Chuyện tình của tác giả bức ảnh lịch sử ngày 30/4

30/04/2022 - 06:06

PNO - Với năm lần cưới gả con, thì đến bốn lần ông bà Nguyễn Thắng - Đỗ Thị Miếng (huyện Củ Chi, TP.HCM) chọn đúng ngày 30/4 để tổ chức lễ cưới. Khi phát biểu trước sui gia, họ hàng, ông không quên nhấn mạnh ngày kỷ niệm đặc biệt này. Đó cũng là cách mà ông bà hoài niệm về đời mình cũng như nhắc con cháu khắc ghi mốc son lịch sử hào hùng ngày thống nhất đất nước.

Cuộc gặp bất ngờ không hẹn tái ngộ

Ngày 30/4/1975 cùng đoàn binh tiến về Sài Gòn, ông Nguyễn Thắng (nhiếp ảnh viên của Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định) đã chụp được nhiều ảnh tư liệu quý, trong đó có ảnh “biển” quân trang, quân dụng... của binh lính Sài Gòn vứt bừa bãi trên đường chạy thoát thân. Bức ảnh được trưng bày ở nhiều bảo tàng tại TP.HCM và cả nước. 

Quân trang, quân dụng của binh lính Sài Gòn hoảng hốt vứt bỏ ngày 30/4/1975 - Ảnh: Nguyễn Thắng
Quân trang, quân dụng của binh lính Sài Gòn hoảng hốt vứt bỏ ngày 30/4/1975 - Ảnh: Nguyễn Thắng

Nhìn ông, các cô bác tiểu thương reo lên: “Việt Cộng biết làm ký giả, có máy ảnh nữa nè. Mà Việt Cộng đẹp trai quá trời luôn chứ có ốm nhom ốm nhách, bảy ông đeo cành đu đủ không gãy như tụi nó tuyên truyền đâu”. Quay sang cô gái bên cạnh (cô Miếng), họ khen tiếp: “Cô đây cũng đẹp quá chừng nè!”.

Khi đó, cô Miếng 20 tuổi nhưng đã làm dân công hỏa tuyến đi tải thương nhiều năm. Làm lễ tuyên bố năm 1974, cặp vợ chồng son tạm gác hạnh phúc riêng tư, dốc sức cho tiền tuyến. 

Khi được hỏi “hai người có điểm tương đồng gì để đến với nhau?”, ông Nguyễn Thắng cười hào sảng: “Chắc là do duyên nợ. Và hồi đó mình đang ở Củ Chi, ở “vùng trắng” tự do oanh tạc của Mỹ, pháo bom ác liệt, tiếng máy bay rầm rú không ngớt, cứ dân thăm mình là mình thấy thương liền!”. 

Cuối năm 1971, cô Miếng đang ở khu ấp chiến lược An Điền (Bến Cát, Sông Bé - tỉnh Bình Dương ngày nay) lén về Củ Chi thăm chị - một bác sĩ phục vụ chiến trường - và gặp anh Thắng. Khi cô Miếng quay về ấp chiến lược, anh Thắng xung phong đưa một đoạn khoảng sáu cây số ra Hố Bò bằng xe đạp. 

Câu chuyện sơ giao ngắt quãng bởi đường đất gập ghềnh, tre gai chằng chịt, cỏ dại cao lút đầu, có đoạn người quá giang phải lội bộ còn tài xế thì vác xe đạp trên vai. “Thôi anh ở lại mạnh giỏi, công tác tốt” - cô chào tạm biệt. Không một tiếng hẹn mà lòng lưu luyến, anh đứng trông theo mãi dáng áo bà ba cũ, lem luốc, giả người đi hái dưa để qua mắt địch.

Chỉ ưng người chung lý tưởng

Lòng căm thù như bàn tay vô hình se kết hai người với nhau. 17 tuổi, anh Thắng đã tham gia kháng chiến. Hòa chung khát vọng hòa bình còn có mối thù riêng, vì ba người anh trai của anh Thắng đã hy sinh trong hai năm 1969-1970, để lại nỗi đau trong tim người mẹ - Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Sa (Dầu Tiếng, Bình Dương). 

