Chuyện tình “vợ chồng lúa gạo”

11/06/2022 - 05:40

PNO - Nhìn cơ ngơi bề thế, ít ai biết, anh chị đã trải qua bao nhiêu gian nan, đổ mồ hôi sôi nước mắt, có khi còn đối mặt với hiểm nguy, sóng to gió lớn.

Cù lao Ông Chưởng (H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) là vùng lúa trù phú với nhiều nhà máy xay xát. Cơ sở xay xát của chị Nguyễn Thị Thu Lan và anh Thái Văn Đức (xã Nhơn Mỹ) được lòng khách hàng, nên sáng đèn ngày cũng như đêm.

Nhìn cơ ngơi bề thế, ít ai biết, anh chị đã trải qua bao nhiêu gian nan, đổ mồ hôi sôi nước mắt, có khi còn đối mặt với hiểm nguy, sóng to gió lớn.

Ngày ấy, anh chị quen nhau trên chuyến đò ngang hằng ngày qua sông đi học. Chị thầm thương anh, chàng trai có nụ cười đẹp làm thổn thức bao trái tim con gái. Rồi hai người thương nhau, nên vợ nên chồng. Gia đình hai bên đều nghèo, anh chị ra riêng chỉ với gian nhà nhỏ cột tre vách lá, bày bán vài món lặt vặt cho người trong xóm: mì gói, bột ngọt, kẹo bánh, nước tương… Anh gánh đất cuốc cỏ, làm thuê làm mướn đủ kiểu vẫn túng thiếu, con đau ốm là phải nợ nần. 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Lan và anh Thái Văn Đức trên đường ngao du sơn thủy
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Lan và anh Thái Văn Đức trên đường ngao du sơn thủy

 

Chị bàn với chồng mua lúa xay gạo bán, hy vọng có thể khá hơn. Nhưng những năm 1980 - 1982, chuyện buôn bán không dễ dàng vì lối sống tự cung tự cấp. Hàng hóa làm ra, từ nông thủy hải sản, chỉ được chi dùng tại chỗ.

Tới thời kỳ đổi mới, với kinh nghiệm tích lũy từ những ngày gian khó, ghe gạo của anh chị mới có cơ hội đi xa hơn, có lợi thế để ký nhiều hợp đồng quan trọng với doanh nghiệp lớn… Sau gần 50 năm “đồng vợ đồng chồng”, sát cánh bên nhau, anh chị đã thoát nghèo với một nhà máy xay xát công suất lớn, rải rác nhiều lò gạch đỏ lửa ngày đêm, cho doanh thu tiền tỷ hằng năm. 

Chẳng những làm giàu cho bản thân, gia đình, anh chị còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã, ấp. Từ tay trắng làm nên, chị hiểu cái khó cái khổ của người nghèo, nên chị quan tâm giúp đỡ khi họ ốm đau, nhà cửa bị đổ sập, dựng vợ gả chồng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Anh chị dành một khoản gạo, thuốc men mỗi tháng cho người già neo đơn. Không phân biệt bên vợ bên chồng, hễ con cháu ham học nhưng không có điều kiện, anh chị đều tận tình giúp đỡ tới nơi tới chốn. Vợ chồng tham gia nhóm thiện nguyện cất nhà cho người vô gia cư, xây cầu, làm đường… 

Từ lúc chân đất lội bùn, nhà tre vách lá, anh chị đã được mọi người thương mến, nể nang bởi tính ăn nết ở. Về chung một nhà khi tuổi còn rất trẻ nhưng họ đối xử với nhau tôn trọng, biết nhường nhịn nhau. Người này nói người kia nghe, có bất đồng ý kiến cũng nhỏ nhẹ lựa lời. Thuận vợ thuận chồng, một lòng một dạ nên các quyết định, tính toán trong công việc làm ăn êm xuôi, suôn sẻ.

Có một lần anh say nắng, chị chỉ nhẹ nhàng một câu: “Nếu anh thấy có thể từ bỏ gia đình vợ con được, thì hãy làm điều anh muốn, còn không, hãy suy nghĩ lại”. Và anh đã kịp thời chấn chỉnh. Chị tâm sự: “Không việc gì phải khóc lóc, ầm ĩ, làm xấu hình ảnh mình. Có khi làm ông xã chán, khó chịu. Cái gì của mình thì nó vẫn sẽ là của mình. Lạt mềm buộc chặt, gia đình phải là chốn họ luôn muốn quay về chớ không phải là nơi để người ta ngao ngán, bất mãn…”. 

Bây giờ tuổi đã ngoài 60, anh chị giao sản nghiệp cho con cháu quản lý, về nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Có chiếc xe bốn chỗ đời cũ đứa con trai để lại, anh đưa chị đi ngao du, vừa khám phá sơn thủy hữu tình, vừa tìm thầy thuốc giỏi chữa bệnh thoát vị đĩa đệm cho chị. Đêm về, chồng nhóm lửa ngồi sắc từng ấm thuốc cho người thương. Không gian êm đềm chỉ còn bên nhau hai mái đầu đã bạc, nhưng tình yêu thương ấm áp như thuở cùng chung chuyến đò qua sông đi học.

Người phụ nữ khôn khéo, giỏi giang, tự tin và bản lĩnh như chị Thu Lan làm tôi nhớ tới câu ca dao: “Chồng khôn vợ được mang hài / Vợ khôn chồng được có ngày làm quan”. 

Nguyễn Thị Kim Oanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI