Câu chuyện tình yêu

Chuyện tình của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Ngân: Lòng ta chôn một khối tình

23/10/2022 - 05:35

PNO - Anh đưa mắt nhìn chị một cách tình tứ. Còn chị ngoảnh mặt đi với vẻ thẹn thùng. Chúng tôi không nói gì, nhưng thầm hiểu hai người đã yêu nhau.

Lòng ta chôn một khối tình 
Tình trong giây phút là thành thiên thu

Câu thơ trong Tình tuyệt vọng của thi sĩ Pháp Félix Arvers, qua bản dịch Khái Hưng đã ghim sâu vào trí nhớ nhiều người. Có thể nhìn thấy nỗi lòng đằm thắm yêu thương ấy qua một mối tình trai tài gái sắc trong sử sách nước nhà: Hoàng Ngân và Hoàng Văn Thụ.

Tên tuổi của họ nhiều thế hệ đã biết đến, có lẽ chúng ta cùng có suy nghĩ rằng, với người cách mạng, khi yêu, đến với tình yêu thì ngọn lửa ái tình cũng nồng nàn dữ dội, dù họ bao giờ cũng nghĩ đến “thù nhà nợ nước”.

Việc nước xưa nay có bại thành,
Miễn sao giữ trọn được thanh danh.
Phục thù chí lớn không hề nản,
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,
Chí còn theo dõi buổi tung hoành.
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu,
Trước sau xin giữ tấm lòng thành.

Bài thơ cuối cùng của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ được sáng tác vào năm 38 xuân - trước khi bị thực dân Pháp tử hình. Anh đã chép lại trên chiếc quạt và gửi tặng cho chị em bên nhà lao nữ ở Hỏa Lò. Một nữ tù nhân được vinh dự giữ chiếc quạt này là chị Hoàng Ngân. Bởi lẽ, trước đó, một bạn tù có chiếc áo len màu rượu nho, giao cho chị tháo ra, đan thành chiếc áo đàn ông có cổ bẻ để gửi tặng anh Thụ. Thật ra đó chỉ là cái cớ, nguyên nhân sâu xa hơn là các bạn tù biết mối tình thầm kín giữa hai người. Chị Hoàng Ngân nhỏ người, thon thả, da rất trắng, môi không tô son mà lúc nào cũng đỏ tươi.

Trai tài, gái sắc phải lòng nhau là chuyện thường tình. Nhưng chị Hoàng Ngân không những có sắc mà còn có tài - sau này sẽ là người đầu tiên làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc, chủ nhiệm Báo Phụ Nữ Việt Nam…

Nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Ngân
Nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Ngân

 

Chị tên thật là Phạm Thị Vân, sinh năm 1921, quê quán tại làng Vũ Lao, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nhưng từ nhỏ theo gia đình ra Hải Phòng lập nghiệp. Từ năm 1937, hằng ngày, chị ra chợ Sắt phụ giúp mẹ buôn bán. Tại đây Hội Ái hữu tiểu thương đã được thành lập, chị được giác ngộ cách mạng.

Dù không có chân trong ban lãnh đạo của Hội, nhưng chị là linh hồn của tổ chức này và được kết nạp vào Đảng. 

Vào tháng 7/1938, khi Thành ủy Hải Phòng tổ chức cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng tư sản Pháp, chị được phân công diễn thuyết, kêu gọi quần chúng lao khổ đứng lên giành độc lập. Lập tức, thực dân đàn áp và chị bị bắt. Sau đó, chúng đưa ra tòa, nhưng không tìm được chứng cứ nên phải thả. Ra tù, chị được tổ chức rút lên Xứ ủy - cùng làm việc với anh Hoàng Văn Thụ. Tình yêu của họ nảy nở từ những năm tháng ấy. 

Trong tài liệu Chân dung các chị lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Nhiều tác giả (Nhà xuất bản Phụ nữ -1997), ông Đào Văn Trường - bạn hoạt động cùng thời với chị Hoàng Ngân - kể lại chi tiết: “Một lần ba người, anh Thụ, chị Hoàng Ngân và anh Bùi Đức Minh đi ra Móng Cái để đón người từ bộ phận hải ngoại cử về nhưng không gặp.

Lúc quay về, anh Thụ và chị Hoàng Ngân ghé lại chỗ chúng tôi dưới chân núi Phượng Hoàng, nơi có di tích trường học cũ của cụ Chu Văn An. Anh em cơ sở cho một con gà. Chị Hoàng Ngân hỏi đùa: 

- Hôm nay là ngày gì mà mở tiệc thế này?

