Từ chuyện người gây tai nạn được tặng xe máy: "Mở lòng thì được tất cả"

08/03/2021 - 18:33

PNO - Một cuộc va chạm trên đường tưởng chừng sẽ kéo theo những cãi vã, đổ lỗi. Nhưng không, vụ việc đã có một cái kết có hậu và cảm động.

Sáng 8/3, anh Nguyễn Văn Lộc, làm nghề chở hàng thuê, Bình Dương đã nhận được chiếc xe máy, quà tặng từ anh Huỳnh Bảo Toàn, chủ nhân chiếc xe ô tô bị va chạm với xe máy của anh Lộc trên cầu Bình Phước 2, vào ngày 7/3.

Một cái kết có hậu sau cuộc va chạm trên đường và là câu chuyện đẹp, thật sự ấm lòng người.

Hình ảnh sau khi va chạm, được ghi lại từ camera hành trình. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh sau khi va chạm, được ghi lại từ camera hành trình. Ảnh cắt từ clip

Trước đó, khi anh Lộc đang lưu thông trên cầu Bình Phước 2, đến giữa cầu thì bất ngờ rẽ sang làn đường ô tô gây va chạm với xe của anh Huỳnh Bảo Toàn. Camera hành trình ghi lại rất rõ cuộc va chạm. Trích xuất từ camera cho thấy hình ảnh anh Lộc vô cùng lo lắng, bày tỏ sự hối lỗi với chủ xe ô tô.

"Tại vì em thấy tiền "gớt" (rớt) em định qua lụm tờ tiền đó nên không để ý đằng sau, xe ảnh tới ảnh tông cái" - phân trần của anh Lộc trong đoạn video được anh Huỳnh Bảo Toàn chia sẻ trên mạng. Tờ tiền anh muốn nhặt có mệnh giá 100.000đ, có thể là cả nửa ngày công của anh. Không có cuộc lớn tiếng nào, chỉ có lời nhẹ nhàng trấn an của anh Toàn: "Không có gì đâu, có gì em hỗ trợ cho".

Và anh Huỳnh Bảo Toàn đã hỗ trợ anh Lộc tiền sửa xe máy ngay sau va chạm, rồi sau đó quyết định tặng luôn chiếc xe máy cho người giao hàng khi thấy chiếc xe của anh Lộc đã quá cũ nát. Cuộc va chạm trên đường có thể sẽ khác đi nếu giữa hai người xảy ra cãi vã, xô xát; chủ ô tô yêu cầu bắt đền hoặc hai người họ đưa nhau vào đồn công an để giải quyết vấn đề.

Nhưng thái độ và sự lựa chọn của chủ xe ô tô không chỉ giúp người tài xế nghèo trút được gánh nặng bồi thường, mà còn làm thay đổi được đời sống tinh thần của cả gia đình người tài xế ấy. Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ trong ngày nhận chiếc xe máy mới, anh Nguyễn Văn Lộc có nói rằng: có xe máy mới thì con gái anh sẽ không còn thấy mặc cảm với bạn bè nữa. Những bộc bạch chất phát hiền lành của anh, người nghe chỉ thấy thương. 

Chủ xe bị va chạm hỗ trợ tiền sửa xe máy cho người gây tai nạn. Ảnh cắt từ clip
Chủ xe bị va chạm hỗ trợ tiền sửa xe máy cho người gây tai nạn. Ảnh cắt từ clip

Câu chuyện của anh Lộc khiến người đọc rưng rưng, câu chuyện của một hoàn cảnh riêng nhưng đã chạm đến những cái chung, cái phổ biến của những người nghèo. Trước đây, cũng từng có những vụ việc tương tự trong ứng xử sau va chạm giữa ô tô và xe máy nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng. 

Những chuyện tử tế làm ấm lòng người đôi khi chỉ giản đơn như vậy. Đọc những bài viết chia sẻ câu chuyện của hai anh Huỳnh Bảo Toàn và Nguyễn Văn Lộc, người viết chợt nhớ đến tiêu đề một tác phẩm của nhà văn Trần Huy Minh Phương: Mở lòng thì được tất cả (Lệ Chi Books và nhà xuất bản Lao Động, 2019). Câu nói ấy có nghĩa rằng những gì chúng ta ứng xử, đối đãi với người, với đời thì chúng ta cũng sẽ nhận lại điều tương tự.

Quả ngọt không đến từ ai khác, mà được gieo chính từ tâm mỗi người. Anh Lộc được bỏ qua và nhận quà không phải vì anh không sai, mà vì anh biết nhận sai, hối lỗi một cách chân thành.

Những chuyện tử tế trên đường phố đôi khi làm ấm lòng người
Những chuyện tử tế trên đường phố đôi khi làm ấm lòng người. Trong ảnh: chiếc xe máy cũ nát của anh Lộc. Ảnh cắt từ clip

Cổ tích thường kể những câu chuyện rằng ông Bụt bà Tiên xuống trần gian thử lòng người. Và người thiện lương luôn được ban cho những món quà kỳ diệu, những kết thúc có hậu. Những câu chuyện cổ tích đều bắt đầu từ tri thức dân gian, những đúc kết từ kinh nghiệm sống, quan sát, hiểu thấu và chia sẻ của ông bà ta xưa. Đời thực vốn chẳng có ông Bụt bà Tiên nào cả, nhưng cổ tích vẫn có thể được tạo nên từ chính những tấm lòng thiện lương, nhân hậu.

Từng có rất nhiều những vụ va chạm trên đường dẫn đến hệ lụy tiêu cực khi người trong cuộc cãi vã, đổ lỗi, xô xát; thậm chí có thể gây ra cho nhau những hậu quả nghiêm trọng hơn. Nhưng thay vì vậy, bình tĩnh trong phát ngôn, trong cách xử lý vấn đề thì mọi việc có thể sẽ được giải quyết theo một chiều hướng khác tích cực hơn. Đó cũng là hạt mầm nhỏ bé gieo nên giá trị tốt đẹp trong cái gọi là "văn hóa giao thông" của cộng đồng.

Hay nói to tát hơn, cũng có thể gọi đó là một phần giá trị trong "đạo làm người". 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI