1. Tháng 3/2021, Bảo tàng Louvre (Pháp) đã đưa lên mạng danh mục hơn nửa triệu tác phẩm nghệ thuật thuộc các bộ sưu tập được trưng bày tại bảo tàng, trong đó có đến hơn 1.752 tác phẩm được xác định là bị cướp từ chủ nhân thật sự của chúng trong thời gian chiếm đóng của phát xít Đức. Đây là một trong những nỗ lực của Bảo tàng Louvre nhằm tìm lại những người thừa kế của chủ sở hữu trong quá khứ để trao trả các tác phẩm.
Trong khoảng thời gian từ năm 1940 - 1945, Đức Quốc xã đã chiếm đoạt khoảng 100.000 tác phẩm nghệ thuật, chỉ tính riêng tại Pháp. Rất nhiều hiện vật trong số này thuộc về chủ sở hữu là người Do Thái - nạn nhân của các cuộc săn lùng do Đức Quốc xã thực hiện. Trong thời gian chiếm đóng, các tác phẩm là tài sản trong những ngôi nhà Do Thái đã bị cướp hàng loạt. Hiếm hoi, nếu không bị cướp, các tác phẩm này bị chính chủ nhân của chúng bán để lấy tiền duy trì cuộc sống và thu xếp chạy trốn khỏi cuộc truy lùng.
|
Bảo tàng Louvre trưng bày các tác phẩm bị đánh cắp hoặc cướp bóc dưới thời Đức Quốc xã, trong nỗ lực tìm lại chủ sở hữu thực sự của chúng |
Chuyện về bộ sưu tập của luật sư Armand Isaac Dorville là một trong vô vàn câu chuyện như vậy. Vốn yêu nghệ thuật, vị luật sư người Do Thái này sở hữu nhiều tranh và tượng là tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như: Degas, Delacroix, Renoir, Rodin… Năm 1940, sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng Paris, chính phủ Vichy (chính phủ hợp tác với Đức Quốc xã tại Pháp) bắt đầu ráo riết truy lùng người Do Thái. Không thể sống ở Paris, luật sư Armand Isaac Dorville phải chạy trốn đến miền nam nước Pháp và qua đời vào năm 1941.
Tháng 6/1942, bộ sưu tập của luật sư Armand Isaac Dorville bị đưa ra đấu giá. Danh tính của chủ sở hữu và nguồn gốc 445 tác phẩm đưa ra đấu giá được giới thiệu là từ “phòng chứa đồ của một người Paris yêu nghệ thuật” dù những người điều hành cuộc đấu giá biết rõ câu chuyện cuộc đời luật sư Armand Isaac Dorville.
René Huyghe, người phụ trách phòng tranh của Bảo tàng Louvre, đã mua tác phẩm thuộc 12 suất đấu trong số các suất đấu kéo dài suốt bốn ngày của cuộc đấu giá kể trên. Những tác phẩm này được René Huyghe dùng tiền của chính phủ mua lại, dưới danh nghĩa các bảo tàng quốc gia Pháp. Số tiền thu được từ cuộc đấu giá bị chính quyền Vichy chiếm giữ, theo luật Aryanization 1941 (một đạo luật về việc trục xuất người Do Thái khỏi Đức, các nước phe Trục và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng; theo đó toàn bộ tài sản của những người Do Thái này sẽ bị tịch thu). Hai năm sau, năm thành viên gia đình Dorville bị trục xuất và qua đời tại trại tập trung Auschwitz.
2. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khoảng 61.000 bức tranh, tượng và các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp khác đã được trả về Pháp. Chính phủ thời hậu chiến đã nhanh chóng hoàn khoảng 45.000 tác phẩm về cho chủ sở hữu hoặc những người thừa kế của họ, đồng thời cũng bán vài ngàn tác phẩm trong số đó và giữ lại số tiền thu được. Bảo tàng Louvre và nhiều bảo tàng khác vẫn đang lưu giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật chưa xác định được chủ sở hữu. Sự hiện diện của những tác phẩm này thật sự gợi nhắc một quá khứ kinh hoàng và đầy hổ thẹn.
Nằm trong nỗ lực chung của nhiều quốc gia nhằm hoàn trả tài sản về cho người thừa kế của những người Do Thái đã khuất, sau tám thập niên, giờ đây, Bảo tàng Louvre đã xác định được người thừa kế bộ sưu tập của luật sư Dorville trong câu chuyện kể trên.
|
Một buổi đấu giá nghệ thuật diễn ra vào tháng 5/1942 tại khách sạn Drouot, Paris |
Tuy nhiên, phát hiện này đã dẫn đến một tình huống khó xử. Những người thừa kế của nhà Dorville yêu cầu chính phủ Pháp bồi thường bởi theo họ, bộ sưu tập đã bị cướp khỏi chủ nhân thật sự của nó và nếu số tiền đấu giá được chuyển lại cho gia đình Dorville, rất có thể năm người trong gia đình này đã có cơ hội chạy trốn khỏi cuộc truy lùng và sống sót.
Ngược lại, chính phủ Pháp lại kết luận rằng cuộc đấu giá năm 1942 đã diễn ra mà không có bất kỳ sự ép buộc hoặc hành vi bạo lực nào. Cuối cùng, với sự tham gia của Bảo tàng Louvre, gần đây, chính phủ Pháp đã đi đến phán quyết các tác phẩm thuộc 12 suất đấu đã mua về Bảo tàng Louvre sẽ được trao trả cho những người thừa kế của gia đình Dorville.
Thế nhưng, vì cuộc đấu giá năm 1942 không bị coi là bất hợp pháp, các tác phẩm còn lại đã đưa về các bảo tàng khác ngoài Louvre vẫn sẽ được giữ nguyên. Bảo tàng Louvre không được quyền đưa ra ý kiến về phán quyết này.
Quyết định trên bị chỉ trích nặng nề trong giới sử học và phê bình nghệ thuật. Người ta đặt ra câu hỏi vì sao đó lại được coi là một cuộc đấu giá không có bất kỳ sự ép buộc hoặc hành vi bạo lực nào khi những người chủ sở hữu thực sự bị săn lùng, bị cấm vào các phòng đấu giá, còn mọi việc diễn ra tuân theo luật Aryanization chống lại người Do Thái. Phán quyết của chính phủ Pháp cũng hoàn toàn trái ngược phán quyết của chính phủ Đức trong một sự vụ tương tự vào năm 2020, khi chính phủ Đức kết luận cuộc đấu giá bộ sưu tập của luật sư Dorville năm 1942 là bất hợp pháp, và buộc hoàn trả ba tác phẩm do một nhà buôn nghệ thuật của Hitler đã mua.
|
Một bức tranh của họa sĩ Camille Roqueplan, trưng bày tại Bảo tàng Louvre, là một phần của bộ sưu tập Dorville |
Rất nhiều tác phẩm khác trong bộ sưu tập của luật sư Armand Isaac Dorville quá cố được mua từ cuộc đấu giá tai tiếng năm 1942 hiện vẫn đang được trưng bày tại các bảo tàng lớn trên thế giới như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Yale, Viện nghệ thuật Minneapolis. Những người thừa kế của luật sư Dorville vẫn đang yêu cầu được hoàn trả các tác phẩm này.
3. Đây không phải lần đầu những tác phẩm nghệ thuật bị cướp bóc dưới thời Đức Quốc xã tìm lại được chủ nhân thật sự. Năm 2012, bức tranh 500 năm tuổi Christ Carrying the Cross Dragged by a Rascal do họa sĩ người Ý Girolamo de Romani vẽ cũng được chính phủ Mỹ trả về cho người thừa kế của chủ sở hữu tại Pháp. Hoặc tranh của họa sĩ nổi tiếng Amedeo Modigliani cũng được Thụy Sĩ điều tra để hoàn trả cho chủ sở hữu thật sự trong một vụ việc liên quan đến vụ hồ sơ Panama tai tiếng.
Chính phủ Pháp vốn đã bị chỉ trích vì chậm chạp so với Đức và Mỹ trong việc trao trả các tác phẩm nghệ thuật bị cướp bóc dưới thời Đức Quốc Xã. Nay, với những sự việc như vừa xảy ra, Pháp hẳn còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục phần nào những hậu quả của quá khứ đen tối.
Thư Hiên