Anh Thụ cười nói: 

- Tiệc của chúng mình đấy!

Tôi để ý trong khi nói anh đưa mắt nhìn chị một cách tình tứ. Còn chị ngoảnh mặt đi với vẻ thẹn thùng. Chúng tôi không nói gì, nhưng thầm hiểu hai người đã yêu nhau. Và trong thâm tâm chúng tôi đều công nhận đó là một tình yêu đẹp, rất xứng đáng”. 

Lúc này, ngoài nhiệm vụ làm công tác binh vận, chị Hoàng Ngân còn được cử vào Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Giải phóng Bắc kỳ. Còn anh Hoàng Văn Thụ, sau hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ năm 1940 được bầu làm Bí thư Xứ ủy. Tình yêu đã giúp họ cùng chia sẻ cho nhau những khó khăn và cùng hoàn thành nhiệm vụ. Vào đầu năm 1941, khi chị cùng cán bộ chủ chốt dự hội nghị do Hoàng Văn Thụ chủ trì thì thực dân Pháp đánh hơi xộc tới.

Chạy thoát ra bến xe Hà Đông thì chị bị bắt, sau đó chúng đưa về Hỏa Lò. Hai năm sau, trên đường đi công tác, Hoàng Văn Thụ cũng bị chúng bắt tại khu Tám Mái (Hà Nội).

Bà Hoàng Thị Minh Thảo - bạn tù với chị - nhớ lại: “Ngày anh Thụ ra pháp trường không khí uất hận, tang tóc đè nặng cả phòng giam. Thỉnh thoảng nghe bật lên tiếng nấc không nén nổi hay vài tiếng sụt sùi. Riêng chị Hoàng Ngân, lúc này không còn giấu nổi tình cảm thật của mình, cứ mềm rũ ra như một tàu lá héo. Trong buổi lễ truy điệu ngày hôm sau, chị Trương Thị Mỹ vừa đọc mấy câu trong bài điếu văn, chị Hoàng Ngân đã ngã khuỵu, khóc nức nở”. 

Mãi đến sau ngày 9/3/1945 - ngày phát xít Nhật hất chân thực dân Pháp, chị mới ra khỏi tù. Một trong những việc làm đầu tiên của chị là đi thăm mộ của người tình đầu. Bà Thanh Thủy - nguyên cán bộ Đảng đoàn phụ nữ Trung ương - nhớ lại, có lần Hoàng Ngân tâm sự: 

- Thủy ạ! Mình yêu anh Thụ vô cùng… Sau này, các đồng chí giới thiệu cho mình người này người nọ, thấy mình từ chối, họ bảo mình kiêu, thật ra có phải thế đâu. Mình không dám nhận lời họ khi thấy mình chưa quên được anh Thụ. 

Và theo lời kể của bà Hà Tường - người có thời gian hoạt động chung với Hoàng Ngân: “Nỗi mất mát lớn của mối tình đầu với anh Hoàng Văn Thụ, chắc chắn vẫn còn đè nặng tâm hồn chị. Nhưng chị không mấy khi nhắc lại. Duy có một lần, vì tôi khuyên chị: “Chị ơi! Chị ôm mãi quá khứ làm gì? Cứ thế này mãi thì còn yêu ai được nữa!”, chị mới nói: “Chị yêu anh Thụ không phải vì anh ấy là cán bộ lãnh đạo đâu em ạ. Anh ấy, là một người có tài, rất mạnh mẽ và…”.

Chị không nói hết câu. Tôi cũng không dám hỏi. Nhưng tôi đoán trong mối tình này, có cái gì khác làm chị day dứt mãi. Ý ấy có phần nào lộ rõ trong bài thơ chị viết tặng tôi lúc chia tay:

Muốn nói với em, bao chuyện đời
Em vô tư quá chị đành thôi
Em ơi đừng vội yêu em nhé

Nếu chẳng gặp may, buồn không nguôi

“Buồn không nguôi” chắc hẳn là tâm sự sâu kín của Hoàng Ngân, chị mất ngày 17/7/1949 ở Thái Nguyên vì bệnh sốt rét. Nhớ về mối tình này, ta thấy một tình yêu thủy chung dành trọn vẹn cho nhau, và tôi lại nhớ đến câu thơ da diết: “Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thu”… 

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI