợ cải thiện sinh kế, điều kiện và môi trường lao động cho nhóm phụ nữ yếu thế trong ngành tái chế phế liệu, tiến hành tập huấn kiến thức liên quan về bảo hộ lao động, đồng thời nhân rộng mô hình và thành lập các tổ hợp tác ve chai như ở phường Hương Sơ, An Đông, Thủy Vân...

Bà Đặng Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội LHPN TP Huế - cho biết, hiện trên địa bàn TP Huế có hơn 500 hội viên phụ nữ làm nghề thu mua ve chai. Hầu hết đời sống của họ còn nhiều khó khăn. Từ công việc mưu sinh, chị em đã có những đóng góp thầm lặng trong việc bảo vệ môi trường khi thu gom, phân loại rác theo đúng quy trình để giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường. Để kết nối các thành viên cùng ngành nghề, cùng môi trường lao động, Hội LHPN thành phố đã hướng dẫn thành lập các THT thu gom ve chai; kết nối THT với các dự án để được hỗ trợ cung cấp đồng phục, giày, găng tay bảo hộ, mũ chống nắng...

Các THT hoạt động theo quy chế, có thêm nguồn quỹ để tổ chức sinh hoạt theo định kỳ, tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó và chia sẻ những khó khăn trong công việc.

Dự án đã phối hợp hỗ trợ nguồn vốn vay xoay vòng với số tiền lên đến 650 triệu đồng. Đến nay đã giải ngân cho 90 thành viên vay vốn với tổng số tiền 565 triệu đồng để giúp đỡ chị em khó khăn có thêm nguồn vốn kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn lao động. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI