Chuyện vẫn thường vô lý vậy

16/06/2017 - 21:44

PNO - Ai giám sát lương tri của chính mỗi chúng ta trước những câu chuyện vẫn thường vô lý đến vậy?

Chiều qua, tôi đọc thông tin về chị Trần Thị Thanh (SN 1985, là công nhân của Urenco 2 - chi nhánh Hoàn Kiếm) đến phố Hàng Mắm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tuyên truyền nhắc nhở người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định thì bị một số hộ kinh doanh phản ứng. Khi chị Thanh di chuyển ra phố Nguyễn Hữu Huân bình thường thì bị hai đối tượng nam nữ tấn công đến bất tỉnh. Thú thật, tôi không biết phải diễn tả cảm xúc như thế nào.

Chỉ biết là có những câu chuyện đang diễn ra vẫn thường vô lý đến vậy.

Chuyen van thuong vo ly vay

Chị Trần Thị Thanh bị đánh bất tỉnh

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trong phiên chất vấn Quốc hội vừa rồi đã không đưa được giải pháp khi bị chất vấn vì sao giá mỗi km đường cao tốc của nước ta lên đến 12 triệu USD sau khi đã trừ hết chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường… Trong lúc đường cao tốc ở Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng với chúng ta nhưng chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km.

Cũng trong phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói một câu rất lừng lẫy, “Gần 90% người bệnh hài lòng về thái độ phục vụ của nhân viên y tế”. Thú thật là chúng ta không cực đoan, nhưng rõ ràng những ai không may phải đến bệnh viện thì sẽ vô cùng khó hiểu trước kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế về gần 90% người bệnh hài lòng ấy là ai?

Ở thành phố Lạng Sơn, một khu đất vàng chỉ dành cho toàn quan chức của tỉnh, khu đất vàng kèm theo biệt thự. Ở Yên Bái, một biệt phủ xa hoa hiện hữu ngay trên 1,3 ha đất lâm nghiệp được chuyển thành đất ở của Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, em ruột của Bí thư Tỉnh ủy với 6 quyết định hợp thức hóa được ký trong cùng một ngày.

Ở Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh sơ suất đến kỳ lạ khi công khai cả tên tuổi nhân thân người tố cáo những sai phạm, khuất tất của các cán bộ lãnh đạo thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Ở Đắk Lắk, ở Đồng Nai, hai cán bộ cùng chức vụ Phó Ban Nội chính tỉnh đều xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nhưng vẫn cứ loay hoa loay hoay không biết xử lý cách nào.

Ở ngay Thủ đô Hà Nội, cái tòa nhà xây dựng trái phép 8B Lê Trực trơ gan cùng tuế nguyệt gần như bất khả xâm phạm bất chấp cuộc họp nào lãnh đạo cũng đều hô vang cương quyết. Ở ngay TP.HCM, một sân golf cùng khu phức hợp nằm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng cỏ vẫn xanh tốt, đại gia thiếu gia vẫn vung vẫy vui đùa bất chấp từ năm này qua năm khác dư luận phản ứng đến khản giọng…

Nếu như tôi cứ kể theo lối những chuyện vẫn thường vô lý vậy thì e rằng tôi có khả năng kiếm đủ nhuận bút mua nhà. Bởi đơn giản, tuần nào tôi cũng đều đọc trên truyền thông những điều vẫn thường vô lý vậy.

Câu chuyện của chị công nhân Trần Thị Thanh chính là điển hình cho những vô lý vụn vặt trong đời sống của người dân, nhưng như một vết trượt dài nếu chúng ta nhìn thấy những vô lý đang hiện hữu trong đời sống này ở một chốn nào đất, mà tôi quen miệng gọi là chốn quan trường. Vốn dĩ cái xấu cái sai sẽ rất khó chịu khi bị đưa ra ánh sáng, cái tiêu cực cái chưa đúng sẽ xù lông phản ứng tiêu cực với người nêu ra những tồn tại bất hợp lý ấy.

Và cứ như vậy, mỗi ngày sẽ có những thỏa hiệp hết sức nguy hại nếu chuyện vô lý thành bình thường, chuyện sai trái thành đương nhiên.

Nói như Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên), một đại biểu mà tôi rất kính trọng thì, “Ai giám sát được lương tri của người làm tổ chức cán bộ?” khi bàn về công tác bổ nhiệm cán bộ.

Tôi cũng xin được mượn ý mà hỏi một câu tương tự như vậy. Ai giám sát lương tri của chính mỗi chúng ta trước những câu chuyện vẫn thường vô lý đến vậy?

Ngô Nguyệt Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI