Chuyện vặt trong máy giặt

31/05/2024 - 13:36

PNO - Thím trách chú vô tâm, ỷ lại. Chú trách thím thờ ơ. Thím nhất định không kiểm tra quần áo trước khi giặt, bởi chồng mình chưa lú lẫn. Thím thà rửa hàng đống chén còn hơn làm cái việc vô lý đó.

Vợ chồng chú thím tôi đã tròm trèm 60 tuổi. Chú kể vui rằng, gần 40 năm kết hôn mà thím chưa bao giờ tự nguyện thò tay vào kiểm tra các túi áo, túi quần xem chú có bỏ sót gì trong đó, rồi hãy cho vào máy giặt. Cũng vì thím không kiểm tra giúp chú nên khá nhiều vật dụng, giấy tờ (cả những thứ quan trọng) đã bị máy giặt vò hư. Chú đổ lỗi tại thím, những chuyện nhỏ nhặt thế này, vợ phải để mắt giúp chồng mới phải. Chú có “tật”, cái gì có thể cho vào túi được là “quăng” ngay vào túi. Chú hay nói, phụ nữ thường mang theo xách tay, rất tiện. Còn đàn ông, những thứ be bé, biết bỏ đâu ngoài túi áo, túi quần?

Những lúc chú nhờ, thím cực chẳng đã mới thò tay lục túi xem chú có bỏ quên gì trong đó không. Mà mỗi lần kiểm tra, thím bực mình lắm. Công việc của thím quá nhiều. Không lẽ mỗi lần giặt đồ, thím lại phải đi moi cả giỏ quần áo xem chồng, con có bỏ quên gì không? Đó không phải là nhiệm vụ của thím, mà là nhiệm vụ của chính chủ nhân cái áo cái quần. Họ phải tập thói quen kiểm tra trước khi bỏ quần áo vào sọt, nếu không thì chấp nhận chúng sẽ bị máy giặt làm hỏng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Con cái, đứa nào cũng thuộc câu chuyện muôn thuở này của ba mẹ. 2 đứa con trai giống mẹ, chưa bao giờ cho gì vào túi, dù chúng không có... xách tay. Chú tôi, nào hộp quẹt, thuốc lá, giấy bảo hành điện thoại, bảo hành laptop từng bị hỏng vì quên. Chú từng 2 lần ghim cây bút trên túi áo rồi cho vào máy giặt, kết quả là áo bị loang mực, giặt kiểu gì cũng còn dấu vết. Không ít lần giặt đồ, tiền rơi khắp máy giặt, thím gom lại đưa cho chú, rồi ghẹo: “Tôi không phải người tham đâu nhé”.

Thím trách chú vô tâm, ỷ lại. Chú trách thím thờ ơ. Thím nhất định không kiểm tra quần áo trước khi giặt, bởi chồng mình chưa lú lẫn. Thím thà rửa hàng đống chén còn hơn làm cái việc vô lý đó. Thím có nguyên tắc riêng. Quên thì phải tập, phải xây dựng thói quen, bắt đầu từ những việc nho nhỏ. Cái gì tập hoài mà không được? Đàn bà có thể tỉ mẩn, nhưng tỉ mẩn đúng việc.

Sẽ rất bực khi phải làm thay người khác điều mình cho là vô lý. Chuyện dù nhỏ, chú thím tôi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, dù những chuyện lớn lao, khó khăn khác thì họ cùng nhau giải quyết cái một. Chú tôi, thỉnh thoảng vẫn bỏ quên đồ trong túi. Thím tôi, mãi vẫn không kiểm tra các túi áo, túi quần trước khi cho vào máy giặt. Họ chấp nhận những khác biệt, những nguyên tắc, những lý lẽ riêng một cách bình thản, không còn bực dọc khi người kia không thực hiện theo yêu cầu của mình.

Mới đây, khi nhớ ra tờ giấy “note” ghi địa chỉ nơi cần đến để giải quyết công việc, mới hay nó đã bị máy giặt nghiền nát; nhưng chú chẳng còn trách “cái người nguyên tắc đến lạnh lùng” kia. Chú biết mình chưa bỏ được thói quen bất cẩn, nên đành nhấc máy hỏi lại người bạn đã ghi địa chỉ cho chú. Chú nghĩ, những điều khó hơn gấp bội phần còn giải quyết được, chuyện vặt vãnh nằm trong cái máy giặt thì lại bó tay, kể cũng vui.

Hôn nhân mà, dù cả hai đã cố gắng hòa hợp, xây dựng một hạnh phúc thật tròn trịa, nhưng làm sao không có những gợn sóng lăn tăn.

Phi Khanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI