Vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 15/4/2019 đã gây tổn thất vô cùng to lớn đối với di tích lịch sử 856 tuổi này. Rất nhiều người đã bày tỏ lòng thương tiếc, thậm chí rơi nước mắt cho chuyện tình của thằng gù Quasimodo và nàng Esmeralda cũng như cho một thánh tích mang ý nghĩa biểu tượng của thế giới, chứ không riêng gì nước Pháp.
Hơn 900 triệu euro đã được quyên góp từ khắp thế giới để phục dựng lại nhà thờ và với khả năng kỹ thuật hiện nay, người ta hoàn toàn có thể làm lại một nhà thờ Đức Bà Paris như nó đã từng, tất nhiên là với các vật liệu mới, không thể 100% như xưa. Trong trường hợp đó, sẽ chẳng có gì nhiều để nói, trừ chuyện nhà thờ đã được phục dựng tốt hay không tốt thế nào.
Điều đáng chú ý trong nỗ lực tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris nằm ở hai mẫu thiết kế mới, sẽ thay đổi kiến trúc của tòa nhà lẫn công năng, tiện ích của nó.
Mẫu thiết kế của Công ty Kiến trúc Ulf Mejergren Architects (UMA, Thụy Điển) đưa một hồ bơi lớn hình chữ thập, tượng trưng cho thánh giá, bao phủ toàn bộ diện tích mái nhà thờ. Vị đại diện UMA giải thích: “Nhà thờ không phải là một hòn đảo biệt lập trong kết cấu đô thị mà nó thuộc về thành phố và người dân”.
|
Thiết kế của UMA sẽ cho Paris một hồ nước lớn trên cao, giúp làm mát thành phố |
Tất nhiên, không khó đoán chuyện mẫu thiết kế này sẽ khó được thông qua, bất chấp sự táo bạo của nó. Các tín đồ Công giáo sẽ khó lòng cho phép chuyện người ta tung tăng bơi lội trên mái một công trình được xem là linh thiêng như nhà thờ Đức Bà Paris, dù giả thiết nếu thiết kế được cho phép, người ta sẽ có một địa điểm check-in đắt giá và hút được rất nhiều khách du lịch.
Dù sao, ý tưởng về một hồ nước lớn giữa lòng đô thị cũng rất đáng lưu ý, trong bối cảnh thế giới ngày càng nóng và các đô thị ngày càng bị ép chặt, phải hứng chịu khói bụi và ô nhiễm.
Ý tưởng ấn tượng khác là mẫu thiết kế của Vincent Callebaut. Giữa lúc công tác phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris đang gặp vướng mắc về việc hôm nay không còn những cây gỗ lớn như ở thế kỷ XII thì Vincent đề xuất làm mái nhà bằng thủy tinh, gỗ sồi và sợi carbon - loại vật liệu nhẹ và độ bền cao. Giá trị của hiện đại và phát triển công nghệ là gì nếu không phải là để phục vụ cho đời sống và ứng dụng vào thực tế, thay cho những phương án cũ? Bằng cách dùng thủy tinh, Vincent sẽ cho phép dàn đồng ca của nhà thờ được “tắm trong ánh sáng tự nhiên”.
|
Thiết kế của Vincent Callebaut sẽ mang đến cho nhà thờ Đức Bà Paris diện mạo mới và nhiều tiện ích cho chính công trình này lẫn các công trình lân cận và người dân thành phố |
Ngay trên mái nhà thờ, dưới ngọn tháp, Vincent đưa vào một trang trại rau quả và đề nghị giao cho các tổ chức từ thiện và tình nguyện viên chăm sóc, sản xuất thực phẩm miễn phí cho người nghèo. Nếu biết rằng, đã có nhiều quốc gia lên kế hoạch phủ xanh không gian trên cao của đô thị, để làm mát thành phố, lọc bớt ô nhiễm thì ý tưởng về một trang trại rau củ trên mái nhà thờ Đức Bà Paris mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ nhằm cung cấp rau quả miễn phí cho mục đích từ thiện.
Nhưng thiết kế của Vincent chưa dừng lại ở đó. Ông còn đưa ra giải pháp phát điện từ mái nhà thờ Đức Bà Paris, để cung cấp điện cho chính công trình này lẫn các toà nhà lân cận.
Hiện chưa biết chính phủ và giáo hội Pháp sẽ chọn thiết kế nào, nhưng điều có thể nhìn thấy là các công năng, tiện ích của những tòa nhà đã được các kiến trúc sư tính toán không chỉ cho riêng nó mà còn cho người dân xung quanh, cho môi trường, cho sự phát triển bền vững.
Nhìn lại các công trình bất động sản của ta, ngay từ trên giấy, đã không hề thấy những tiện ích cho môi trường hay năng lượng sạch. Có chăng, chúng ta trồng được dăm ba cây xanh làm cảnh, để đáp ứng quy định về không gian xanh tối thiểu. Những công viên, hồ bơi hầu hết chỉ là "tiện ích nội khu" để tăng giá trị giao dịch. Còn lại đều là shophouse, penthouse, trung tâm thương mại... Những công trình mang tính công cộng như nhà hát ngàn tỷ dự kiến thực hiện ở Thủ Thiêm hay mái nhà ga metro không chắc liệu có khả năng phát điện được không. Những mái nhà, sân thượng của các tòa nhà lớn hiện vẫn là những khối bê-tông thi nhau đốt nóng không gian đô thị, bất chấp sự khuyến khích của chính phủ về điện mặt trời áp mái, bất chấp Việt Nam được xem là nước có nhiều tiềm năng về điện mặt trời, điện gió.
Chúng ta không thiếu tiền. Cái chúng ta thiếu là một tầm nhìn, một chiến lược và sự quan tâm lớn hơn đến môi trường sống hôm nay và mai sau. Tầm nhìn đó cần tri thức và tấm lòng lớn hơn là chỉ những con số trên giấy như diện tích bao nhiêu, cần bao nhiêu tiền, mấy phòng và nếu mang cho thuê hay bán thì sẽ thu được bao nhiêu. Kỳ thực, nếu tầm nhìn của chúng ta chỉ xoay quanh 4 hay 5 năm nhiệm kỳ, quanh công trình của chính ta, chúng ta sẽ chẳng có gì nhiều cho tương lai, ngoài những khối bê tông nặng nề, vô cảm.
Phạm Thành Nhân