Chuyện về những chuyên gia đồng hành cùng báo chí

21/06/2023 - 05:55

PNO - Gần 11g trưa nhưng TPHCM vẫn dày đặc sương mù, gây tò mò và hoang mang cho nhiều người. Khi chúng tôi gọi điện nêu thắc mắc, vị chuyên gia thời tiết nói vui: “OK. Tôi sẽ dành nguyên buổi trưa hôm nay để phục vụ các anh phóng viên”.

Cùng phóng viên tạo ra bài viết chất lượng

Vị chuyên gia thời tiết đó là ông Lê Đình Quyết - Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ. Sau cuộc phỏng vấn giữa trưa, chiều hôm đó, Báo Phụ nữ TPHCM điện tử đã đăng bài Vì sao TPHCM có sương mù ngay giữa trưa?.

Ông Lê Đình Quyết - Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ - đang phân tích hiện tượng thời tiết bất thường để đưa ra các cảnh báo cho người dân thông qua báo chí - ẢNH: S.V.
Ông Lê Đình Quyết - Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ - đang phân tích hiện tượng thời tiết bất thường để đưa ra các cảnh báo cho người dân thông qua báo chí - Ảnh: S.V.

Bài viết chỉ rõ nguyên nhân của hiện tượng trên: do những ngày trước đó, xung quanh TPHCM có mưa, mây nhiều, không khí lạnh ở phía Bắc mạnh nên có hiện tượng mù. Hôm đó, độ ẩm ở TPHCM cao nên hiện tượng mù kéo dài đến giữa trưa. Đặc biệt, đây là hiện tượng thời tiết bình thường, không phải là hiện tượng “mù khô” độc hại như một số người lo ngại. Bài viết nhanh chóng được chia sẻ trên nhiều diễn đàn mạng xã hội Facebook, Zalo. 

Nhiều năm qua, ông Lê Đình Quyết là “bạn đồng hành” đúng nghĩa của phóng viên ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ông từng trách vui: “Mấy anh toàn gọi cho tôi vào những ngày bất thường”. Quả đúng như vậy, cái tên của ông Lê Đình Quyết xuất hiện dày đặc trên mặt báo trong những ngày có hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa nhiều, giông sét, mưa đá… 

Những tin, bài đăng các dự báo, cảnh báo, tư vấn của ông Lê Đình Quyết đã giúp người dân có thêm thông tin để phòng, chống thiên tai, hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Đây cũng là động lực để ông gắn bó các phóng viên trên mặt trận thông tin. 

Để có 1 bài báo hay, chính xác, giàu tính thông tin, ngoài tác nghiệp của phóng viên, còn cần đến lời tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học 

Từ năm 2003, tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu - chuyên gia tư vấn của đơn vị tâm lý, Bệnh viện huyện Bình Chánh - đã có những cuộc gọi đến số điện thoại “nóng” của Báo Phụ nữ TPHCM để báo tin về các nghi án xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, có những vụ án nghiêm trọng, như vụ bé gái 5 tuổi bị tổn thương vùng kín, vụ bé gái 13 tuổi mang thai nghi bị chú ruột hiếp dâm. 

Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu (Bệnh viện huyện Bình Chánh) thường xuyên cung cấp cho Báo Phụ nữ TPHCM những thông tin về các vụ nghi bạo hành, xâm hại trẻ em - ẢNH: DIỄM CHI
Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu (Bệnh viện huyện Bình Chánh) thường xuyên cung cấp cho Báo Phụ nữ TPHCM những thông tin về các vụ nghi bạo hành, xâm hại trẻ em - Ảnh: Diễm Chi

Chị nói, nguyên tắc tham vấn tâm lý là bảo mật thông tin thân chủ. Thế nhưng, trước hoàn cảnh đau lòng của các nạn nhân, trước sự thờ ơ của một số cơ quan chức năng, chị phải thay mặt gia đình nạn nhân liên lạc với Báo Phụ nữ TPHCM để phanh phui tội ác, đưa thủ phạm ra ánh sáng công lý, bù đắp thiệt hại cho các nạn nhân.

Tiến sĩ Hoàng Liễu tâm sự: “Tôi tin tưởng Báo Phụ nữ TPHCM vì các anh chị luôn giữ bí mật nhân thân của trẻ, trợ giúp trẻ và gia đình cả trong lẫn ngoài vụ tố tụng. Các anh chị còn giúp các nạn nhân có điều kiện tiếp tục học hành, giúp gia đình nạn nhân cải thiện chỗ ở, việc làm để có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn. Sau khi quen biết, các bạn phóng viên lại mời tôi tư vấn về chuyên môn khi viết bài về bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em…”.

Chủ động gửi nghiên cứu mới cho phóng viên

Cuối năm 2021, khi được mời dự hội thảo về nữ công nhân nhập cư do Hội LHPN TPHCM tổ chức, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội - đã trình bày đề tài nghiên cứu của ông về sức mạnh tự thân của các nữ lao động di cư trong dịch bệnh. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội - dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về đời sống công nhân, sau đó chia sẻ cho Báo Phụ nữ TPHCM kết quả, đề xuất chính sách - ẢNH: T.L.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội - dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về đời sống công nhân, sau đó chia sẻ cho Báo Phụ nữ TPHCM kết quả, đề xuất chính sách - Ảnh: T.L.

Sau hội thảo, chúng tôi xin phép được sử dụng kết quả nghiên cứu cũng như những ý kiến, đề xuất của ông cho bài báo, ông nói “rất sẵn lòng” và mong báo tìm hiểu sâu hơn nữa vào đời sống nữ công nhân, lao động nhập cư để đề xuất các chính sách tốt đẹp, phù hợp hơn dành cho họ. Về phần mình, ông tiếp tục có những đề tài nghiên cứu mới về đời sống người lao động nhập cư.

Kể từ đó, mỗi khi thực hiện đề tài nào về đời sống công nhân, chúng tôi đều lấy ý kiến của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc. Lần nào, ông cũng sẵn sàng chia sẻ các phân tích, suy nghĩ và đề xuất đầy trách nhiệm của mình. Khi có hội thảo, tọa đàm hay khi hoàn thành nghiên cứu mới liên quan đến đời sống công nhân, ông đều chủ động gửi tài liệu cho phóng viên. 

Ông Nguyễn Đức Lộc nói: “Đó là trách nhiệm của nhà nghiên cứu và quan sát xã hội. Họ phải có những hành động mang lại tác động tích cực cho xã hội, kịp thời ngăn chặn những nguy cơ có thể gây ra hệ lụy cho xã hội”.

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - cũng là cái tên quen thuộc với độc giả Báo Phụ nữ TPHCM qua các ý kiến về tâm lý trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình. Qua báo, chị đã đưa đến độc giả khái niệm “vòng tròn bạo lực”, trong đó nêu trách nhiệm làm gương của các bậc làm cha, mẹ bởi trẻ lớn lên trong môi trường gia đình bất ổn sẽ có xu hướng bạo lực hoặc thiếu tự tin. 

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - gắn bó với Báo Phụ nữ TPHCM bởi chị thấy đây là nơi đồng hành với hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình - ẢNH: T.D.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - gắn bó với Báo Phụ nữ TPHCM bởi chị thấy đây là nơi đồng hành với hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình - Ảnh: T.D.

Khi nhận cuộc gọi tham vấn từ phóng viên, chị chưa bao giờ từ chối trả lời. Chị nói: “Tôi muốn giúp nhiều người hạnh phúc, quay về với giá trị sống đẹp đẽ”.

Những chuyên gia mê viết báo

Là chuyên gia về đô thị học với công việc chính là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, nhưng phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - cũng được biết đến như là nhà báo với nhiều bài báo sắc sảo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những bài báo của ông được đăng trên Báo Phụ nữ TPHCM cách đây 40 năm về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đến nay, ngoài số bài đăng trên các tạp chí khoa học, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - có hơn 1.000 bài đăng trên các báo phổ thông - ẢNH: PHÙNG HUY
Đến nay, ngoài số bài đăng trên các tạp chí khoa học, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - có hơn 1.000 bài đăng trên các báo phổ thông - Ảnh: Phùng Huy

Về cơ duyên trở thành nhà báo, ông cho rằng, báo chí là một trong những kênh tiếp cận người đọc nhiều nhất và nhanh nhất. Một phát hiện khoa học nếu chỉ được in trong một cuốn sách, hay một công trình chỉ được cất vào tủ sau khi nghiệm thu thì số người biết đến nó cũng rất ít dù phát hiện đó, công trình đó xuất sắc cỡ nào. Ông đã quyết định đưa những ý tưởng mới, những phản biện khoa học đến với nhiều người hơn thông qua bài báo. 

Từ những năm 1980, ông Nguyễn Minh Hòa đã bắt đầu viết báo. Đến nay, không kể các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học, ông đã có hơn 1.000 bài đăng trên các báo phổ thông. 

Ông nói: “Thật thú vị và hạnh phúc cho người làm khoa học ứng dụng khi tư tưởng, phát hiện của mình được nhiều người lĩnh hội, chia sẻ, trong đó có lãnh đạo và những người thiết lập chính sách”. 

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, viết báo là một việc rất khó. Có nhiều nhà khoa học làm nghiên cứu giỏi nhưng không viết báo được là do ngôn ngữ báo chí có đặc tính rất riêng. Việc biến những vấn đề khó khăn, phức tạp thành bài báo ngắn, dễ hiểu và hấp dẫn đôi khi còn khó hơn làm nghiên cứu. 

 ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM
ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM

Với các phóng viên lĩnh vực kinh tế, tài chính, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - vừa là người cung cấp thông tin, vừa là chuyên gia tư vấn và cũng là cây bút sắc sảo.

Ông cho biết, có 2 động lực chính thôi thúc ông viết báo: việc viết báo giúp ông nghiên cứu, học tập, nắm bắt, hiểu rõ nhiều vấn đề, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng; việc viết báo giúp các chủ trương, chính sách về ngân hàng đến với người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Ông nói thêm: “Những điều thú vị của nghề báo cũng cuốn hút tôi viết báo. Đây là một nghề được nhiều người ví là “thư ký của thời đại”, đòi hỏi người viết phải tự học tập, trau dồi để không bị thụt lùi nhưng cũng phải luôn công tâm, khách quan, trung thực, không đổi trắng thành đen, luôn bênh vực lẽ phải, công bằng xã hội”.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long - là tác giả của nhiều bài báo ở chuyên mục Góc nhìn của Báo Phụ nữ TPHCM. Ông cho biết, mình sinh ra ở miền Tây Nam Bộ nên cái gốc nông dân, chất nông thôn vẫn ngấm sâu trong máu. Do đó, những câu chuyện về đất, về nước, về nông dân, nông thôn là đề tài ông quan tâm và muốn chia sẻ đến nhiều người. Đây cũng là lý do khiến ông mê viết báo.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long - cho biết, ông không cảm thấy áp lực với việc viết báo, bởi nó như tập thể dục hằng ngày - Ảnh: Huỳnh Lợi
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long - cho biết, ông không cảm thấy áp lực với việc viết báo, bởi nó như tập thể dục hằng ngày - Ảnh: Huỳnh Lợi

Ông cho biết, hiện nay, ông vừa làm công tác giảng dạy, vừa làm ở hiệp hội du lịch nên khá bận rộn. Nhưng ông vẫn dành thời gian để viết báo. Mỗi khi được Báo Phụ nữ TPHCM đặt hàng, ông đều vui vẻ nhận lời. Bài viết của ông thường có tính nghiên cứu chuyên sâu nên rất có trọng lượng, được độc giả đón nhận tích cực. 

Ông nói: “Viết báo cũng như tập thể dục hằng ngày nên không cảm thấy áp lực gì. Hơn nữa, việc viết báo cũng gắn với việc nghiên cứu, giảng dạy hay các hoạt động khác mà tôi tham gia. Tất nhiên, để “tập thể dục” hiệu quả, phải tập đúng bài, kiên trì tập. Thông tin là chất liệu không thể thiếu cho việc viết báo, nên cần các kỹ năng, công nghệ để tiếp cận, xử lý thông tin, mạng lưới chia sẻ. Nhưng quan trọng là bài báo phải gắn liền với thực tiễn sôi động, giàu hơi thở cuộc sống”. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI