Neha Suri (44 tuổi) đang di chuyển các ngón tay chậm rãi và chính xác trên khắp bầu ngực. Những miếng băng dính có đánh dấu chữ nổi chia ngực thành 4 phần. Cô cảm nhận đường đi dọc theo ngực, thay đổi áp lực một cách tinh tế khi chạm vào các lớp da để tìm bất thường.
|
Nisha Niksham tại một phòng khám đa khoa do chính phủ điều hành ở Gurugram - Nguồn ảnh: Open Magazine |
Suri sinh ra đã mắc chứng bệnh viêm võng mạc sắc tố di truyền mạn tính, gây thoái hóa dần võng mạc. Hiện cô không còn có thể đọc hoặc nhận dạng khuôn mặt.
Khám vú vẫn là điều cấm kỵ ở Ấn Độ. Cùng với đó là nỗi sợ chẩn đoán và sự kỳ thị liên quan đến ung thư. Vì vậy, Suri thường nói chuyện với những người phụ nữ trong suốt quá trình khám. Cô bình tĩnh và nhẹ nhàng giải thích cách cô làm việc: “Thách thức đầu tiên là khiến bệnh nhân tin rằng dù là người khiếm thị, tôi vẫn có thể làm công việc này”.
Theo Trung tâm Nghiên cứu về phụ nữ mù và người khuyết tật (NABCBW) ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ là nơi sinh sống của khoảng 15 triệu phụ nữ mù và khiếm thị, trong đó chỉ 5% có thể kiếm sống. Sau khi chồng Suri qua đời vì ung thư xương vào năm 2016, con trai cô đã khuyến khích cô đến một trung tâm, nơi điều hành các chương trình giúp phụ nữ xây dựng sự tự tin, phát triển các kỹ năng sống thiết yếu và tìm việc làm.
1 năm sau, Suri trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên ở Ấn Độ được đào tạo để trở thành giám định viên y khoa xúc giác (MTE) trong việc phát hiện ung thư vú, loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới.
Nisha Niksham (24 tuổi) đã chuyển từ Ludhiana ở Punjab đến Delhi để có công việc tốt hơn cách đây vài năm. Cô cho hay: “Nhiều người được các nhân viên ASHA (các nhà hoạt động y tế xã hội được công nhận) khuyến khích đến khám sàng lọc. Họ có xu hướng lo lắng về việc bị phát hiện mắc bệnh. Một số người ngạc nhiên khi thấy tôi bị mù. Vì vậy, tôi cố gắng xoa dịu nỗi lo của họ và nói thêm: “Đôi khi, việc tôi bị mù lại có ích. Nó làm dịu nỗi lo về quyền riêng tư của họ”.
Dù bị mù từ khi còn rất nhỏ và mất cha mẹ sau đó, Niksham đã tốt nghiệp và dạy tại một trường dành cho trẻ em khiếm thị trước khi chuyển đến Delhi, tham gia chương trình MTE.
Định hướng bằng đầu ngón tay
Giám định y khoa xúc giác ban đầu được phát triển bởi tiến sĩ Frank Hoffman - bác sĩ phụ khoa người Đức. Năm 2011, Hoffmann khởi xướng Discovering Hands (tạm dịch: khám phá bàn tay) như một sáng kiến xã hội, theo đó phụ nữ mù và khiếm thị được đào tạo để trở thành MTE.
|
Frank Hoffmann là bác sĩ phụ khoa đầu tiên phát triển phương pháp phát hiện khối u vú bằng cách đào tạo những phụ nữ khiếm thị hoặc mù trở thành giám định viên y khoa xúc giác - Nguồn ảnh: Internet |
|
Một thực tập sinh giám định y khoa xúc giác sử dụng băng dính có đánh dấu chữ nổi để thực hành các kỹ thuật kiểm tra trên một mô hình người - ẢNH: P SALIAN |
Hoffman cho biết: “Ung thư vú không phải là căn bệnh giết người miễn là khối u chỉ xuất hiện ở mô vú. Nếu khối u được phát hiện ở giai đoạn sớm nhất có thể, bệnh nhân sẽ hồi phục được 90%”.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi không có thông tin thị giác, người mù có thể phát triển độ nhạy cao hơn về thính giác, xúc giác và các giác quan khác. Hoffman giải thích: “Những người khiếm thị phải rèn luyện các giác quan khác một cách thường xuyên. Việc định hướng bằng đầu ngón tay là một phần trong cuộc sống hằng ngày của họ”.
Bằng cách áp dụng các mức áp lực khác nhau lên ngực, các MTE có thể phát hiện cả khối u lành tính và ác tính. Chạm nhẹ nhất có thể phát hiện những khối u trên da, áp lực trung bình phát hiện những khối u bên dưới và áp lực sâu nhất có thể tìm thấy những khối u sâu hơn vào mô vú. MTE không đưa ra chẩn đoán. Họ ghi lại các phát hiện và đặc điểm của bất thường - kích thước, hình dạng, vị trí - để bác sĩ chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị.
Phụ nữ khiếm thị sử dụng băng dính có đánh dấu chữ nổi để đo kích thước ngực từng xăng-ti-mét. Mỗi lần khám kéo dài 30-40 phút, kết quả được chuyển đến bác sĩ để đưa ra đánh giá tiếp theo.
Hoffman cho biết: “Trong khi các bác sĩ thường tìm thấy khối u có kích thước 10 - 20mm, MTE có thể phát hiện những khối u nhỏ tới 6 - 8mm. Trong khoảng 40.000 lần khám vú bằng xúc giác, các MTE sẽ tìm thấy thêm 125 khối u (so với kiểm tra sờ nắn thông thường). Điều này có nghĩa là nhiều phụ nữ có thể được chẩn đoán sớm hơn nhiều”.
Vai trò của các giám định viên y khoa xúc giác
Trong 2 thập niên qua, dự án Discovering Hands đã đào tạo hơn 80 MTE tại châu Âu, Colombia, Mexico và Nepal cũng như tại Ấn Độ. Ở Ấn Độ, hơn 60% các trường hợp được chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn muộn, một phần là do chỉ có 1,6% phụ nữ trong độ tuổi 30-69 tại quốc gia này được khám sàng lọc.
Salini Khanna Sodhi - Giám đốc NABCBW - lý giải: “Nhiều phụ nữ Ấn Độ không thoải mái khi phải tầm soát bệnh tuyến vú. Vấn đề này vẫn được bàn tán thì thầm. Các MTE đang thuyết phục nhiều phụ nữ hơn đi khám bệnh tuyến vú”.
Cho đến nay, khoảng 35 phụ nữ đã được đào tạo làm MTE và hiện đang thực hiện kỹ thuật này tại các bệnh viện ở Gurgaon, Varanasi, Medanta và Bangalore. Tại Delhi, nơi Suri làm việc, họ đã sàng lọc hơn 6.000 phụ nữ thông qua các trại y tế cộng đồng tạm thời. Họ cũng giúp phụ nữ nâng cao nhận thức thông qua việc cung cấp kiến thức về ung thư vú, bao gồm cách tự kiểm tra. Phản hồi từ những người đã trải qua các cuộc kiểm tra xúc giác rằng các MTE thực sự “kiên nhẫn”, “nhiệt tình hỗ trợ” và “tốt bụng”.
Một nghiên cứu do Hoffman và các đồng nghiệp công bố tại Ấn Độ vào năm 2023 về các cuộc kiểm tra xúc giác trên 1.338 phụ nữ cho thấy 78% các trường hợp ung thư ác tính đã được phát hiện và chỉ có 1% bị bỏ sót. Một nghiên cứu trước đó vào năm 2019 so sánh độ chính xác trong chẩn đoán của bác sĩ và MTE đã chứng minh rằng “khám vú lâm sàng của MTE có mức độ chính xác tương tự như của bác sĩ hoặc kết hợp cả hai”.
Sonal Prakesh - giảng viên chính tại Discovering Hands India - đánh giá: “Những trường hợp trên chứng tỏ vai trò quan trọng của MTE trong việc phát hiện sớm, có thể cải thiện đáng kể cơ hội điều trị và phục hồi thành công, đặc biệt là ở những cộng đồng mà việc tiếp cận sàng lọc và chăm sóc sức khỏe bị hạn chế”.
Trao quyền cho phụ nữ
Cuộc sống của Suri đã thay đổi đáng kể từ khi cô tham gia Discovering Hands. Từng là một người nội trợ và phụ thuộc vào gia đình, hiện tại, cô đã tự chủ tài chính và có thể lo được cho con trai mình thông qua công việc là một MTE, với mức lương khởi điểm 17.000 rupee (154 bảng Anh) mỗi tháng. “Tôi từng cảm thấy mình là người mù duy nhất trên thế giới và tất cả những gì tôi có thể làm là ngồi ở nhà và trở thành gánh nặng cho gia đình. Khi tôi biết phụ nữ mù có thể sống tự lập, điều đó đã khuyến khích tôi nỗ lực tập luyện” - Suri bộc bạch.
Prakesh đã thấy dự án có thể trao quyền cho phụ nữ như thế nào. Cô chia sẻ: “Câu chuyện của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Một số người xuất thân từ hoàn cảnh rất khó khăn và giờ họ kiếm được nhiều tiền để chăm lo gia đình”.
Theo Prakesh, ngày càng nhiều phụ nữ muốn tham gia dự án vì cơ hội việc làm có sẵn. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn tài trợ, phần lớn đến từ ngân sách CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) của các công ty tư nhân, có thể là một thách thức. Mỗi người tham gia trải qua 9 tháng đào tạo, 3 tháng thực tập. Dù vậy, sau khi hoàn tất khóa đào tạo, có thể khó thuyết phục các trung tâm y tế địa phương tuyển dụng họ.
Khanna Sodhi cho biết thông thường, việc bác sĩ khám vú chỉ mất vài phút nhưng MTE mất nhiều thời gian hơn đáng kể và cần một phòng riêng. Vì vậy, việc tìm việc làm trong bệnh viện đã trở thành một thách thức lớn vì nhiều bệnh viện thiếu không gian.
Hoffman cũng lưu ý đến tiềm năng của MTE trong các chẩn đoán khác như u lympho, ung thư miệng và bệnh tăng nhãn áp cùng khả năng của MTE là nam giới trong ung thư tinh hoàn và tuyến tiền liệt. Hy vọng mọi người trên khắp Ấn Độ sẽ không chỉ được hưởng lợi từ việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe phòng ngừa mà đây còn là cơ hội để có một công việc ý nghĩa.
Hà Thụy