Cô dân công hỏa tuyến Đỗ Thị Miếng e ấp bên chồng sắp cưới - phóng viên chiến trường Nguyễn Thắng, năm 1974
Cô dân công hỏa tuyến Đỗ Thị Miếng e ấp bên chồng sắp cưới - phóng viên chiến trường Nguyễn Thắng, năm 1974

Một lần thấy xác các nữ chiến sĩ trẻ xinh, tóc dài thắt bím bị đem phơi giữa chợ, lòng cô Miếng thù hận ngút ngàn. Cô thương khóc mấy ngày khiến ba cô phải dặn: “Nếu lính có hỏi vì sao con khóc, con nhớ nói là do đau bụng nghe hôn!”. Dù có nhiều lính Ngụy đòi cưới, cô Miếng cũng không lạc lòng, ngay cả lúc anh Thắng chưa ngỏ ý chuyện trăm năm. Để thành vợ chồng thì người ấy phải đứng bên này chiến tuyến, cô mới ưng.

Quen nhau, cô Miếng vẫn không hề biết nhiệm vụ công tác của anh Thắng, chỉ đoán là… y tá. Anh Thắng cũng không để lộ cho cô bạn thấy đồ nghề gồm bộ ba máy ảnh - cây súng K54 - trái lựu đạn. Việc tráng phim, rửa hình, phóng hình rất nhiều khâu phức tạp được thực hiện dưới hầm; việc bảo quản phim, giấy ảnh trong thùng đại liên có bỏ gạo rang hút ẩm... tất cả được bảo mật tuyệt đối. 

Vốn nhanh nhạy, mưu trí, thông thuộc địa hình, nên dù không được đào tạo quân sự nhưng anh Thắng đã diệt được nhiều tên giặc khi chúng bủa vây hầm trú ẩn và kêu gọi chiêu hồi, cứu nguy cho mình và đồng đội. Anh được đơn vị phân công là phóng viên chiến trường lần lượt tại Sư đoàn 9 Bộ binh, Sư đoàn 5 Bộ binh và Trung đoàn 16. 

Do bơi rất giỏi nên anh Thắng có thể bảo quản được thiết bị, tác nghiệp trong bối cảnh chiến trường khắc nghiệt. Anh đặt máy móc giữa nhiều lớp ni-lông, vơ cỏ bỏ vào cho túi nổi phình lên trên mặt nước, rồi bơi qua sông. Bức ảnh Du kích vượt sông (vác pháo trên vai) được anh chụp chớp nhoáng trên chiếc xuồng bằng vỏ bom xăng do một cô y tá chèo ra giữa sông trong tiếng bom đạn không ngớt, bởi việc chụp hình rất dễ bị giặc phát hiện, một chút lóe sáng từ máy ảnh khác nào ra mặt thách thức.

Êm đềm bên nhau

Sau năm 1975, ông Nguyễn Thắng về công tác tại Phòng Thông tin cổ động thuộc Sở Thông tin văn hóa TP.HCM (là Tổ trưởng Tổ Nhiếp ảnh thời sự - tài liệu), cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu sớm vì không đủ sức khỏe. Do bận rộn công việc, đi làm tận Q.1, TP.HCM, vài tuần, vài tháng ông mới về thăm nhà.

Những cánh thư ông gửi sưởi ấm bà trong cảnh đơn chiếc, chật vật ngày mới tiếp quản. Ông chỉ tay về phía sau nhà nói “hồi đó có hai bố bom sâu lắm” như phác họa cụ thể nỗi cơ cực, gian nan của bà.

Con gái đầu lòng ra đời, bà nhờ người báo tin, gần một tuần ông mới hay. Đến khi con trai thứ ba chào đời tại nhà, may mắn ông có mặt. Đỡ đẻ xong, bà mụ bảo ông đi hái nắm lá ớt. Ông phi vội ra vườn, đem vào nắm… trái ớt. Bà mụ chưng hửng: “Trái ớt làm sao “mách miếng” được?” (một phong tục của người xưa mong đứa bé lớn lên ăn nói ôn hòa, có duyên). Bà Miếng còn đau quặn vì mới vượt cạn cũng không nhịn được cười với bộ dạng lớ ngớ, rối bời lần đầu chăm vợ đẻ của chồng.

Ông bà Nguyễn Thắng - Đỗ Thị Miếng và lễ cưới của con trai vào ngày 30/4/2008
Ông bà Nguyễn Thắng - Đỗ Thị Miếng và lễ cưới của con trai vào ngày 30/4/2008

Mỗi lần ông thăm nhà, đem về món bánh mì Sài Gòn cả nhà thích mê, ngược lại, ông lấy gạo nhà thu hoạch để đem xuống cơ quan nấu ăn. Có năm bị dịch bệnh, mùa lúa mất trắng, bà đi mượn gạo hàng xóm. Dù thiếu trước hụt sau, một mình tay bế tay bồng đàn con, bà vẫn động viên chồng an tâm hoàn thành nhiệm vụ. 

Cũng với câu hỏi “điểm tương đồng nào đã gắn kết ông bà suốt 50 năm qua?”, bà nhẹ nhàng nói: “Có gì đâu, vợ chồng tôi từng trải qua chiến tranh nên thấy cuộc sống bây giờ quá ổn định, sung sướng”. Ông tiếp lời: “Từ cái chòi không có để ở, lễ tuyên bố làm trong hầm tối dưới gốc tre gai, giờ đã xây… nhà tường. Còn sống được là may, than khó khổ hay chấp nhặt bạn đời chi cho mất vui”.

Không những ông bà nâng niu những bức ảnh quý giá, đổi bằng mạng sống của ông mà con cháu cũng trân trọng. Những khi đến thăm bảo tàng, nhìn thấy bức ảnh “made in… nhà mình”, các con cháu khều bạn khoe “ảnh của cha tui/ông tui chụp nè” với vẻ tự hào. 

Khi các con đã trưởng thành, ra riêng, ông bà sớm tối hủ hỉ bên nhau cùng nuôi bò, trồng rau. Bà tích cực tham gia công tác địa phương, nhất là hội người cao tuổi, vất vả nhất là đợt dịch COVID-19. Ông ở tuổi ngoài 70, bị đau chân, ít tham gia công tác địa phương nên ở nhà nấu cơm sẵn đợi bà về ăn.

Mỗi ngày êm đềm trôi qua với đối thoại của “vợ chồng son”: “Bà ơi! Bà có nhớ hồi xưa, sáng sớm bà với tui dậy nấu cơm để giở ra đồng, để đi công tác mà nghe pháo rít trên đầu không?” hay “Ông ơi! Cái vỏ bom bi có khắc hình chiếc xe tăng mà ông tặng tui làm ly uống nước lạc đâu mất rồi, chừng nào quởn mình tìm nó nhen ông!”. 

“Còn sống được là may” - câu nói của ông tưởng đơn giản nhưng có lúc trở thành “câu thần chú” giúp ông bà vững lòng vượt qua cơn tuyệt vọng khi cậu con trai út năm 1985 ra đời với chứng ngoẹo cổ, sọ đầu không giáp… Nhiều tháng sau, kết quả giám định thể hiện cậu ảnh hưởng chất độc da cam di truyền từ người cha. Các bác sĩ cho nhiều loại thuốc bổ và khuyến cáo nếu gia đình nuôi bé trong vòng một tháng mà èo uột, không lên đủ 1kg thì phải đem giao cho bệnh viện chăm sóc.

Tận dụng ngày nghỉ, ông Thắng miệt mài ngoài đồng ruộng đi bắt cóc, bắt lươn về nấu cháo tẩm bổ cho các con, nhất là cậu út. Bà đi ăn giỗ lúc nào cũng xin chân gà, chân vịt về rút phần tủy xương cho út. Nhà thiếu trước hụt sau, mọi ưu tiên đều dồn cho út. Tháng sau tái khám, út phát triển tốt, tăng đến một ký rưỡi, chỗ hở xương sọ có vẻ thu hẹp hơn. Cả nhà được bác sĩ khen.

Cậu út hiện đã có công việc ổn định, có vợ con, cùng các anh chị chăm sóc cha mẹ, nói như ông Thắng là: “Mỗi khi vợ chồng già có đau ốm, tụi nó lo tròn vo hà!”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI