Chuyện tình của đạo diễn Xuân Phượng: Tôi, ông xã và người thứ ba

29/03/2022 - 11:13

PNO - Muốn ba người (một người yêu, một người chồng, một người vợ) có một cuộc sống không ai chê trách được, thì ba người đó phải xứng đáng với nhau.

Đạo diễn Xuân Phượng ở tuổi 93 vừa trải lòng về đời mình tại Hội quán Các Bà Mẹ (Q.1, TP.HCM). Cuộc hôn nhân của bà rất ngang trái mà lại vun đầy, thiêng liêng. Bi kịch trái tim được bà gói gọn: “Tôi yêu anh Nam, nhưng tôi đã có thai với anh Hoàng”. 

Bà dừng lại, chờ cho dứt tiếng cười trong khán phòng, rồi nhẹ nhàng nói tiếp: “Bây giờ các bạn cười, còn tôi hồi đó thì khóc”. 
 

Lấy chồng vì tưởng anh đã có vợ rồi!

Bà từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là một trong ba người phụ nữ chế tạo thuốc nổ đầu tiên ở Việt Nam, là đạo diễn phim tài liệu, phóng viên chiến trường, bác sĩ, chủ phòng tranh Lotus nổi tiếng. 

Và đặc biệt bà viết hồi ký Áo dài bằng tiếng Pháp, được dịch ra nhiều thứ tiếng phát hành trên 300.000 bản; viết hồi ký Gánh gánh gồng gồng bằng tiếng Việt (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), được nhận giải thưởng Văn học 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam. Bà không đến để nói về thành tích lẫy lừng, bà lặng lẽ tái hiện những bước chân mình theo thăng trầm của đất nước. Kể để thấy phụ nữ thì đau khổ như thế nào và hạnh phúc như thế nào. 

Lát cắt nào của đời bà cũng khiến người nghe và người kể trào nước mắt. Khóc thì khóc, can trường vẫn can trường, Nguyễn Thị Xuân Phượng vốn vậy. Đó là những đoạn bà bị một người có thế lực quấy rối tình dục và bị chính kẻ ấy giam cầm, bà quyết tuyệt thực vì uất hận. Đó là bà ở tuổi 20 tại chiến khu Việt Bắc (Tuyên Quang), phải tự đỡ đẻ trên chiếc đò rách nát ngược dòng sông Lô; trời lạnh như cắt thịt da, bà phải cởi chiếc áo đẫm máu của mình quấn cho con trai mới lọt lòng…  

Một ngày năm 1949, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Yên Sơn thuộc Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Bộ Quốc phòng Việt Bắc - nơi cô bộ đội trẻ Xuân Phượng công tác đã xảy ra sự cố kinh hoàng khi chế tạo thuốc nổ. Cô ào đến băng bó vết thương cho đồng nghiệp, trong đó có một anh đã mất hẳn bàn tay, máu trào ra xối xả. Bỗng có vài giọt máu nhỏ xuống. Cô nhìn lên cọng dây điện, thấy một bàn tay vướng trên ấy, cô ngất lịm. Lát sau, cô hồi tỉnh trong tiếng vỗ về của một anh đồng nghiệp tên Hoàng: “Nín đi em, nín đi em!”. 

Sau cơn bàng hoàng, cô mệt và anh Hoàng đã ân cần chăm sóc, nấu cháo cho cô ăn. Một hôm, anh hỏi: “Anh rất yêu em, em có đồng ý làm vợ của anh không?”. Trước đó, cô chưa bao giờ có ý nghĩ này. Giữa rừng sâu, giữa lúc chế tạo vũ khí luôn căng thẳng mà có người bên cạnh, quan tâm và cầu hôn chân thành, sau ba giây suy nghĩ, cô gật đầu. 

Vài tháng trôi qua, một hôm, cô bất ngờ nghe tiếng gõ cửa thân quen “ba cái dài - hai cái ngắn - ba cái dài - hai cái ngắn”. Đó là ám hiệu mấy năm trước ở Huế khi cô và mối tình đầu muốn kín đáo hẹn gặp nhau. “Mình mơ chăng?”. Bởi đây là rừng sâu Tuyên Quang còn mối tình đầu đang ở tận Nghệ An, cách đến 500 cây số, bom đạn chiến tranh đã chia cách hai người.

