Chuyện về những người hai quê hương

13/03/2022 - 08:05

PNO - "Nguồn cội" là cuốn sách về những trăn trở và giằng xé nội tâm, từ lạc lõng đến phẫn nộ, từ kiêu hãnh đến bình yên của Đan Thy - cô gái trẻ người Việt định cư trên đất Mỹ.

Số lượng công dân toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng từ những cuộc di dân, nhưng định kiến và khuôn mẫu về các nền văn hóa bản địa, thiểu số vẫn còn. Điều này vô hình trung làm tổn thương những người sinh ra và lớn lên ở hai quê hương, khiến họ không ít lần như kẻ lạc loài, thậm chí bị xúc phạm.

Nguồn cội là cuốn sách về những trăn trở và giằng xé nội tâm, từ lạc lõng đến phẫn nộ, từ kiêu hãnh đến bình yên của Đan Thy - cô gái trẻ người Việt định cư trên đất Mỹ. Sách gồm những mẩu chuyện ngắn, những bài thơ nhỏ phản ánh sự giao thoa bản sắc của những kẻ trôi dạt giữa hai miền lạ - quen.

“Khi người ta hỏi tôi từ đâu đến, tôi nói sự thật: “Tôi sinh ở Việt Nam rồi chuyển đến đây lúc đang học cấp II. Vậy nên tôi đến từ cả hai nơi - Sài Gòn và Houston. Tôi tự hào vì mình có hai căn tính. Tôi trân trọng sự khác biệt và đa dạng trong mình. Tôi thấy chỉ nhận mình là người Việt hoặc người Mỹ là không đúng. Tôi chẳng là gì cả, đồng thời lại là cả hai. Tôi là sự pha trộn của những mảnh ghép, tôi là tôi” - cuốn sách mở đầu như thế.

Định kiến đối với nhiều người chỉ là vài mảng miếng hài hước trong một tập phim truyền hình Mỹ hoặc là chủ đề thú vị của một cây hài độc thoại. Thế nhưng, với người trong cuộc, đó là một sự mắc kẹt, để rồi rất nhiều người trong số họ mải miết đi tìm câu trả lời.

Trên danh nghĩa, Thy có hai quê hương, nhưng tận sâu thẳm trong tâm hồn, cô luôn bị kẹt khi thấy mình không thuộc về nơi nào: “Tôi kẹt nơi hành lang giữa hai cánh cửa/ Khóa trong tay tôi mở được cả hai/ Ngó bên trong nhưng chẳng thể bước lại/ Qua khe cửa hẹp, chỉ có thể hé nhìn/ Ai cũng có cánh cửa riêng/ Và sống trong phòng của họ/ Nhưng tôi vĩnh viễn kẹt nơi hành lang/ Mãi là kẻ đứng ngoài”.

Tâm tình của Thy cũng chính là tiếng lòng của rất nhiều người có hai quê hương, những người thường được người khác ngắm nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ vì lĩnh hội được nền giáo dục và văn hóa của cả hai quốc gia, những người được ví von “vỏ vàng ruột trắng” như một quả chuối. Sự lạc lõng ấy bắt nguồn từ việc mất kết nối với hai nền văn hóa có liên hệ với bản thân họ: sinh ra ở Việt Nam nhưng lại chẳng thành thạo tiếng mẹ đẻ, được nuôi dạy và lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn có những khác biệt văn hóa không thể nào hòa nhập. Họ như thể bị trôi dạt giữa hai thế giới, chẳng ở đây mà cũng chẳng ở kia.

Tiếng lòng ấy âm thầm nhưng mạnh mẽ, mong muốn khơi dậy nhiều hơn ý thức về sự giao thoa văn hóa, đồng thời khích lệ thế giới trân trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân và để những cá nhân ấy có thể tự hào về văn hóa, về nguồn cội, về chính màu da của họ. 

Minh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI