Chuyện trò cùng con có khó?

14/12/2014 - 14:17

PNO - PN - Không ít các bậc cha mẹ cho biết từng gặp trở ngại trong giao tiếp với con, hiệu quả giao tiếp không cao. Tuy nhiên, theo thạc sĩ tâm lý Lý Thị Mai (Giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng TP.HCM), nếu cha mẹ yêu thương đúng cách,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyen tro cung con co kho?

Nói với con, không lúc nào là quá sớm

Lời nói dịu dàng, tiếng ru ngọt ngào cùng bàn tay ấm áp xoa trên bụng mẹ sẽ được thai nhi cảm nhận. Đừng đợi đến khi con biết nói, cha mẹ mới bắt đầu trò chuyện cùng con, nên làm bạn với con từ sớm (trong bào thai), nói chậm rãi, rõ ràng và thường xuyên. Giao tiếp đầu đời của trẻ là tiếng khóc, cha mẹ nên ân cần đáp lại, cho bé biết mình đang được đón nhận trong vòng tay gia đình. Những bé được thai giáo thường xuyên sẽ cảm thấy dễ chịu, ngủ ngon, ít quấy khóc, nhất là khi được nghe giọng điệu quen thuộc của cha mẹ à ơi dỗ dành. Chuẩn bị bế bé cho bú, thay tã, đưa đi tắm… cha mẹ không nên xốc lên ngay mà thỏ thẻ bên tai để bé có cảm giác an toàn và “hợp tác”. Trẻ khoảng ba tuổi chưa nói hoặc nói rất ít, nếu bác sĩ khám thấy không có gì bất thường thì nguyên nhân chính là do cha mẹ kiệm lời với con, ít tạo điều kiện để con rèn kỹ năng ngôn ngữ.

Học để lớn lên cùng con

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con về mọi mặt. Con ở tuổi nào, cũng cần cha mẹ đồng hành. Khi con hỏi: “Ba ơi! Tại sao hôm nay không có trăng?”, ba tức thì trở thành “nhà thiên văn học”. Khi con hỏi: “Sao gà đẻ xong, nó kêu gì kỳ quá vậy ba?”, ba tức thì trở thành “nhà sinh vật học”, bởi tiếp theo đó là hàng loạt câu hỏi khác. Rồi khi con thấy những biểu hiện lạ của cơ thể, bắt đầu rung động đầu đời, cảm xúc thái quá, cha mẹ sẽ bỗng là bác sĩ, là nhà tâm lý… “Mệt quá, hỏi hoài, lo ăn đi rồi còn học bài, ba mẹ đang bận việc” là những lời mà trẻ không bao giờ muốn nghe. Nếu bảo “mai mốt lớn lên con sẽ tự biết”, trẻ cũng sẽ cụt hứng, không muốn tiếp tục gửi gắm những thắc mắc, ưu tư với cha mẹ.

Đừng nói những lời khó nghe!

Kể công, than trách, ra lệnh, áp đặt, quy chụp là những cách nói cha mẹ cần tránh để con không phản ứng tiêu cực, khép lòng. Nếu muốn con nghe, hãy nói những lời dễ chịu. Những từ “mày phải”, “mày không được”, “tại sao mày lại”, “tao cấm mày”, “ai cho phép mày”… chỉ khiến hành trình dạy con thêm nặng nhọc. Nhiều người cho rằng con nghe lời là tốt mà ít quan tâm đến chiều ngược lại - lắng nghe con. Sợ con sa ngã, cha mẹ đã cấm đoán ngay khi thấy con có chút biểu hiện nguy cơ. Con chơi với bạn nhuộm tóc xanh đỏ, thay vì vội phán xét “đó là người xấu” và ngăn cấm, cha mẹ cần tìm cách khác để tiếp cận được vấn đề của con, tạo điều kiện cho con giao tiếp trong vòng an toàn. Chân thành, kiên nhẫn, cha mẹ tạo cho con lòng tin, cảm giác được tôn trọng để con có thể chia sẻ nhiều hơn.

Hãy cho con thời gian!

Trò chuyện với con không cần phải ngồi vào bàn, mặt đối mặt. Nên chuyện trò trong không khí thoải mái, thân mật, sinh động, có thể trao đổi trên đường đi học, khi lặt rau, nấu ăn hay sắp ngủ... Cha mẹ có thể tận dụng cách nói gián tiếp thông qua một quyển sách cả nhà cùng đọc và trao đổi, bàn luận sau đó. Không phải cha mẹ nói thì trẻ sẽ nghe lời ngay, nhiều lúc còn “cù cưa”, “trả giá”. Nếu còn trong khuôn khổ chấp nhận được, cha mẹ có thể nhượng bộ một vài lần với thái độ càng về sau càng cứng rắn.

Quá trình trò chuyện có thể từng bước trao quyền cho trẻ trong khuôn khổ giới hạn được xây dựng từ bé. Đừng nghĩ khi được hỏi, con sẽ nói ngay vấn đề đang mắc mứu. Trẻ thường cho rằng mình sẽ tự giải quyết được, đồng thời khi nói ra, sợ người lớn la mắng. Nếu con không kể, kèm theo tâm trạng lo âu, chểnh mảng, lầm lì nhiều ngày, cha mẹ có thể gặp giáo viên, bạn bè của con để tìm hiểu. Nếu vẫn chưa biết được nguyên nhân, nên đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý để cùng chơi, trò chuyện, nắm bắt nỗi niềm của trẻ và tìm hướng trợ giúp kịp thời.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI