Chuyến xe áp giải nữ phạm nhân - trùm ma túy khét tiếng - đi xuyên đêm trên đường rừng, để kịp đến công an tỉnh khi trời sáng. Chỉ một đêm, trên một chuyến xe, nhưng những trang đời đã được lần giở, mở ra những yêu thương, khát vọng, khắc khoải và cả góc nhìn về cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy, với những ẩn họa khó lường.
Hơn 10 năm trước, Chuyện tình nữ phạm nhân (tác giả: Trần Tuấn, dịch giả: Hồ Thi, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) của Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ từng để lại những dấu ấn đẹp, với sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Văn Thành, Việt Anh, Thanh Hoàng, Hoàng Yến, Mỹ Uyên.
Dựng lại kịch bản cũ, nhưng không lặp lại chính mình, NSƯT Trần Minh Ngọc và ê-kíp diễn viên mới (trừ NSƯT Mỹ Uyên, lần này đảm nhận vai diễn khác) đã “kể lại” câu chuyện với góc nhìn và những sáng tạo hoàn toàn khác biệt, trong nhịp đập hối hả của cuộc sống hiện tại và cả những diễn biến phức tạp trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy của ngày hôm nay.
Đã lâu lắm rồi sân khấu kịch thành phố mới lại có một vở diễn mang nhiều tính thử nghiệm - từ cách thiết kế sân khấu, xử lý không gian biểu diễn, ánh sáng đến diễn xuất của diễn viên… hệt như phong cách của sân khấu 5B thời còn là câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm.
Sân khấu nằm giữa hai hàng ghế khán giả và gần hết thời lượng của vở diễn, mọi chuyện chỉ diễn ra trên xe hoặc khoảng không gian trống quanh chiếc xe chở phạm nhân. Nhưng không gian nhỏ bé đó lại là điểm thú vị của tác phẩm. Chiếc xe chở phạm nhân, lúc ở giữa khán phòng, lúc quay đầu lui sát góc, rồi tiến về phía trước, cộng cách xử lý ánh sáng lúc xa, lúc gần, lúc là ánh sáng từ bóng đèn xe chở phạm nhân, lúc đặc tả từng tuyến nhân vật… khiến không gian nhỏ hẹp ấy như được mở rộng, dài đến vô tận, như những con đường dài xuyên rừng núi vùng cao phía Bắc.
|
Chuyện tình nữ phạm nhân - vở diễn nhiều sáng tạo của Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ |
Xem Chuyện tình nữ phạm nhân, có lúc, những khán giả đã quá quen với sân khấu Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ chợt quên nơi đây còn rất nhiều hạn chế về điều kiện kỹ thuật, nhất là ánh sáng sân khấu; chỉ còn thấy không gian biểu diễn sinh động, nhiều lớp diễn như những thước phim với những cú lia máy, cắt cảnh và ánh sáng đặc tả đậm chất xi-nê.
Cuộc đời, số phận của Phương hệt như cái luồng sáng vàng vọt kia. Mẹ mất sớm, nhưng Phương vẫn có những năm tháng hạnh phúc bên cạnh người cha yêu chiều con đến mức, mượn được cái máy ảnh có tấm phim cuối cùng, ông nghĩ ngay đến việc phải lưu giữ khảnh khắc thiên thần của đứa con bé nhỏ. Nhưng điều gì khiến Phương phải chua chát thốt lên: “Ông ấy chỉ yêu thương chính bản thân mình” khi nhắc về cha?
Phải chăng cuộc sống bận rộn khiến ông quên mất đứa con gái, dẫu đã khôn lớn, vẫn khát thèm tình yêu thương của gia đình? Phải chăng ông đã ruồng bỏ đứa con mình từng rất mực yêu thương, vì không muốn đứa con hư hỏng làm liên lụy đến mình? Cứ thế, Phương dấn sâu vào con đường tội lỗi, đau đớn trước cái chết của cô bạn thân cùng đứa con còn trong bụng mẹ chỉ vì ma túy, nhưng Phương cũng không có lối thoát. Đã trót dính líu đến băng nhóm mua bán ma túy, Phương chỉ có thể lao như con thiêu thân, dẫu biết thứ đang chờ đón mình là án tử hình.
Số phận của Phương ở Chuyện tình nữ phạm nhân là góc nhìn khá mới. Không chỉ gieo rắc cái chết trắng cho xã hội, những kẻ mua bán ma túy còn đẩy chính mình và người thân vào đường cùng. Kiếm được rất nhiều tiền từ việc mua bán ma túy, nhưng Phương mất tất cả hạnh phúc giản dị của người phụ nữ, mất tình yêu. Phương cũng không có thời gian ở bên con. Cô đau đớn nhìn con xơ xác, tiều tụy với những vết thương và không nhận ra cô là mẹ. Nỗi bất hạnh mang tên ma túy không chừa một ai.
Chỉ bốn nhân vật trên chuyến xe, nhưng mạch kịch không một giây bị buông lơi, với nhiều nút thắt, xung đột kịch liên tục, buộc khán giả không thể rời mắt, phải hồi hộp dõi theo và đặt ra nhiều giả thuyết cho những tình huống kế tiếp. Kết kịch cũng đầy kịch tính, mang nhiều yếu tố của phim hình sự Mỹ.
Kịch bản hấp dẫn, nhiều sáng tạo, Chuyện tình nữ phạm nhân cũng đòi hỏi các diễn viên phải có nghề và tinh tế trong việc chuyển tải cảm xúc, số phận nhân vật. Phương là một trong những thách thức lớn của NSƯT Mỹ Uyên. Hầu hết các lớp diễn, NSƯT Mỹ Uyên bị giới hạn hành động sân khấu, do bị còng tay vào thành xe. Nội lực diễn xuất phải dồn hết trong biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, cách thoại lời và một số động tác hình thể nhất định. Phương của Mỹ Uyên đã chạm được vào cảm xúc của người xem, đủ để khán giả vẫn thấy thương Phương, dù cô là bà trùm ma túy, bởi Phương cũng chỉ là nạn nhân của một xã hội coi trọng giá trị vật chất, danh vọng hơn là cảm xúc, tình người.
Ông Tài đã góp vào “bộ sưu tập” của diễn viên Chánh Trực một vai diễn hay. Những lớp diễn hài được sắp xếp hợp lý giúp Chánh Trực diễn mà như không, duyên dáng, hài hước, mang lại tiếng cười, làm giảm bớt sự căng thẳng cho tác phẩm.
Trong xu hướng hiện nay, có lẽ ít sân khấu nào dám thử nghiệm với vở diễn chỉ bốn diễn viên và gần như chỉ xảy ra trong một bối cảnh như Chuyện tình nữ phạm nhân. Tác phẩm cho thấy nỗ lực và khát vọng vươn đến những điều tốt đẹp nhất của những người làm sân khấu.
Chuyện tình nữ phạm nhân đang diễn tại Nhà hát kịch sân khấu Nhỏ - 5B Võ Văn Tần, Q.3.
Thảo Vân