|
Anh Trần Thạch Cương - người làm nhiệm vụ treo cờ Tổ quốc ở kỳ đài Huế hơn 23 năm qua |
Tình yêu với lá cờ tổ quốc
Tôi tình cờ biết anh Trần Thạch Cương trong dịp quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 11/10/2013. Khi đó, cả nước treo cờ rủ và tôi đến kỳ đài Huế để ghi hình nghi lễ treo cờ.
Sau phần nghi lễ, một người đàn ông dáng rất nhanh nhẹn thắt dây an toàn vào người rồi thoăn thoắt leo lên đỉnh cột cờ. Anh cẩn trọng hạ lá cờ Tổ quốc dài 12m, rộng 9m xuống 1/3 cột cờ rồi buộc vào đó dải lụa đen. Lá cờ đã thôi tung bay như nỗi tiếc thương của toàn dân tộc dành cho vị Đại tướng huyền thoại. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh chậm rãi tụt xuống và mắt anh ngấn nước.
Mãi đến gần 10 năm sau, khi ngồi đợi khách tham quan Đại Nội, tôi mới biết người làm nhiệm vụ thượng cờ ở kỳ đài Huế là anh Trần Thạch Cương - 49 tuổi, ở đường Xuân Diệu, phường Trường An, TP Huế. Anh là con trai của cố nhà văn Trần Hồng Nhu - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, từng đoạt nhiều giải thưởng văn học từ trung ương đến địa phương, trong đó có những tác phẩm gây tiếng vang trong làng văn học như Lễ hội ăn mày, Vịt trời lông tía bay về.
Anh Cương nhẩm tính, anh được đơn vị giao nhiệm vụ treo và hạ cờ trên kỳ đài Huế đúng 23 năm 7 tháng. Năm 2000, nhận việc ở tổ bảo vệ kỳ đài, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, anh được tổ trưởng hỏi “có biết leo, trèo không, có sợ độ cao không”, anh liền đáp “dạ làm được”. Lúc đó, vị tổ trưởng dẫn anh đến chân kỳ đài, chỉ lên cột cờ rồi dặn: “Cột cờ có 3 tầng lan can. Ngày đầu, cứ leo lên lan can thứ nhất, ngày thứ hai leo tiếp lan can thứ hai, ngày thứ ba leo lên lan can cuối cùng”. Nhưng chỉ trong ngày đi làm đầu tiên, anh Cương đã leo tuốt lên đỉnh cột cờ.
Trong khoảnh khắc say sưa kể về “nghiệp” giữ cờ Tổ quốc, giọng anh tự hào: “Vào mùa hè, thời điểm cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh kỳ đài đẹp nhất là tầm 9 - 10g mỗi sáng và khoảng 2g chiều, lúc đó đứng từ phía nào của TP Huế cũng đều dễ dàng nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay”.
Theo anh Cương, việc treo cờ không hề đơn giản, trước tiên, người treo cờ phải xác định mặt phải và trái của lá cờ tính từ mặt đất lên, sau đó cột lá cờ vào dây ròng rọc rồi một người ở dưới quay ròng rọc, người kia leo lên cột cờ; khi đến đỉnh cột, mới từ từ tháo cờ ra để cờ bay theo hướng gió. Nếu tính theo phiên trực thì trung bình mỗi ngày, tổ trực phải chỉnh sửa và gỡ cờ từ 2-3 lần. Người treo cờ cần đoán được hướng gió, đoán ngày nào trời sắp mưa, sắp có bão để buộc cờ hoặc hạ cờ.
|
Cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh kỳ đài Huế |
Đối diện hiểm nguy mỗi ngày
Hơn 23 năm phụ trách công việc kéo cờ, hạ cờ, chỉnh cờ trên đỉnh kỳ đài, anh Cương có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Anh nói, kỷ niệm xúc động nhất chính là lúc treo cờ rủ trong lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai là khi sắp đến giờ truyền hình trực tiếp chương trình “Hành trình mở cõi” trong khuôn khổ Festival Huế 2010 thì gió to, sấm chớp ập đến khiến lá cờ Tổ quốc bị rách hơn 1,2m. Để “chữa cháy”, 12 thanh niên tình nguyện đã đến néo dây buộc để cờ nằm yên, còn anh Cương một mình leo lên cột, vá cờ trong đêm tối. Khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu cũng vừa kịp lúc chương trình “Hành trình mở cõi” bắt đầu.
