Chuyện về ông tiến sĩ người Nhật trong nghĩa trang làng gốm cổ

07/09/2019 - 08:36

PNO - Tang lễ của ông đã được thực hiện theo nghi thức của người Việt và mộ phần của ông tiến sĩ Nhật cũng nằm lại nghĩa trang Kim Lan cùng lớp lớp thế hệ những người con làng gốm cổ.

Nhắc đến tinh hoa gốm cổ chốn kinh kỳ, có lẽ mọi người đều mường tượng một Bát Tràng rêu phong, ngõ ngách hun hút, quanh co. Ít ai biết, cũng ở thẻo đất ven sông Hồng ấy, còn một làng gốm ra đời trước Bát Tràng đến mấy trăm năm: làng gốm cổ Kim Lan.

Hai làng “chung vách”, thậm chí từng có thời gian dài chung một xã nhưng khác với sự sôi động, sầm uất, tấp nập của Bát Tràng, Kim Lan vẫn mộc mạc chân quê, lặng lẽ sản xuất những mặt hàng gốm sứ thiết yếu trong đời sống. 

Đắm đuối với nghề

Xã Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội), nhưng để vào được làng, chỉ có một lối đường bộ duy nhất là xuyên qua xã Xuân Quan của huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

Làng gốm Kim Lan bị “đứt quãng” từ thế kỷ XVIII, mãi đến năm 1977, một số hộ trong làng mới bắt đầu đỏ lửa. Rồi lửa lò nhà này “nhóm” sang lò nhà kia, đến năm 1990, hầu hết các hộ trong làng đều theo nghề gốm. 

Chuyen ve ong tien si nguoi Nhat trong nghia trang lang gom co
Những con ngõ thường thấy ở làng gốm cổ Kim Lan

Khác với những sản phẩm mang tính mỹ nghệ của Bát Tràng, Kim Lan là trung tâm của gốm sứ gia dụng. 

Dọc trục đường chính từ xóm 1 đã thấy từng dáng nón lui cui lật, giở những viên ngói đất chờ khô để đưa vào lò nung; ven đường làng, ngõ xóm là chum, vại, chậu cây… xếp hàng chờ lên xe tải. 

Nếu ở Bát Tràng, không khí làng nghề thể hiện rõ sự hiện đại hóa đến từng công đoạn, người thợ như đang hoạt động hết công suất để chạy đua cùng máy móc; thì ở Kim Lan, tất cả vẫn bình lặng đến ngỡ ngàng.

Trong xưởng nhà anh Huy, bốn người thợ chăm chú vẽ màu lên những lọ lục bình cao quá đầu người. Những công, phượng, trúc, cúc… điển hình của gốm sứ lam dần trên bình đất mộc. 

Anh Huy giải thích, bây giờ hiện đại, kinh tế mở, nên màu vẽ đều nhập ngoại và sẵn. Nhưng đó là với sản phẩm bán đại trà. Còn với  khách hàng “tinh”, sành, men tráng vẫn phải là thủ công thì sản phẩm mới ra được “chất” Kim Lan. 

Dù men bóng hay men rạn vẫn được pha chế với các loại tự nhiên: tro, trấu, vôi bột, bột đá nghiền (hoặc tro trấu, vôi bột, đất trắng) trộn lẫn rồi lọc lấy nước. 

Thành phẩm sau khi đã được nặn hoặc đổ khuôn xong, nhúng vào nước đó rồi đem nung, sản phẩm sẽ ra màu men trắng bóng, độ bền cao. Còn cũng chừng đó nguyên liệu nhưng giảm tro, trấu, thêm một vài loại chất hỗ trợ khác sẽ ra men rạn.

Khi tôi vào các lò gốm trò chuyện, ai cũng bảo phải sang nhà “Nguyên - Thảo”, đó là một trong những nơi đáng tìm hiểu nhất nơi này. 

Chuyen ve ong tien si nguoi Nhat trong nghia trang lang gom co
Các công đoạn sản xuất gốm ở Kim Lan vẫn mang đậm truyền thống làng nghề thủ công

Nghe nhắc chuyện người làng khen mình, anh Phạm Văn Nguyên - Chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Nguyên Thảo - gãi đầu gãi tai: “Có lẽ vì nhà tôi là một trong số ít những hộ còn sản xuất gốm vuốt tay thủ công”. 

Những cụ già hiểu lịch sử làng, hay anh thợ trẻ Phạm Văn Nguyên đều bảo gốm vuốt tay là hàng cao cấp, đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. 

Sản phẩm kén người dùng, lại không năng suất, nên người còn làm gốm thủ công hẳn phải là anh thợ đắm đuối không chỉ với nghề, mà còn trân quý và trách nhiệm với lịch sử làng nghề nữa. 

Anh nói: “Từ khi là đất đến lúc là thành phẩm, bao mồ hôi, trí tuệ và cả tình cảm của người thợ đã đổ vào đó. Sơ sót một chút, như nguyên liệu chưa đạt chuẩn là sản phẩm nứt, vỡ, méo xiên méo xẹo. Rồi chiều ngang, chiều rộng, độ uốn cũng phải tính toán chính xác đến từng mi-li-mét, nếu không, khi qua lửa, độ co ngót sẽ làm cho sản phẩm biến dạng”. 

Mỗi sản phẩm gốm vuốt tay ra đời từ trái tim, khối óc người thợ. Hoa văn, họa tiết cũng do thợ trực tiếp vẽ tay với những nét đậm, nhạt, thô, mảnh; đôi khi lại là những nét phóng bút bất ngờ, độc bản của giây phút sáng tạo thăng hoa. Chưa kể kỹ thuật nung cũng đòi hỏi mất nhiều thời gian, công sức hơn. 

Đất lở lộ lịch sử

Một thời gian dài, Kim Lan chỉ có vài lò gốm. Không ai biết nghề gốm của làng mình hưng thịnh ra sao. Phải đến năm 1996, khi nước sông Hồng “bò” vào làng, ngập hết hoa màu, nhà cửa; nước rút, bãi bồi ven sông lở tung tóe, bất ngờ, những dấu tích huy hoàng của ngàn năm trước hiện ra. 

Ông giáo làng về hưu Nguyễn Văn Nhung là một trong năm “già làng” đã cần mẫn bới tìm lịch sử ở rẻo đất ven sông từ năm 1996 đến năm 2000. 

Đứng giữa Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan gần trụ sở UBND xã, ông Nhung nheo mắt, phất phơ mái tóc bạc nhớ lại: “Ban đầu là một chum tiền cổ chôn ở ven sông lộ diện, ba năm sau thêm một trận lụt, đất lại lở. Chúng tôi thấy thêm vò, chum, hũ gốm đựng tiền cổ, rồi đĩa, lọ và những mảnh bát vỡ vì bị nung quá lửa”. 

Những món đồ trồi lên từ ven sông đã khiến người dân địa phương đi khắp nơi tìm tư liệu để hiểu về lịch sử làng gốm. Ngay sau đó, chính quyền và nhân dân Kim Lan đã gửi văn bản, mẫu vật đến Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) TP.Hà Nội, Viện Khảo cổ để nhờ phân tích, tra cứu lịch sử nghề gốm của làng.

Ba năm Viện Khảo cổ khai quật, kết quả ghi nhận được, nghề gốm có mặt ở Kim Lan từ thế kỷ VIII (khi Hà Nội còn là thành Đại La trong thời kỳ Bắc thuộc) đến hết thế kỷ XVII. 

Trong đó, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV là thời kỳ gốm Kim Lan hưng thịnh nhất. Và Kim Lan là trung tâm sản xuất gốm sứ của kinh thành Thăng Long.

Chuyen ve ong tien si nguoi Nhat trong nghia trang lang gom co
Hoa văn trên gốm Kim Lan phần lớn được vẽ thủ công chứ không dán decal như ở nhiều nơi khác

Trong Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan - bảo tàng cấp xã đầu tiên của cả nước - có hơn 300 hiện vật gồm: ngói mũi hài, gạch có hoa văn trang trí, những mảnh gốm vỡ từ chậu, bát sứ cổ, tiền đồng, âu men ngọc, đĩa lớn vẽ phượng với men màu lam… 

Đặc biệt, có một số hiện vật mang những hoa văn tương tự trên những mảnh gốm tìm thấy ở Indonesia và Philippines, nên có giả thiết, gốm Kim Lan có thời kỳ xuất khẩu ra nước ngoài.

Tri ân “linh hồn” làng gốm cổ

Ông Nhung rưng rưng nhớ đến vị tiến sĩ khảo cổ Nishimura Masanari đến từ Nhật Bản. Bởi Masanari là người có đóng góp lớn trong việc xây dựng Bảo tàng Gốm sứ của làng. 

Cũng nhờ những nỗ lực, đóng góp vô tư, tận tụy của Masanari, lịch sử đáng tự hào của làng gốm mới được người Kim Lan biết đến.

Tiến sĩ Nishimura gắn bó với Kim Lan, với Việt Nam đến độ, ông đã chọn cho mình cái tên rất Việt - Lý Văn Sỹ và nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Việt với dân làng. Khi đó, người Kim Lan đã xem Nishimura Lý Văn Sỹ như người địa phương, và coi ông là thành viên thứ sáu của nhóm “già làng” đi tìm lịch sử nghề gốm. 

Nhìn phần mái của bảo tàng được thiết kế cách điệu theo các kiểu lò nung gốm của người dân Kim Lan, ông Nhung nói, giọng đầy biết ơn: “Khi có nhiều món đồ giá trị của cha ông, chúng tôi nảy ra ý định kêu gọi cả làng chung tiền xây một gian nhà trưng bày. Nishimura tán thành ngay và quyết xây “Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng” (nay là Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan). Đó là điều chúng tôi chưa từng mơ tới”. 

Từ việc thiết kế, quyên góp 30.000 USD để xây dựng bảo tàng, tới việc sắp đặt, viết lời bình, giới thiệu từng hiện vật… đều do Nishimura Lý Văn Sỹ thực hiện. Ông còn hiến tặng bảo tàng một số gốm cổ châu Á từ bộ sưu tập cá nhân để người xem dễ so sánh với gốm cổ Kim Lan.

Tiến sĩ Nishimura đến làm việc tại Việt Nam từ năm 1990 trong chương trình hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam để khai quật một số mộ cổ ở Nghệ An. Luận văn thạc sĩ của ông nghiên cứu về công cụ đá của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Sơn Vi (tỉnh Phú Thọ). 

Năm 2001, ông kết hôn với tiến sĩ Noriko, lễ cưới của họ được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. 

Năm 2013, Nishimura Lý Văn Sỹ qua đời trong một vụ tai nạn giao thông, khi ông đang chạy xe máy trên đường về Hải Dương để khảo sát chùa Dạm, ngôi chùa quan trọng bậc nhất của thời Lý. 

Tang lễ của ông đã được thực hiện theo nghi thức của người Việt. Và mộ phần của ông tiến sĩ Nhật mang tâm hồn Việt ấy cũng nằm lại nghĩa trang Kim Lan cùng lớp lớp thế hệ những người con làng gốm cổ.

Nên, sẽ thật thiếu sót khi nói về Kim Lan mà không nhắc đến ông - Nishimura Lý Văn Sỹ. 

Bài: ; ảnh: 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI