Chuyện về người từng 3 lần muốn từ bỏ nhiệm vụ

09/06/2023 - 10:00

PNO - Chị Đỗ Liên Ngọc Lý - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, phường 2, quận 6, TPHCM đã có 25 năm nợ duyên cùng hội.

Cách đây chừng 10 năm, chị Đỗ Liên Ngọc Lý - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, phường 2, quận 6, TPHCM - từng trao học bổng cho 1 em học sinh có mẹ bệnh ung thư, cha thất nghiệp, bà ngoại già yếu. Vì hoàn cảnh nên mỗi ngày em học sinh này đều dậy rất sớm để phụ bà dọn hàng cà phê dạo và ôn bài trước khi đến trường. Không có điều kiện để học hành như các bạn, nhưng điểm số của em không khi nào dưới 9. Tốt nghiệp THPT, em được tuyển thẳng vào Trường đại học Sư phạm TPHCM. “Em học sinh” ấy giờ là cô giáo Trần Thị Thu Lý, đang dạy ở Trường tiểu học Phạm Văn Chí (phường 8, quận 6). 

Chị Ngọc Lý chuẩn bị quà cho chương trình Phiên chợ yêu thương - ẢNH: T.T
Chị Ngọc Lý chuẩn bị quà cho chương trình Phiên chợ yêu thương - ẢNH: T.T

“Má Lý thực sự rất tốt bụng, má không chỉ giúp mình bớt gánh nặng về kinh tế, mà còn ổn định được tinh thần để có ngày hôm nay” - cô giáo Thu Lý nói về chị Đỗ Liên Ngọc Lý.

Tham gia công tác hội từ năm 1998, đến nay chị Ngọc Lý đã vận động được gần 200 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 2 triệu đồng. Lần nọ, khi đang giúp một phụ nữ đi khám bệnh, chị Ngọc Lý nhận được cuộc gọi từ chi hội rằng cần thêm 100 chai dầu ăn làm quà cho những phụ nữ khó khăn. Trong lúc chị còn chưa kịp phản ứng thì người đi cùng đã ngỏ lời hỗ trợ vì biết chị làm việc thiện. Chị Ngọc Lý cũng là người sáng tạo ra quỹ tương trợ để hạn chế tình trạng chị em vì gánh nặng kinh tế mà phải đi vay nặng lãi. Hằng tháng, mỗi thành viên đóng 200.000 đồng, tổng tiền sẽ được trao xoay vòng cho chị em mà không tính lãi. 

Mỗi năm, chị cùng chi hội và Hội LHPN phường 2 tổ chức 4 phiên chợ yêu thương, trao tặng khoảng 400 phần nhu yếu phẩm cho hội viên, phụ nữ khó khăn. Với quan niệm “trao cần câu chứ không trao con cá”, chị Ngọc Lý cũng thường vận động trao sinh kế, thúc đẩy chị em tham gia các khóa học nấu ăn, làm bánh, tham gia gian hàng khởi nghiệp để có ý thức tự chủ kinh tế gia đình. 

Nhờ những nỗ lực không ngừng mà tại chi hội của chị Ngọc Lý, 100% phụ nữ trên 18 tuổi đều tự nguyện tham gia vào công tác hội. “Mình luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ không phải vì mình giỏi, mà vì mình thấy được hiệu quả mà nó mang lại cho tất cả mọi người” - chị khẳng định. 

Năm 2015, gia đình chị Ngọc Lý tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP). Đến năm 2019, chị lại tham gia hoạt động nuôi sinh viên Lào, đến nay chị đã hỗ trợ được 5 em. Không chỉ cung cấp chỗ ở, chị còn xem các bạn như con cái trong nhà. Mỗi dịp cuối tuần, chị lại tổ chức họp mặt, hướng dẫn các bạn nấu các món đặc sản của Việt Nam và học nấu các món ngon của nước bạn. Ngày lễ, chị tranh thủ đưa các bạn đi tham quan những địa điểm văn hóa, lịch sử của thành phố. Các bạn cần gì chị Lý đều tận tình. “Gia đình cảm thấy rất hạnh phúc khi có sự góp mặt của các bạn, chúng tôi không chỉ hiểu thêm văn hóa của nước bạn, mà còn được tự hào giới thiệu về đất nước Việt Nam xinh đẹp” - chị Ngọc Lý bộc bạch. 

Trong 25 năm đồng hành cùng hội, đã có 3 lần chị Ngọc Lý muốn từ bỏ nhiệm vụ của mình. Lần đầu là khi chị mới tham gia và chưa thích nghi. Lần thứ hai là 10 năm sau đó, khi mọi thứ đã đi vào lối mòn. Và lần cuối là vào thời điểm con gái sắp tốt nghiệp đại học, gia đình bị xáo trộn về kinh tế. “Mình đã từng nghĩ tại sao mình phải đi lo cho người khác, trong khi gia đình mình đang rất khó khăn. Nhưng khi tự hỏi là “có thích làm hay không?” thì mình lại trả lời là “có”, và thế là mình lại làm tiếp, vấp ngã ở đâu đứng lên ở đó” - chị kể lại. 

Cho đến thời điểm này, chị Lý vẫn chưa rõ công tác hội là một cái duyên hay một cái nghiệp. Nhưng chị biết rằng niềm vui lớn nhất là được giúp đỡ được thật nhiều người. Cứ khi nào còn thở, thì chị hẳn còn làm. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI