Tri ân 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023)

Chuyện về những bác sĩ sửa lỗi của tạo hóa

27/02/2023 - 06:32

PNO - Điều trị thành công các loại bệnh về tâm lý cho trẻ, đốt điện cứu sống bệnh nhân suy tim nặng, chỉnh cột sống cong vẹo thành thẳng đứng… là những chiến công thầm lặng của các bác sĩ ở TPHCM.

Kiên trì "nắn chỉnh" tâm lý bệnh nhi

Từ nhỏ, tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - đã đi tu ở nhà dòng. Một ngày nọ, mẹ ông bị đột quỵ, được đưa vào BV Chợ Rẫy. Bà hôn mê sâu, nằm viện hơn 4 tháng. Bấy giờ, chàng trai tuổi đôi mươi Đinh Thạc đã xin phép cha bề trên ra ngoài để chăm sóc mẹ. 

Trong thời gian chăm mẹ ở BV, nhìn thấy sự tận tâm, vất vả của các y, bác sĩ, chứng kiến nỗi đau khổ về thể xác và tinh thần của các bệnh nhân, Đinh Thạc đã nguyện rằng, nếu mẹ hồi phục thì sau này mình sẽ làm gì đó có ích cho bệnh nhân. May mắn là mẹ ông hồi phục. Vậy là Đinh Thạc quyết định thi và đậu đại học ngành y khoa năm 21 tuổi.

Mỗi ngày, Khoa Tâm lý của BV Nhi Đồng 1 khám cho khoảng 30 trẻ chậm nói. Ở thể chậm nói đơn thuần (do tác động từ môi trường, xã hội), nếu được can thiệp trước 6 tuổi, khả năng hồi phục và hòa nhập của trẻ lên tới 90%. 

Bác sĩ Đinh Thạc làm việc ở BV Nhi Đồng 1 từ năm 1997 trong lĩnh vực nội nhi. Nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực điều trị tâm lý trẻ, ban giám đốc BV đã cử ông dự nhiều khóa đào tạo về tâm lý. Năm 2018, bác sĩ Đinh Thạc chính thức quản lý Khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1. Đây là nơi điều trị cho các trẻ chậm nói, bị rối loạn tâm lý, cảm xúc, hành vi… 

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Ảnh: Thanh Huyền
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Ảnh: Thanh Huyền

Chiều 22/2, gặp chúng tôi, gương mặt của bác sĩ Đinh Thạc vẫn còn phảng phất buồn. Ông cho biết, vừa làm công tác tâm lý cho mẹ của một bé trai mắc bệnh hiểm nghèo. Bé trai này 15 tuổi, suy tim rất nặng. Trước khi đến BV Nhi Đồng 1, gia đình đã đưa bé tới nhiều cơ sở y tế khác nhưng đều nhận câu trả lời là tiên lượng rất xấu. Người mẹ lại đang mang bầu đứa con thứ hai, chỉ vài ngày nữa là sinh nở. Quá mệt mỏi nên mẹ đã xin cho bé xuất viện, về nhà chờ chết. Nhận được tin, bác sĩ Đinh Thạc đã đến Khoa Tim mạch gặp riêng người mẹ, thuyết phục chị còn nước còn tát, không cho bé xuất viện. 

Đang ngồi trong phòng, bác sĩ Đinh Thạc nghe tiếng trẻ con nói chuyện líu lo. Một phụ nữ dắt theo bé trai chừng 7 tuổi. Đứa bé nhanh nhảu: “Con chào bác sĩ ạ”. Bà mẹ trẻ hỏi bác sĩ Thạc có nhận ra bé N.P.A. không? Cách đây 4 năm, bé bị chậm nói. Chính bác sĩ Đinh Thạc đã điều trị cho bé, giúp bé nói chuyện và đi học được. Năm nay, bé đã học lớp Hai, không những nói được mà còn nói rất nhiều. Người mẹ dẫn con trở lại BV để cảm ơn bác sĩ. 

