Chuyện trong đám ma

19/05/2020 - 18:05

PNO - Đám tang bà, ba người con lo chu đáo. Khách đến viếng ai cũng hỏi, đám cháu của bà đâu?

Trong các câu chuyện của cả gia đình này, bà nội là một nhân vật được nhắc tới bằng giọng âu yếm và vui tươi nhất. Bà có ba người con, mỗi người lại sinh hai đứa cháu, vị chi bà có sáu cháu. Đứa nào cũng qua tay bà nuôi trong năm đầu. Đứa nào cũng có ảnh chụp với bà từ lúc còn đeo bỉm cho tới lúc xúng xính áo dài hoặc com-lê đám cưới. Đến đây câu chuyện bắt đầu.

Khi bản thân đã thành dâu thành rể nhà khác rồi, những đứa cháu của bà cụ tùy theo bản lĩnh mỗi đứa mà đổi khác. Có đứa cải đạo, có đứa thành siêng cúng bái, lại có đứa nhất quyết không cho con đi chích ngừa, không cho con uống sữa, bảo rằng thế là dã man “cướp sữa con bò”.

Quan hệ với bà nội cũng dần thành lạt lẽo. Các cháu đến chơi chào hỏi được hai ba câu là bấm máy, bà hào hứng đem ra cái gì cũng chê, không ăn, làm bà tủi thân nhớ hồi trước chúng nó chỉ vòi bà thứ này thứ nọ. Lại có hôm bà sang nhà anh con cả, ngồi ở phòng khách thấy rõ ràng thằng cháu từ trong bếp vọt lên cầu thang mà không hề nhô đầu ra chào bà. Bà về nói với chị giúp việc rằng thanh niên bây giờ mê máy quá, thấy nó lên cầu thang mà vẫn bấm điện thoại, có ngày ngã mất. Chị giúp việc bảo, “Nó giả vờ để khỏi chào bà thôi”.

Rồi bà đột ngột mất. Chị giúp việc khóc sưng cả mắt vì đã ở với bà lâu quá rồi. Bà đi thế này chị thành bơ vơ… Đám tang bà, ba người con lo chu đáo. Khách đến viếng ai cũng hỏi, đám cháu của bà đâu? Nhìn quanh lơ vơ có mỗi hai đứa, còn bốn đứa kia chẳng thấy. Hỏi ra, đứa đi công tác không thể về, đứa đang tu nghiệp cũng không thể về. Hai đứa khác đều đang có bầu không được có mặt.

“Sao lại thế?”, một người trong họ gầm lên. “Kiêng cữ gì tai ác?”

Bố mẹ chúng nó (tức con bà) lại phải giải thích, có bầu mà đến đám sợ ảnh hưởng thai, nhiều vi khuẩn, nhiều âm khí.

Người họ hàng kia càng tức điên lên: “Tôi nhớ bà nuôi chúng nó từ bé đi đâu cũng na theo. Nghĩa tử là nghĩa tận, bả mất cũng chỉ mất có một lần, đến thắp cây nhang lạy bà rồi ngồi ở bàn xa thì có gì mà phải sợ”.

Tiếng nói “lạc lõng” ấy chẳng được ai hưởng ứng. Cả nhà chỉ mong người họ hàng ấy về nhanh nhanh cho rồi.

Duy có chị giúp việc nghe tới đó liền lủi ra nhà sau, đứng ở cửa hông khóc sụt sùi. Hai cô cháu gái vì có bầu mà không có mặt hôm nay, chị vẫn nhớ những ngày bố mẹ chúng gửi ở nhà bà; chị và bà cùng chăm như chăm hai cái cây con còi cọc, hào hứng mỗi ngày cho chúng nó đứng lên cân, cứ thêm ký nào là bà lại bảo chị mua cái gì đó về ăn mừng, bốn bà cháu ấm áp trong căn nhà nhỏ…

Chị giúp việc không chồng và không con, ngày mốt chôn bà xong xuôi chị lên đường. Chị quyết định khi về đến quê, việc đầu tiên là chị nhắn tin cho hai cô cháu ấy, bảo rằng tuy bà không phải là bà nội chị, nhưng nếu chị có bầu, cho dù phải trực đám tang bà cả mười ngày chị cũng sẵn sàng túc trực… Nhưng rồi chị lại sợ. Nếu mình làm thế, sau này mình lên Sài Gòn thắp nhang cho bà họ có cho mình vào nhà hay không?

Mạch Nha

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
  • Nguyễn Hồng Khánh 07-07-2020 17:31:35

    Bài viết rất hay và phản ánh đúng cuộc sống đang xảy ra như vậy. Nhưng cũng là bà, tôi lại thấy sự đời luôn là nước mắt chảy xuôi. Người ta sống chăm nhau khi còn tại nhân thế. Đi rồi thì thương tiếc là việc của người đang sống. Bà đã rất tử tế khi còn tại thế, vậy sẽ tha thứ cho những người chưa hiểu hết lễ nghi. Lễ nghi là việc của cuộc sống dạy cho nhau trong gia đình.

  • Le thi ninh 22-05-2020 19:45:43

    Bây giờ còn ít trẻ gắn bó với ông bà lắm, thậm chí xa lánh cả với bố mẹ.thời đại 4.0 lợi = hại.

  • Đỗ Thị Hải 22-05-2020 10:28:51

    Bố mẹ chúng nó chỉ lo cho cháu lớn đùng mà không biết dạy lễ nghĩa! Nhà mình cũng vậy thôi , có một số cháu ở gần cũng không sang thắp hương cho ông nội, có cháu ngoại mới gần hai mươi năm không về thăm ông ngoại !!!

  • Binh hoa 22-05-2020 06:29:21

    Ở đời cháu vậy đáng trách nhưng có người là con cả năm ko ngó đến mẹ đẻ cơ.

  • Kim 21-05-2020 08:54:37

    Văn là đời, những điều viết ra trên trang báo, ngoài xã hội đều đã, có diễn ra. Chủ nghĩa giả vờ đang xem điện thoại để không chào người quen thân hoặc sơ, người ơn, người đã từng nghe từ ta những lời ngọt ngào, hiện đã lên ngôi. Và đúng là rất tiếc cho những bậc làm cha mẹ không bảo ban được con, thôi thì cứ cho đó là phần số thôi.

  • ha lương 20-05-2020 21:41:07

    tôi lấy chồng khi mà ba má chồng đã 72, 73 tuổi. Mấy đứa cháu nói: Thím út sướng nhất, ông bà dễ tinh, chừng nào chú thím chê ông bà để tụi cháu nuôi, ông bà ăn hết bao nhiêu. Bố chồng, rồi mẹ chông lần lượt ốm đau và qua đời. Ấy mà khi ông bà ốm đau hàng năm trời chả có đứa nào hỏi thăm cho tiền. Khi chết còn chẳng buồn về đốt nén nhang...và đến giờ chúng còn chả biết mồ mả ông bà nơi nào,...

  • lê đắc phúc 20-05-2020 20:21:23

    Như vậy cũng hết sức bình thường trong cái thế giới mà người ta tự hào: thế giới của công nghệ 4.0; Còn chưa bằng cảnh, thây ma nằm đó phải nghe những người còn sống giành giật tiền, của. Anh em choảng nhau nữa mới ghê. Một thế giới đảo điên khi giá trị vật chất lên ngôi thì giá trị tinh thần đi xuống. Nếu như bắt gặp 1 người đang rao giảng đạo đức, luân lý ... thì y như rằng anh ta có vấn đề trong những nội dung rao giảng tại gia đình mình. Anh ta đang cố biến lời nói của mình thành sự thật?

  • nguoi xua 20-05-2020 15:01:47

    chỉ biết khóc cho tình người thôi

  • Khuất Văn Chư- 70 tuổi 20-05-2020 08:26:07

    Bài viết xúc động,thấm thía, cần chia sẻ mọi người suy ngẫm.

  • Quốc Thái 20-05-2020 07:26:42

    thời hiện đại , lớp người trẻ mất dần cái tâm , chỉ nghĩ đến vật chất , tiền tài danh vọng , nhưng ở đời không ai vượt qua ải nghiệp , để rồi "sau " lại than thân trách phận bọt bèo .những người cha người mẹ không bảo ban được con cái sau này sẽ ân hận thì cũng muộn rồi .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI