Chuyện về bà lão nghèo hơn 30 năm lặng lẽ nhặt ve chai làm từ thiện

27/08/2015 - 06:52

PNO - Chuyện về bà lão nghèo hơn 30 năm lặng lẽ nhặt ve chai làm từ thiện.

Nghèo khó, lại phải một thân nuôi con, nhưng hơn 30 năm qua, dù trời mưa hay nắng, người phụ nữ ấy vẫn ngày ngày đi nhặt nhạnh từng mảnh nhựa, tấm giấy vụn bán lấy tiền, dành dụm những đồng bạc lẻ để giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

Làm từ thiện theo cách riêng

Với những người dân ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Gái (SN 1942) ngày ngày đi nhặt vỏ chai nhựa đã trở nên quá quen thuộc. Còn với những người dân ở khu phố Lê Lợi (phường 3, TP Tuy Hòa) thì căn nhà cấp 4 nhỏ bé tại địa chỉ 31/4 Lê Lợi được coi là nơi họ tìm thấy sự đồng cảm, giúp đỡ để vượt qua những lúc ngặt nghèo, hoạn nạn trong cuộc sống.

Chúng tôi đến nhà bà Gái khi bà đang ngồi gấp từng bộ quần áo cũ cho vào túi nilon, xếp ngăn nắp ở góc nhà. Bà cho biết, mình có hẹn với các sinh viên là thành viên của chương trình xã hội từ thiện tiếp sức cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, hay còn gọi là chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai”, nên bà phải thức dậy từ khá sớm để chuẩn bị đâu vào đó, khi các cô cậu sinh viên đến thì có sẵn đồ để mang đi.

Bà Gái cho biết, dù nghèo khó nhưng mỗi tháng bà đều chuẩn bị được một thùng quà trị giá năm, sáu trăm nghìn đồng để tặng cho học sinh nghèo trong chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai”.

Ngoài ra, bà cũng dành dụm được số tiền nhỏ để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó trong chương trình nhịp cầu nhân ái. Tuổi cao sức yếu, hàng tháng, để có những suất quà đi giúp mọi người, bà phải bươn chải, góp nhặt rất vất vả. Tuy nhiên, mỗi lần được nhìn thấy niềm vui của những mảnh đời kém may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của mình, bà Gái thấy như mọi mệt mỏi đều tan biến.

Để có những món quà nhỏ bé nhưng ăm ắp tình cảm đó, hết ngày này sang tháng khác, bà Gái đi khắp nơi trong thành phố nhặt nhạnh phế liệu, xin nhôm nhựa, quần áo cũ, sách vở cũ…

Ngày qua ngày, số phế liệu tích lại dần thành số lượng lớn, đến hàng chục rồi hàng trăm cân, bà mang đi bán và được bao nhiêu thì đem đi giúp đỡ người khác. Quần áo cũ thì bà cũng gom góp lại rồi khi đã được nhiều, bà lại chọn lựa, giặt giũ sạch sẽ, sắp xếp cẩn thận để đi trao tặng.

Chuyen ve ba lao ngheo hon 30 nam lang le nhat ve chai lam tu thien
Bà Gái chuẩn bị quần áo cũ cho những người có hoàn cảnh khó khăn

Bà Gái cho biết, để có thêm nhiều sự giúp đỡ dành cho học sinh nghèo và những mảnh đời bất hạnh, trong quá trình đi nhặt nhạnh phế liệu, bà không quên vận động, kêu gọi sự chia sẻ từ những người tốt bụng. “Ban đầu người ta cũng ái ngại, chưa tin tưởng mình lắm. Nhưng rồi sau đó thấy mình thực lòng thực dạ giúp người, họ mới chia sẻ mỗi người một ít. Có gì đâu, người thì gửi quần áo cũ, người thì sách vở, phế liệu sinh hoạt… nhiều người góp lại thì được số lượng lớn”, bà Gái tâm sự.

Cách làm từ thiện của bà Gái vô cùng đặc biệt. Chỉ cần ở đâu, người nào cần sự giúp đỡ mà nằm trong khả năng thì bà đều giúp hết. Như năm 2008, bà Gái chứng kiến một số trường hợp túng khổ đến nỗi khi chết đi cũng không có tiền lo hậu sự, bà đã cùng với một nhà sư ở chùa vận động, hỗ trợ giúp đỡ. Những năm sau đó, mỗi năm, bà Gái đã giúp đỡ hàng chục cái hòm cho những trường hợp người lang thang, neo đơn hay tứ cố vô thân khi họ mất đi.

Sống là để cho

Bà Gái sinh ra tại huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) trong một gia đình đông anh em. Năm 12 tuổi, cô bé Gái mồ côi cả cha lẫn mẹ bởi chiến tranh, phải sống nhờ vào sự cưu mang của anh chị em trong nhà.

Năm 1965, sau khi học xong phổ thông, bà Gái vào TP Tuy Hòa làm việc. Thấu hiểu được thế nào là bất hạnh khi mồ côi cha mẹ, những ngày tháng làm việc tại đây, bà Gái thường đến cô nhi viện để động viên thăm hỏi những đứa trẻ mồ côi cha mẹ do chiến tranh.

“Hồi năm 1965 - 1966, chiến tranh ác liệt lắm, người chết rất nhiều. Hầu như ngày nào cũng có trẻ mồ côi được đưa đến cô nhi viện. Đó là những đứa trẻ mất cha mẹ trong chiến tranh hay thất lạc gia đình.

Có những đứa bé may mắn sống sót nhưng thương tích. Tôi lúc trước cũng mất cha mẹ do chiến tranh, đã khổ rồi, mà lúc đó nhìn mấy đứa trẻ thì thấy còn khổ hơn. Vậy nên mỗi dịp cuối tuần hay lúc nào rảnh rỗi là tôi lại đến cô nhi viện với các em…”, bà Gái nhớ lại những ngày tháng đầu tiên mình làm từ thiện.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI