“Em chịu, thì anh tiến tới”
Lâm Hồng Nhung (sinh năm 1990, quê Kiên Giang) trong gia đình có năm anh chị em. Cha mẹ sinh bốn người con đều lành lặn, phát triển bình thường, chỉ có Nhung là con út bị dị tật bẩm sinh.
Không có hai tay để vịn nên Nhung không giữ thăng bằng để đứng lên được, cô phải nằm một chỗ. Lên năm tuổi, nhờ người thân hỗ trợ, Nhung chập chững những bước đi đầu tiên. Lâu dần, cô tự ăn cơm được bằng cách lấy hai ngón chân kẹp vào muỗng tự xúc.
Nhà nghèo, lại khuyết tật, mãi đến năm 10 tuổi Nhung mới được đi học. Cô bé ham học ngày nào cũng mong cho trời mau sáng để đến trường. Tưởng rằng đến chỗ đông người Nhung sẽ vui vẻ, hòa đồng, nhưng mỗi ngày đến lớp nhìn chúng bạn nhảy dây, múa hát cô lại thu mình lại.
Học được một tháng, mẹ xin cho Nhung nghỉ bởi nhìn con mặc cảm bà thấy xót xa. Suốt những năm sau đó, Nhung sống quanh quẩn ở nhà, đi mót lúa bằng chân, nấu cơm rửa chén cũng bằng chân, làm việc nhà giúp đỡ mẹ.
Ở tuổi mười tám đôi mươi, cũng giống bạn bè đồng trang lứa, nhìn những cặp đôi say đắm trong tình yêu Nhung cũng khao khát hạnh phúc. Nhưng mỗi khi định mở lòng cô lại nghe được những lời dè bỉu: “Mày như vậy ai mà chịu ưng”.
Năm 22 tuổi, trong lần tâm sự cùng một người bạn, Nhung thổ lộ, bản thân cũng muốn có một nửa còn lại để sẻ chia buồn vui. Nghe được ước nguyện của Nhung, người bạn liền nhớ tới anh Vũ Văn Phương (sinh năm 1981, quê Trà Vinh) vẫn đang độc thân và có ý giới thiệu. Suy nghĩ hồi lâu, Nhung chủ động xin số điện thoại anh Phương từ người bạn.
Khi nói chuyện với Phương đến độ khá thân thiết, Nhung thẳng thắn thừa nhận mình “không có tay”. Vừa nghe, anh Phương thoáng giật mình. Anh không tin, nghĩ Nhung nói vậy để thử lòng. Cô vẫn quả quyết: “Em nói thật. Nếu anh chấp nhận, chúng ta làm bạn và tiếp tục nói chuyện”. Bán tín bán nghi, anh Phương nhờ một người bạn sống gần nhà Nhung đến để xác thực. Sau khi biết được sự thật, anh nói: “Tôi chịu quen bạn”.
Nói chuyện qua điện thoại một thời gian nữa, anh đi từ Trà Vinh đến Kiên Giang gặp trực tiếp bạn gái. Lần đầu chạm mặt, anh không bất ngờ vì Nhung là người khuyết tật, mà vì Nhung “nhỏ quá”, chỉ… 15kg. Anh Phương nói: “Lúc mới gặp tôi tưởng Nhung là em bé, ai nghĩ em lớn tuổi đâu”.
Đợt đó, anh ở lại nhà bạn gái suốt một tháng, phụ cô trong sinh hoạt, làm việc như một người con trong gia đình. Anh còn xây chuồng heo cho nhà Nhung. Công trình khá nhỏ gọn nhưng gần một tháng mới hoàn thiện do anh kiếm cớ để được ở lại lâu hơn với bạn gái.
Một ngày khi chỉ có hai người ở nhà, Nhung gọi anh Phương đến ngồi trước mặt mình và hỏi: “Anh đã suy nghĩ kỹ chưa, em không muốn ai thương hại mình, nếu anh đã thương phải thương cho thật, không thương thì thôi”. Anh Phương thủ thỉ: “Anh thấy em vậy nhưng mà anh thương. Em chịu không? Nếu em chịu thì anh tiến tới”.
Sự chân thành của anh đã xóa bỏ sự tự ti trong lòng Nhung. Lần đầu tiên họ ôm nhau và quyết định tiến xa hơn. Vậy nhưng, khi biết cả hai có ý định kết hôn, hai bên gia đình kịch liệt phản đối. Nhà anh không thích con trai lấy vợ là người khuyết tật. Bố mẹ Nhung lo chàng trai đó chỉ thương hại con gái mình, sau này lại bỏ, nên ra sức ngăn cản.
Dù vậy, anh Phương vẫn không bỏ cuộc. Năm 2011, anh quyết định dọn đến ở với bạn gái. Chị nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ hai gia đình. Cả hai luôn phải nỗ lực làm tất cả để chứng minh cho mọi người thấy rằng chúng tôi có thể làm chủ cuộc sống hôn nhân”.
Lâu dần, nhờ tình yêu chân thành, anh chị cũng được hai bên gia đình chấp thuận. Vượt qua giai đoạn khó khăn đầu tiên, cả hai lại đối mặt với câu chuyện công ăn việc làm và cơm áo gạo tiền. Họ quyết định cùng nhau đến Đồng Nai, thuê phòng trọ để đi làm. Hằng ngày, Nhung đi bán vé số, anh Phương làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống.
|
Tổ ấm nhỏ của Phương và Nhung hạnh phúc hơn khi có sự xuất hiện của cô con gái |
Chồng ẵm vợ vào lòng để ngủ ngồi
Ngày mới về chung một nhà, Nhung lo lắng vì sợ sức khỏe bản thân chẳng thể sinh con. Biết được tâm tư của vợ trẻ, anh Phương an ủi: “Đối với tôi, em có con hay không không quan trọng, tôi thương em là được, lúc nào trời Phật thương vợ chồng mình thì cho mình có con thôi”.
Và rồi, niềm vui cũng đến với cả hai, sau ba tháng lấy nhau, Nhung may mắn có bầu. Cô chính thức bước vào chuỗi 9 tháng 10 ngày mang bầu đầy khó nhọc.
Nhung kể: “Ngày đó, vợ chồng tôi vừa mừng vừa sợ, sợ em bé bị khiếm khuyết giống mẹ và sợ cơ thể mình nhỏ quá không giữ được em bé. Thấy vợ lo quá, chồng động viên: “Sinh con ra có tật hay không anh cũng nuôi”.
Suốt quá trình mang bầu, Nhung tăng được 4kg lên 19kg nhưng gặp cô chẳng ai tin rằng cô đang mang bầu. Những ngày cuối thai kỳ Nhung chỉ nằm một chỗ. Sợ vợ nằm mãi sẽ khó thở, anh Phương lại ẵm vợ vào lòng để vợ ngủ ngồi.
Ca sinh của Nhung được bác sĩ nhận định là khó nhất ở bệnh viện từ trước đến nay vì cô gù lưng, nằm ngửa khó, không có tay nên đo huyết áp hay truyền nước cũng đều ở chân. May mắn, ca mổ thành công, ai cũng mừng, bé gái chào đời được 1,3kg, lành lặn, khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của ê-kíp bác sĩ và gia đình nội ngoại hai bên.
Giờ đây, con gái của Nhung đã chín tuổi, biết phụ mẹ nấu cơm, làm việc nhà. Từ ngày được làm mẹ, cô cảm thấy hạnh phúc, tổ ấm vẹn tròn và nhiều tiếng cười hơn. Dù mang khiếm khuyết nhưng Nhung luôn cố gắng trở thành người mẹ hoàn hảo nhất trong mắt con gái.
Cuộc sống hiện tại dẫu còn vô vàn khó khăn, song các thành viên trong gia đình nhỏ ấy vẫn không ngừng yêu thương, quan tâm nhau mỗi ngày. Các ngày lễ tình nhân, quốc tế phụ nữ hay ngày lễ nào anh Phương cũng mua những món quà dễ thương tặng vợ như một cách thể hiện tình yêu chân thành của mình.
Cả hai đã có hơn 11 năm hạnh phúc. Trải qua nhiều thử thách, họ lại càng yêu thương nhau nhiều hơn. Nhung xúc động nói: “Được yêu, làm vợ anh ấy với tôi như một phép màu. Chúng tôi sinh ra là để sống với nhau”.
An Bình