Mặc dù đã quá quen với công việc nhưng mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, anh Cương đều được 3 cô con gái cùng vợ dặn dò kỹ lưỡng: “Nhớ đeo dây bảo hộ nghe ba”. Đó là vì công việc kéo và hạ cờ khá nguy hiểm. Anh kể: “Mùa mưa gió, cầu thang trơn trượt nên việc leo lên đài cờ và cột cờ rất khó khăn. Khi leo lên rồi, anh phải gồng tay, gồng chân để bám chắc. Hằng ngày, anh em chúng tôi phải leo lên cột cờ 2-3 lần để gỡ cờ do gió liên tục đổi hướng. Có khi, anh em trực đêm ở khu kỳ đài vắng người, rất nguy hiểm nếu gặp kẻ xấu”.
Gần 1 năm nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tăng cường thêm “lính mới” tên là Đặng Ngọc Thành (sinh năm 1995) cùng anh Cương thay phiên treo cờ, hạ cờ.
Ông Lê Công Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - cho biết, việc trông coi, canh giữ, kéo cờ, gỡ cờ và hạ cờ đòi hỏi tính chuyên môn cao bởi lá cờ có kích thước và có trọng lượng khá lớn, phải 2 người khỏe mạnh mới gánh nổi và khi treo lên cũng rất vất vả. Kỳ đài rất cao, rất gần sông Hương nên chịu nhiều luồng gió mạnh từ nhiều hướng khác nhau khiến lá cờ dễ bị cuốn, cần có những người chuyên nghiệp gỡ cờ, đảm bảo cho lá cờ tung bay đẹp và có tuổi thọ bền.
Hiện nay, các trang thiết bị hiện đại cũng đã giúp người treo cờ an toàn hơn, lá cờ cũng được may bằng loại vải nhẹ hơn trước.
“Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả”
Ngoài nhiệm vụ bảo quản, treo cờ, gỡ cờ và hạ cờ trên kỳ đài, anh Cương cùng anh Đặng Ngọc Thành còn luân phiên trực bảo vệ di tích theo sự phân công của đơn vị và chào đón khách đến tham quan Đại Nội trong di tích Kinh thành Huế như những nhân viên bảo vệ khác. Mỗi tháng, ngoài tiền lương, anh Cương được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hỗ trợ thêm 2 triệu đồng cho việc giữ cờ.
Anh Cương nghiêm nghị: “Được treo lá cờ Tổ quốc ở vị trí trang trọng nhất của Kinh thành Huế là một vinh dự lớn. Tôi chỉ mong sau này, lớp anh em trẻ kế cận luôn tận tâm, có tình yêu đặc biệt với lá cờ Tổ quốc, không ngại khó, ngại khổ. Phải biết đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà đơn vị đã giao phó cho mình”.
Di tích kỳ đài nằm ở vị trí trung tâm TP Huế, là biểu tượng của mảnh đất cố đô. Đây cũng là địa điểm thu hút du khách đến tham quan trong quần thể di tích Kinh thành Huế. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên kỳ đài ở Ngọ Môn đã ghi vào sử sách về một mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên đất cố đô. Gần 8 thập niên qua, lá cờ phấp phới tung bay trên đỉnh kỳ đài Huế là biểu tượng thiêng liêng gắn liền với lịch sử đấu tranh, giành độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước.
“Để hun đúc tình yêu đất nước và tiếp nối truyền thống cha anh cũng như gìn giữ sự thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc, chúng tôi luôn tuyển người giữ cờ từ những gia đình có truyền thống yêu nước. Vì vậy những người giữ cờ cũng phải luôn tự hào về nhiệm vụ của mình” - ông Lê Công Sơn nói.
Kỳ đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ sáu (1807), nằm chính giữa mặt nam của Kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh. Kỳ đài gồm 2 phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ cao tổng cộng khoảng 17,5m gồm 3 tầng hình chóp cụt chồng lên nhau; tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao khoảng 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m. Cột cờ xưa được làm bằng gỗ, gồm 2 tầng, cao gần 30m. Năm 1948, cột cờ được làm lại bằng bê tông cốt sắt, có tổng chiều cao 37m. Hiện nay, ở khu vực kỳ đài cũng là nơi diễn ra các hoạt động về văn hóa, chính trị của tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
Thuận Hóa