Bác sĩ Đinh Thạc không thể quên câu chuyện về bé gái N.T.M.D. - 11 tuổi, ở huyện Bình Chánh. Khi được mẹ đưa đến khám, cô bé tỏ rõ sự chống đối, thậm chí thù ghét mẹ. Người mẹ kể, do không muốn mẹ có thêm em bé nên khi thấy mẹ mang thai, M.D. giấu dao, định tấn công mẹ. Bác sĩ Đinh Thạc đã gặp riêng bé M.D. Bằng một vài kỹ thuật giao tiếp, bác sĩ đã dần nhận được sự tin tưởng từ cô bé. 

M.D. kể, cha mình qua đời do tai nạn giao thông, mẹ đi lấy chồng mới. Hiện nay, mẹ và chồng mới cùng M.D. sống chung trong một phòng trọ. Bé cảm thấy mình bị bỏ rơi. Bác sĩ Đinh Thạc đã tìm cách tháo gỡ khúc mắc trong mối quan hệ giữa mẹ và con, khuyên người mẹ quan tâm nhiều hơn đến con gái, tạo cho bé một góc riêng để bé cảm thấy mình được tôn trọng. Những lần tái khám sau, tinh thần M.D. tốt lên rõ rệt, mối quan hệ của bé và mẹ cũng được cải thiện rất nhiều.

Hiện bác sĩ Đinh Thạc vẫn độc thân. Ông muốn dành toàn bộ thời gian để cống hiến nhiều nhất cho các bệnh nhi kém may mắn, có hoàn cảnh khó khăn. 

Hồi sinh những bệnh nhân suy tim nặng

Đang đốt điện sinh lý để điều trị rối loạn nhịp cho bệnh nhân, điện thoại của thạc sĩ, bác sĩ Trần Lê Uyên Phương - Phó khoa Điều trị rối loạn nhịp, BV Chợ Rẫy - liên tục rung lên. Đồng nghiệp báo khẩn: “Nam, hơn 20 tuổi, nhịp nhanh thất dai dẳng, không đáp ứng với thuốc chống loạn nhịp, suy tim nặng, chức năng tâm thu thất trái chỉ còn 20%, ổ loạn nhịp không điển hình, huyết áp khó đo, giảm tưới máu ngoại biên, nếu không đốt điện ngay, bệnh nhân chắc chắn tử vong”. Không chần chừ, bác sĩ Phương trả lời: “Đưa bệnh nhân sang”.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp trong cuộc phẫu thuật ghép thận cho bé trai 15 tuổi vào tháng 8/2022 ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp trong cuộc phẫu thuật ghép thận cho bé trai 15 tuổi vào tháng 8/2022 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bấy giờ là 20g tối, nếu tập trung tối đa cho bệnh nhân đang làm thủ thuật, chị sẽ kịp đón trường hợp nguy cấp kia. 2 giờ sau, bệnh nhân được chuyển đến. Đây là ca suy tim cấp do nhịp nhanh thất, vị trí triệt đốt ổ rối loạn nhịp khó tiếp cận, tỉ lệ thành công thấp, tình trạng suy tim tiến triển kèm huyết áp thấp làm tăng rủi ro cho thủ thuật. Thêm nữa, bệnh nhân là một thanh niên, khi nhập viện vẫn còn tỉnh táo, nên rất dễ xảy ra tranh cãi nếu ca triệt đốt điện thất bại. 

Mặc sự ái ngại của mọi người, bác sĩ Phương cùng đồng nghiệp đẩy băng ca vào phòng. Hơn 2 giờ căng thẳng lập bản đồ giải phẫu điện học 3 chiều trong buồng tim, chị triệt đốt thành công ổ rối loạn nhịp nhanh thất từ vùng thành dưới gần mỏm thất phải. Sau ca điều trị, huyết áp bệnh nhân được cải thiện, chỉ số sinh hiệu ổn định. Mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm giữa đêm khuya.

Mỗi lần gọi điện thoại hỏi thăm bệnh nhân, nghe đầu dây bên kia cười nói, khoe đang đi chơi với gia đình, bác sĩ Trần Lê Uyên Phương vui lắm. 

Đây là một trong hàng ngàn bệnh nhân rối loạn nhịp nhanh được cấp cứu, điều trị thành công bằng phương pháp triệt đốt điện sinh lý của Khoa Điều trị rối loạn nhịp, BV Chợ Rẫy. Trước đây, người bị rối loạn nhịp nhanh chỉ uống thuốc, tốn kém chi phí, tái khám nhiều lần mà vẫn có thể lên cơn rối loạn nhịp bất cứ lúc nào, nhẹ thì hồi hộp, chóng mặt, mệt mỏi, nặng thì ngất xỉu, suy tim, suy hô hấp, tử vong. Khi thuốc không còn đáp ứng, người bệnh có thể bị suy giảm chức năng tim do rối loạn nhịp tim kéo dài. “Phương pháp triệt đốt điện sinh lý có thể điều trị dứt điểm nguyên nhân rối loạn nhịp tim, qua đó giúp cơ tim hồi phục cả về kích thước lẫn chức năng” - bác sĩ Trần Lê Uyên Phương nói.

 

Bác sĩ Trần Lê Uyên Phương - Ảnh: Văn Đạt
Bác sĩ Trần Lê Uyên Phương - Ảnh: Văn Đạt

Khoảng từ năm 2010 trở về trước, chưa nhiều người ở Việt Nam quan tâm đến bệnh rối loạn nhịp tim nên đa số bệnh nhân bị rối loạn nhịp, cơ tim đến cấp cứu đều thất bại. Khi nhập viện, người bệnh vẫn còn tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng chỉ trong tích tắc, bệnh chuyển biến nặng gây tử vong khiến người nhà bệnh nhân bức xúc, đổ lỗi cho bác sĩ. Sau khi được sang Pháp học về triệt đốt điện sinh lý để điều trị rối loạn nhịp nhanh, bác sĩ Trần Lê Uyên Phương mới định hình được bệnh lý cũng như tầm quan trọng của thủ thuật này. Sau khi học xong, chị từ chối lời mời làm việc ở Pháp, trở về Việt Nam với mong muốn mọi người quan tâm hơn về việc tầm soát và điều trị bệnh này.

Bác sĩ Trần Lê Uyên Phương nhớ lại, ban đầu triển khai phương pháp mới, nhân sự thiếu, thiết bị khá chập chờn, ca bệnh lại không liên tục… khiến chị rất nản. Đang lúc mệt mỏi, chị nhận được cuộc gọi của bác sĩ ở tỉnh Bình Định nhờ hỗ trợ. Bệnh nhân hơn 50 tuổi, không còn đáp ứng thuốc, sẽ tử vong nếu không được can thiệp bằng thủ thuật. Khi đến BV Chợ Rẫy, nữ bệnh nhân nói với bác sĩ Phương: “Tôi đến đường cùng rồi, bác sĩ cứ làm đi, được thì tốt, không được thì tôi cũng vui vì bác sĩ đã làm hết sức rồi”. 

Sau nhiều giờ, bác sĩ Phương đã triệt đốt ổ rối loạn nhịp nhanh thất thành công. Nữ bệnh nhân hồi phục chỉ sau 2 ngày triệt đốt, quay về với cuộc sống khỏe mạnh. 

Mang đến đoạn đời mới cho người cong vẹo cột sống

Nhìn bức ảnh được N.H.D. - 20 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long - đăng lên trang mạng xã hội, ít ai biết thanh niên này đã phải trải qua 17 năm sống tự ti, khép kín. Sau khi được bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Nhựt Tâm - Chủ tịch Liên chi hội Cột sống TPHCM, Trưởng đơn vị Cột sống, BV Trưng Vương - phẫu thuật, N.H.D. đã thực sự bắt đầu đoạn đời mới, đã bước vào đại học, cởi mở, hay cười. 
 

Bác sĩ Hồ Nhựt Tâm và bệnh nhân N.H.D. - ảnh: BSCC
Bác sĩ Hồ Nhựt Tâm và bệnh nhân N.H.D. - ảnh: BSCC

n N.H.D. nói: “Ca mổ đó như một phép màu, giúp cuộc sống của em hồi sinh”. D. bị hội chứng Marfan, cột sống cong vẹo 180 độ. Bạn bè cứ trêu chọc cậu là “người rắn”. Mẹ D. đã đưa D. đi khắp các BV chữa trị nhưng các BV chỉ cho uống thuốc giảm đau bởi bệnh của D. quá nặng, có thể gây liệt hoặc tử vong nếu phẫu thuật. “Năm em 17 tuổi, em đọc được một bài viết về bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, thế là mẹ con em liền đến BV Trưng Vương” - D. kể.

Do D. là con duy nhất nên khi nghe bác sĩ tư vấn về ca đại phẫu, mẹ của D. khuyên em về nhà. Nhưng D. nói với bác sĩ Tâm: “Con không muốn làm người rắn. Bác sĩ cứ mổ cho con”. Bác sĩ Tâm đồng ý. Để chuẩn bị cho ca đại phẫu, bác sĩ Tâm đến gặp thầy của mình là giáo sư Võ Văn Thành - cố vấn của BV Trưng Vương - để cùng lên phương án, tìm thiết bị, máy móc phù hợp. Mặt khác, anh cũng nhờ các bác sĩ về dinh dưỡng, hô hấp, vật lý trị liệu nâng thể trạng, tập thở lại cho D. suốt 1 năm ròng.

Bác sĩ Hồ Nhựt Tâm nhớ lại: “Khoảng đầu tháng 10/2019, tôi và ê kíp mổ cắt đĩa sống, sau đó cho D. kéo tạ đầu với số ký nâng dần, từ 8kg tới 12kg để điều chỉnh cơ quan nội tạng về đúng vị trí. Nửa tháng sau, D. tiếp tục lên bàn mổ để nắn chỉnh vẹo bằng 3 thanh nối, cố định trong không gian 3 chiều lối sau bằng 23 ốc chân cung, hàn xương tự thân. May mắn là cả hai ca mổ đều thành công, cột sống của D. được trả về dáng thẳng đứng, cao thêm 8cm”. 

Trước mỗi ca mổ, bác sĩ Hồ Nhựt Tâm luôn tìm hiểu tâm tư, tình cảm, điều kiện kinh tế của bệnh nhân để tìm cách giúp đỡ, quyết không để họ bỏ điều trị chỉ vì không đủ chi phí.

Sau mổ, D. trải qua hơn 3 tháng chăm sóc hậu phẫu cho đến khi vết thương lành hẳn. Nhìn con tự tin bước đi, người mẹ vỡ òa hạnh phúc. Cuộc sống của D. cũng hồi sinh từ đó. D. tự tin hòa nhập với bạn bè, tham gia các phong trào của trường, lớp. Hiện tại, D. đã trở thành sinh viên. 

Bác sĩ Hồ Nhựt Tâm nói: “Khó nhất trong cân chỉnh ốc chân cung là phải đúng biên độ. Chỉ cần sai 1 con ốc là nguy hiểm xảy ra ngay. Ban đầu, tôi cũng hơi ngại, nhưng vì D. còn quá trẻ, lại có nhiều hoài bão, ước mơ nên tôi muốn cố hết sức để em có được cuộc sống chất lượng hơn”.

D. là một trong hàng trăm bệnh nhân vẹo cột sống từ 11 đến hơn 50 tuổi được Đơn vị Cột sống, BV Trưng Vương điều trị. Trong đó, ca mổ chỉnh sẹo rút cho nữ bệnh nhân N.L.H.P. - 26 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang - đã gây tiếng vang trong nền y học trong và ngoài nước bởi trước đó, y văn thế giới chưa từng ghi nhận ca tương tự. Khi nhắc lại ca này, bác sĩ Hồ Nhựt Tâm khiêm nhường: “Do tôi may mắn được học các phương pháp điều trị, phẫu thuật tiên tiến mà giáo sư Võ Văn Thành truyền thụ và cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm mà giáo sư dành cho bệnh nhân”.

Phạm An - Thanh Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI