Chuyện về cụ ông 97 tuổi viết báo nuôi sinh viên nghèo

29/08/2022 - 06:32

PNO - Qua khỏi cầu Bến Ngự, rẽ vào kiệt 65 đường Phan Bội Châu, TP.Huế, hỏi nhà báo Nguyễn Xuyến thì ai cũng có thể chỉ đường. Hơn 40 năm làm báo nghiệp dư, nhà báo Nguyễn Xuyến dùng phần lớn nhuận bút để giúp đỡ các sinh viên nghèo. Ông Xuyến sinh năm 1925, nay đã 97 tuổi.

Tiếp sức sinh viên nghèo

Mời tôi vào nhà rồi ông Xuyến kể, ông sinh ra trong một gia đình giàu có ở Bình Định. 13 tuổi, ông được cha mẹ cho ra học tại Trường Quốc học Huế. Những bài thơ đầu tay của ông thường được các thầy giáo dạy văn trong trường như Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên đọc và động viên. Nhờ việc giao lưu, gặp gỡ thường xuyên với những bạn thơ cùng lớp như Bùi Giáng (1926-1998), Dương Tường (1926-1953) mà tình yêu thơ văn đã hình thành trong ông.

Dù lớn tuổi nhưng mỗi ngày cụ Xuyến dành thời gian ba tiếng để viết báo, và chơi Facebook
Dù lớn tuổi nhưng mỗi ngày cụ Xuyến dành thời gian ba tiếng để viết báo, và chơi Facebook

Trong chiến tranh, 30 năm ông sống ở miền Bắc, công tác trong ngành kinh tế. Đất nước thống nhất, ông chuyển về Thừa Thiên - Huế, làm đến chức Phó giám đốc Công ty Vận tải Ô tô số 3, nhưng ông vẫn mê viết báo. Năm 1983, sau khi nghỉ hưu, ông tập trung hoàn toàn vào việc viết báo, nhưng không bao giờ xưng danh mình là nhà báo. “Tất cả tiền nhuận bút từ viết báo hơn 40 năm qua mình để dành, đến nay đã được 2,7 tỷ đồng. Hằng ngày, mình lên Facebook hoặc xem trên báo đài, thấy có hoàn cảnh thương tâm hay sinh viên nào khó khăn, không có tiền đi học, là mình gọi điện đến chính quyền xác minh gia cảnh và hỗ trợ khẩn cấp cho bà con, tiếp sức cho các cháu tiếp tục đến trường”.

Ông dẫn tôi xuống “tham quan” gian nhà dưới - nơi học tập, sinh hoạt của nhiều sinh viên đã từng ở nhà ông. Từ khu vực tiếp bạn bè cho đến nơi nghỉ ngơi của các bạn sinh viên được ông sắp đặt rất chu đáo. Mở chiếc tủ lạnh đặt gần khu bếp, ông khoe: “Ngày nào cháu con cũng mang thức ăn đến bồi bổ cho hai ông cháu trong nhà. Hết gà lại đến cá, trái cây, hạt sen, đường sữa. Tôi phải bảo cháu Ly (Trần Thị Khánh Ly) đang trọ học tại nhà ăn phụ. Có khi tôi còn bảo cháu rủ bạn bè đến cùng ăn cho vui”.

Từ ngôi nhà ông, đã có 4 sinh viên Trường đại học Y Dược Huế trưởng thành. Gần 10 năm trở lại đây, khi vợ qua đời, chân lại đau do tuổi tác, ông không còn chạy xe đi đâu được nữa. Việc chợ búa, ăn uống đều nhờ cháu Trần Thị Khánh Ly. 

Trong nhà nhỏ của ông Xuyến luôn nuôi một sinh viên ngoại tỉnh, hoặc từ các huyện xa ra học tại Huế. Không chỉ miễn phí chuyện ăn ở, điện nước, những sinh viên trọ học tại nhà ông còn được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng tiền xăng xe, và mua sắm sách vở, giáo trình. “Cách đây vài hôm bác xem ti vi, thấy có một cháu quê ở Tiền Hải, Thái Bình thi đỗ điểm rất cao mà không có tiền lên phố học, bác đã gọi điện cho chủ tịch xã xác minh, sắp tới chắc lấy ít nhuận bút đang gửi ngân hàng làm cho cháu cái sổ tiết kiệm để kịp vào năm học mới. Phải làm thôi, chứ một hai năm nữa, trăm tuổi…” - giọng ông thoáng buồn.

Lan tỏa những điều tích cực 

Vì là nhà báo nghiệp dư nên ông chọn khai thác mảng đề tài truyền thống, lịch sử và quê hương đất nước để giáo dục, nêu gương góp phần lan tỏa những điều tích cực. Một năm có 365 ngày thì gần như ngày nào cũng là ngày “kỷ niệm”, không trong nước thì thế giới. Ngày lễ là dịp để các báo khai thác những vấn đề của lịch sử, những tấm gương anh hùng…

Hơn 40 năm viết báo không chuyên, cụ Nguyễn Xuyến nhận được nhiều bằng khen cho những bài viết về công tác xây dựng Đảng
Hơn 40 năm viết báo không chuyên, cụ Nguyễn Xuyến nhận được nhiều bằng khen cho những bài viết về công tác xây dựng Đảng

Để có bài gửi cho nhiều tờ báo, tạp chí, các trang thông tin sở, ngành khắp cả nước, ông Xuyến khai thác những sự kiện dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Thậm chí ông còn lập cả “Ngân hàng những bài báo viết sẵn”. Khi cần, ông mở ra biên tập lại. Với những ngày lễ lớn, ông lên lịch chuẩn bị bài vở từ đầu năm, tìm tư liệu, tìm “tứ” cho bài viết rồi viết sẵn hàng chục bài.

Bài của ông chỉ khoảng 1.200 chữ và dài lắm cũng chỉ 1.400 chữ, nên các báo rất dễ sử dụng. Trước ngày lễ khoảng một tháng, ông gửi bài đi. Với tạp chí ra hằng tháng, ông gửi sớm hơn. Với báo tuần, báo ngày, ông gửi trước khoảng 15 ngày. Có trường hợp, các báo không nhớ ngày kỷ niệm, nên khi nhận được bài của ông, đã gọi điện cám ơn ông rối rít. Đặc biệt, trong hơn 40 năm làm báo không chuyên, ông đã viết trên 200 bài báo về Bác Hồ. 

Chỉ còn ba năm nữa là nhà báo Nguyễn Xuyến sống tròn thế kỷ. Tài sản vô giá của ông là đại gia đình đông đúc với 5 người con (3 gái, 2 trai), 11 người cháu và 17 chắt. Hiện tại, ông đã tự “giảm chỉ tiêu” cho mình, mỗi năm chỉ viết khoảng 50 triệu đồng nhuận bút. Con cháu khuyên ông nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, nhưng ông vẫn sống với niềm đam mê của mình. Ông nói rằng, khi bước sang tuổi 100, nếu còn sống, ông sẽ thôi viết để dành những ngày tháng còn lại cho việc tuyển chọn khoảng 500 bài báo đã viết trong hơn 40 năm, in trong 5 tập sách để lại cho con cháu trước khi về với tổ tiên. 

Thuận Hóa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI