Năm Nhâm Thìn (1652) đời Lê Thần Tông, triều đình mở khoa thi Hội, hơn 2.000 sĩ tử ứng thí nhưng chỉ có 9 người được chấm đỗ.
Bia Tiến sĩ khoa thi này viết: “Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, xếp định thứ bậc. Ban cho bọn Phùng Viết Tu 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Hồ Sĩ Dương 7 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân”. Trong danh sách người đỗ, tên của Hồ Sĩ Dương đứng thứ 3.
Hồ Sĩ Dương (1622-1681), người làng Nồi, xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mất sớm. Mẹ ông là bà Hoàng Thị Tâm tần tảo làm lụng, quyết chí nuôi con ăn học. Ngoài việc đồng áng, bà còn bán nước ở chợ Nồi kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống gia đình.
Từ nhỏ, nhà neo người, Hồ Sĩ Dương đã sớm biết nhiều việc, đỡ đần thêm cho mẹ, ông thường ngày đi gánh nước phụ giúp cho bà. Bấy giờ có kẻ thấy vậy mới buông lời trêu chọc cậu bé, không vì thế mà buồn tủi, ngược lại Hồ Sĩ Dương bình thản ngân nga:
Ngày ngày gánh nước đảm đang,
Mai sau võng giá nghênh ngang làng Nồi.
|
Tranh minh họa |
Mặc dù gia cảnh bần hàn nhưng ông nổi tiếng là người phóng khoáng, được nhiều người quý mến và chuyện tình của ông cũng nhờ tính cách ấy mà thành.
Chuyện kể rằng, một hôm con gái quan Quận công Trương Đắc Phủ, làng Phú Nghĩa (tên Nôm là làng Hàu) là tiểu thư Trương Thị Thành, một cô gái xinh đẹp, nết na có đi chơi qua làng Nồi. Bấy giờ Hồ Sĩ Dương cùng bạn bè đang trò chuyện, thấy con gái quan, họ thách ông xin được trầu của cô gái. Ông mạnh dạn đến xin.
Thấy chàng trai lam lũ nhưng mặt mũi sáng sủa, lại ngạc nhiên về sự bạo dạn nên cô gái tặng luôn cả hộp trầu. Hành động đó khiến Hồ Sĩ Dương đem lòng yêu mến.
Về đến nhà, Hồ Sĩ Dương nằng nặc đòi mẹ mang trầu cau sang làng Phú Nghĩa để xin hỏi cưới Trương tiểu thư. Người mẹ hết lòng khuyên nhủ con chớ “đũa mốc mà chòi mâm son”, dù mẹ có nói thế nào, khuyên nhủ ra sao, ông vẫn một mực giữ ý định nên bà Hoàng Thị Tâm đánh liều tới dinh quan.
Nghe kể đầu đuôi câu chuyện, Trương Quận công nổi giận, cho là con gái tặng trầu con trai là làm tổn hại đến gia môn, ông đuổi con về làng Nồi và giao ước khi nào chồng đỗ đạt làm quan, trải chiếu hoa từ làng Nồi sang làng Phú Nghĩa thì lúc đó ông mới nhận làm con rể.
Bà phu nhân thương con nhưng sợ chồng, không biết làm thế nào đành vào nhà xúc mấy bơ muối cho con gái mang theo, nhưng kỳ thực trong đó bà đã lén bỏ mấy lạng vàng.
Tiểu thư đang sống cảnh giàu sang, nay bị đuổi ra khỏi nhà, đến sống cuộc sống lam lũ, nghèo khó nhưng không hề than phiền, trách móc; ngược lại cô hết lòng chăm lo cho mẹ chồng, động viên chồng cố công học tập.
Biết vợ chịu thiệt thòi, Hồ Sĩ Dương rất trân trọng, thương yêu vợ; có lần ông cất câu hát vui:
Bây giờ gánh nước mỏi vai,
Mai sau đi hán đi hài mỏi chân.
Nhờ nỗ lực đèn sách, sau khi thi Hương đỗ đầu, Hồ Sĩ Dương về kinh đô thi Hội đỗ Hoàng giáp. Sau khi đỗ đạt, ông làm quan trải nhiều chức vụ như Tham tụng, Thượng thư Bộ Hình kiêm Đông các Đại học sĩ, Giám tu Quốc sử, tước Duệ Quận công.
|
Tranh minh họa |
Không biết sau khi đỗ ông có cho trải chiếu hoa từ làng mình sang làng Phú Nghĩa như lời thách đố trước kia của bố vợ hay không, nhưng công tích của ông thì được nhắc tới nhiều.
Ông có nhiều đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực thể hiện qua các tác phẩm, về sử học có: Trùng tu Lam Sơn thực lục, Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục; về địa lý có: Hoan Châu phong thổ ký; về giáo dục có: Hồ thượng thư gia lễ…
Không chỉ vậy, Hồ Sĩ Dương còn là một nhà chính trị, nhà quân sự và nhà ngoại giao. Mặc dù làm quan lớn, ông vẫn chú ý đến đời sống nhân dân, nhất là người dân ở quê hương, cấp tiền đắp đập xây cống dẫn nước, cải tạo đồng ruộng, lại chiêu mộ dân nghèo lập ra được 4 làng ở Quỳnh Lưu.
Ông dùng 40 mẫu ruộng được triều đình ban cho lấy làm ruộng học điền để khuyến khích học tập và ruộng trồng lấy hoa màu giúp gia đình có người đi lính gọi là binh điền. Vợ ông thì mở xưởng mộc đóng quan tài cho những người nghèo quá cố, gọi là thi xá.
Người dân tôn quý ông, gọi là quan hầu Thượng Bụt hay quan Bụt để ca ngợi sự hiền lành, đức độ của ông như Phật.
Sau khi mất, Hồ Sĩ Dương được triều đình truy tặng chức Thiếu bảo, Thượng thư Bộ Binh, còn nhân dân nhiều làng ở Quỳnh Lưu đã lập đền thờ, tôn ông là Phúc cảnh Thành hoàng.