Vợ chồng đạo diễn Xuân Phượng gian khổ có nhau
Vợ chồng đạo diễn Xuân Phượng gian khổ có nhau

Cô giật cánh cửa. Đúng là người xưa, anh Nam của cô đang đứng, bên cạnh là chiếc xe đạp. Anh Nam hỏi ngay: “Phượng! Tại sao em lấy chồng?”. Cô há hốc: “Em nghe tin anh đã lấy vợ rồi”. Anh hụt hẫng đáp: “Làm gì có”. Anh tỏ thái độ quyết liệt: “Không! Phượng! Gia đình anh lúc xưa đã đi hỏi Phượng rồi, để anh đến nói với anh Hoàng là xin lại Phượng”.

Đêm ấy trong rừng sâu, dưới gốc cây, ba người ngồi nói chuyện. Người vợ trẻ chỉ khóc, vì “tôi yêu anh Nam nhưng tôi đã có thai với anh Hoàng”. Cuối cùng, anh Hoàng nói: “Chúng ta nên nghĩ đến cái thai trong bụng của Phượng. Đứa bé có tội tình gì mà phải mất cha?”. Anh Nam ngồi suy nghĩ rất lâu và cuối cùng nói: “Thôi, mai tôi đi!”.

Người chồng tế nhị, quay vào nhà, để cặp đôi ngồi lại với nhau suốt đêm, kể đủ thứ chuyện, cười khóc đủ điều. Tờ mờ sáng hôm sau, cô tiễn anh Nam đoạn đường bảy cây số ra khỏi rừng. Đứng nhìn người yêu xuống đò, nhìn cho đến khi chỉ còn là cái chấm nhỏ trên mặt sông Lô, cô quay gót, lòng nặngtrĩu: “Mong sao những người có tình yêu đầu đừng bao giờ chịu cảnh chia ly như tôi”.

Tiễn anh Nam đi, cô vẫn rất nhớ, không biết sao mà mối tình ấy, hình bóng ấy vẫn ở trong đầu. Nhiều năm sau có dịp về lại Huế, cô một mình thăm lại những con đường mà hai người đã đi, nhìn chùa Thiên Mụ, dòng sông Hương… Tất cả kỷ niệm còn đây, nguyên vẹn, đậm sâu.

Lòng bao dung hóa giải “chuyện ba người”

Mối tình đầu nồng nàn, da diết trong tim nữ đạo diễn Xuân Phượng khiến những người tham dự trong khán phòng không khỏi ái ngại về cuộc sống hôn nhân của bà liệu có được êm ấm, trọn vẹn? 

Mái tóc bạc phơ, đôi môi nở nụ cười ấm áp, đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ: “Người ta có thể sống với một tình yêu và một tình nghĩa vợ chồng hay không? Riêng tôi, có thể được. Bởi vì tình yêu là cõi thơ mộng của mình nên giữ trong lòng mình lâu lắm. Giờ tôi nói chuyện với các bạn mà tôi vẫn còn nhớ 80 năm trước, anh Nam mặc áo trắng đứng chờ tôi để cùng đi học trên “con đường chim sẻ” của hai đứa rợp bóng hoa phượng chạy giữa hai trường Đồng Khánh và Khải Định (Huế). Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ anh Nam, điều đó không ngăn cản tôi cảm động, biết ơn và quý mến anh Hoàng. Đối với tôi, hai tình cảm ấy không bị ảnh hưởng, mâu thuẫn nhau”.

Có người nghe chuyện bà trở dạ sinh con đầu lòng, thập tử nhất sinh chỉ có một mình, nên bức xúc nói: “Chồng sao ác thế, vợ đẻ đến nơi mà đành đoạn bỏ đi, gặp chồng tôi là tôi bỏ phứt cho rồi”. Nhưng, bà hiểu chồng là người bộ đội có trách nhiệm cao với công việc. Ở đơn vị có cuộc họp rất quan trọng, không thể bỏ được thì ông đã biết cân nhắc sự cần thiết của công việc và chăm lo cho gia đình. Và ông cũng đã nhờ hai người lái đò giúp đưa vợ đi sinh nở.

Người đàn ông có lúc tưởng lạnh lùng, vô tâm ấy, cũng chính là người gồng mình chống chịu cái rét thấu xương của núi rừng Việt Bắc vì chiếc chăn duy nhất ông đã cắt thành nhiều mảnh làm tã cho con. Bà trải lòng rằng người vợ phải có tấm lòng vị tha, phải hiểu chồng, nhìn nhận toàn diện thì mới có được sự hòa hợp, hạnh phúc.

Vợ chồng đạo diễn Xuân Phượng trong ngày bà đón Huân chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh của Chính phủ Pháp tháng 7/2011
Vợ chồng đạo diễn Xuân Phượng trong ngày bà đón Huân chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh của Chính phủ Pháp tháng 7/2011

 

Khi cả hai gia đình đã về sống ở Hà Nội, một lần ông Nam đến tìm gặp bà Phượng xin phép đặt tên “Nam Phượng” cho con gái đầu lòng của ông. Bà cự tuyệt. Ông bộc bạch: “Phượng ơi! Lòng anh mãi không nguôi được”. Bà vừa nói vừa khóc nhưng thái độ vẫn dứt khoát: “Anh không nguôi là việc của anh còn anh đặt tên thế này gây đau đớn cho người đàn bà thứ hai, là vợ anh, là người vừa mang nặng đẻ đau”. Cuối cùng, đứa bé được đặt tên là Nam Phương, sau này lớn lên lại có nhân duyên trở thành học trò thân yêu của ông Hoàng.

Khoảng năm 1990, gia đình đã vào sống ở Sài Gòn, bà nhận được dòng thư của ông Nam với nội dung: “Anh bị ung thư, anh muốn vào Sài Gòn điều trị và để được chết bên em”. Ông Hoàng viết gửi ra lá thư thăm hỏi và mở lời: “Anh Nam ơi! Anh cứ vào đi, chúng tôi sẵn sàng”. Mỗi chiều, bà vào thăm ông Nam ở Bệnh viện Thống Nhất. Sức khỏe ông yếu dần, cho đến một hôm trong cơn hấp hối, ông đưa mắt tìm quanh. Vợ ông Nam hiểu ý, nói: “Chị Phượng ơi! Anh Nam gọi chị đó”. Bà đến gần, ông nắm lấy bàn tay, tay ông đã bắt đầu lạnh. “Thôi anh đi trước, cảm ơn em!” - ông Nam thều thào rồi nhắm mắt, xuôi tay.

Hoảng loạn trước sự ra đi của mối tình đầu, bà tìm đường sang Pháp mong khuây khỏa tinh thần. Sẵn vốn tiếng Pháp và kỹ năng báo chí, bà làm việc cho Đài truyền hình Pháp. Thời gian vài năm tại Pháp là cơ duyên để bà mở phòng tranh nhằm giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đến nét đẹp văn hóa - lịch sử Việt Nam.

Giữ được mối tình trong sáng, nồng ấm như vậy sau này nghĩ lại, bà tự hài lòng về mình và biết ơn chồng - phó giáo sư Tôn Thất Hoàng (Trường đại học Bách khoa Hà Nội).

Người đàn bà sống xuyên thế kỷ chợt trầm tư: “Sống chung 62 năm cho đến khi chồng tôi qua đời năm 2011, tôi ngày càng hiểu và cực kỳ cảm động trước tầm trí thức, lòng tốt, sự bao dung của anh ấy. Nếu anh ấy cấm đoán, hằn hộc, chửi rủa… có lẽ tôi đã ra đi. Tính tôi rất ngang ngạnh. Và, muốn ba người - một người yêu, một người chồng và một người vợ - có thể có một cuộc sống không ai chê trách được thì ba người đó phải tỏ ra xứng đáng với nhau”. 

Tô Diệu Hiền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI