Chuyện về mối tình đầu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

09/09/2015 - 07:48

PNO - Nổi tiếng về tài tiên tri, để lại những câu sấm ký huyền bí tiên đoán về thời cuộc nhưng ít ai biết mối tình đầu tuyệt đẹp của Trạng Trình.

Khi nói tới Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta thường nghĩ đến một vị Trạng nguyên tài ba tha thiết với việc dân việc nước, sống liêm khiết, ngay thẳng và đặc biệt là rất giỏi tiên tri, để lại cho đời những câu sấm ký huyền bí tiên đoán về thời cuộc, vận mệnh của một vương triều, một quốc gia trong giai đoạn nhất định, vì vậy ít ai biết rõ về đời tư của ông.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tên chữ là Hạnh Phú, hiệu là Bạch Vân tiên sinh, biệt hiệu Tuyết Giang phu tử; người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay là làng Trung Am xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535), đời Mạc Thái Tông (Đăng Doanh), làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, rồi Thượng thư bộ Lại, tước Trình tuyên hầu, sau được phong tước Trình Quốc Công nên thường được gọi là Trạng Trình.

Chuyen ve moi tinh dau cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem
Tem kỷ niệm danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm (hình minh họa)

Khi đến tuổi trưởng thành, ngoài chuyện học hành, văn chương, thơ phú, Nguyễn Bỉnh Khiêm có sở thích cùng bạn bè dạo chơi, thăm thú các danh lam, thắng cảnh và trong một lần đi du ngoạn, ông đã gặp mối lương duyên đầu tiên của mình. Hôm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi qua đất Hà Dương (nay là xã Hà Dương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thì tình cờ gặp một cô gái đi gánh nước. Trông “người yểu điệu, nét hảo cầu”, duyên dáng, xinh đẹp khiến cho chàng trai họ Nguyễn ngẩn ngơ, xao xuyến đem lòng yêu mến, cứ tiến đến gần nhìn say đắm làm cô gái xấu hổ vứt cả quang gánh bỏ chạy.

Nguyễn Bỉnh Khiêm giật mình như tỉnh mộng vì hành động có phần “sỗ sàng” của mình nhưng không biết nói sao chỉ trông theo thở dài. Chợt thấy chiếc đòn gánh dưới đường, chàng cúi xuống nhặt lên và nảy ra một ý, viết lên trên đó bốn chữ “Huyền lý hảo cầu” rồi bỏ đi.

Cô gái chờ cho chàng trai lạ mặt đi xa mới quay lại lấy đòn gánh, đọc thấy dòng chữ nhưng không hiểu có ý là gì bèn vội vàng trở về thưa chuyện với cha. Thấy con gái mình mặt còn đỏ lên vì ngượng, lại hỏi ngay ý tứ của dòng chữ trên đòn gánh, biết có chuyện vui, người cha đọc to bốn chữ rồi cười lớn và giải thích “Huyền lý hảo cầu” nghĩa là từ nơi xa đến tìm điều tốt lành. Nói xong ông hỏi con gái:

- “Ai viết cho con những chữ này?”.

Cô gái đáp:

- “Dạ, đó là một anh học trò qua đường!”.

Nghe xong, ông lại cười mà nói:

- “A, phải chăng chàng trai này muốn nói mình từ nơi xa đến tìm người con gái tốt để làm hồng nhan tri kỷ? Với khẩu khí này ta đoán cậu ta là học trò yêu của quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng chứ không sai”.

Thấy cha vui cười, lòng cô gái xốn xang vội lánh vào phòng để che giấu tình cảm của mình đang thể hiện rõ trên khuôn mặt xinh đẹp. Dù không dám hỏi nhưng cô đã biết rõ tên của người ấy, một chàng trai nổi tiếng thông minh mà cha cô thường khen ngợi mỗi khi nhắc tới những học trò của người bạn đồng liêu.

Chuyen ve moi tinh dau cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem
"Tình trong như đã, mặt ngoài còn e" (Tranh minh họa)

Không lâu sau đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận được giấy mời của cha cô gái gánh nước mà chàng tình cờ đã gặp và kể từ đấy cuộc tình duyên thắm đẹp giữa hai người chính thức được bắt đầu với sự vun vén của hai gia đình, cuối cùng là lễ thành hôn của đôi trai tài gái sắc.

Các tư liệu không cho biết tên người vợ cả (chính thất) của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ biết rằng bà họ Dương, hiệu là Từ Ý, ái nữ của Dương Đức Nhan, ông đỗ tiến sĩ năm Quý Mùi (1463), làm quan đến Hình bộ hữu thị lang, tước Dương xuyên hầu và là tác giả của tuyển tập thơ 5 quyển rất nổi tiếng gọi là “Tinh tuyển chư gia luật thi” (gọi tắt là Tinh tuyển thi tập, Cổ kim thi gia tinh tuyển), gồm 472 bài thơ của 13 tác giả từ cuối đời Trần đến đầu thời Lê.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI