Chuyện tình của cô giáo dạy trẻ tự kỷ

20/11/2020 - 16:28

PNO - Làm nghề tư vấn và dạy trẻ em tự kỷ, nhưng ít ai biết cô Truân đã có thời gian khủng hoảng tâm lý nặng nề vì chuyện gia đình.

Vợ là cô giáo dạy trẻ chuyên biệt ở Nha Trang, chồng là thầy giáo trong môi trường quân đội. Cùng ngành giáo dục, nhưng Thiếu tá - Tiến sĩ Nguyễn Đình Nam luôn tự nhận mình là một học sinh đặc biệt của "cô giáo vợ” Võ Huỳnh Truân.

Vì yêu trẻ, cô Truân được nhiều phụ huynh có con tự kỷ ở Nha Trang biết đến nhiều (Ảnh nhân vật cung cấp)
Vì yêu trẻ, cô Truân được nhiều phụ huynh có con tự kỷ ở Nha Trang biết đến nhiều (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tin nhắn lạc nên duyên vợ chồng

Cuộc sống vốn có nhiều chuyện bất ngờ, như một dòng tin nhắn sai địa chỉ lại gắn kết những con người chưa từng gặp mặt và cách xa nhau nên duyên vợ chồng.

Thay vì gửi tin nhắn hỏi thăm tình hình học sinh vào số điện thoại của phụ huynh tên Nam, cô giáo Truân lại gửi sang cho thầy giáo cũng tên Nam mà cô chưa hề biết mặt (số do một người bạn tự ý nhập vào điện thoại). Thôi thì trước lạ sau quen, anh Nam chủ động mời cà phê cô Truân mấy ngày sau đó.

Tin nhắn lạc làm nên duyên vợ chồng của anh chị Nam Truân (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tin nhắn lạc nên duyên vợ chồng anh chị Nam - Truân (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau buổi gặp đầu tiên, đôi bên thấy không hợp nhau. Họ chỉ xem nhau như những người bạn mới quen chứ không xác định gì. Cho đến một hôm, điện thoại anh Nam reo lên lúc 11 giờ đêm, đầu máy bên kia là cô gái với giọng nói hoảng hốt: “Anh ơi, chị Truân bị trúng gió mà xóm trọ không có ai”.

Khi chạy tới nơi, trước mắt anh Nam là cô gái da xám ngắt, chân tay lạnh cóng. Chẳng biết xử lý thế nào, anh điện thoại cho mẹ ở quê. Nhờ sự hướng dẫn từ xa, anh Nam và cô gái cùng phòng đã giúp chị Truân tỉnh lại. Chị cảm ơn anh bằng nụ cười ái ngại.

Từ đó, 2 người nhắn tin với nhau nhiều hơn. Chị chia sẻ cùng anh sự phân vân “nên hay không nên ở lại giảng đường”.

Là sinh viên xuất sắc của trường Cao đẳng sư phạm Trung ương II (Nha Trang), chị Truân được giữ lại trường giảng dạy. Cô giáo của khoa Giáo dục đặc biệt muốn được làm việc bên ngoài để có môi trườngthoải mái hơn, trong khi người thân muốn chị yên ổn với công việc mà nhiều người ao ước.

Anh Nam lắng nghe, cảm thông và động viên chị tìm công việc yêu thích, dù có vất vả. Chính sự đồng điệu này, tình cảm hai người đã tiến triển theo chiều hướng khác. Họ nghiêm túc tiến tới hôn nhân trước khi anh Nam ra Hà Nội học thạc sĩ.

Cùng nhau qua những ngày cơ cực

Làm vợ bộ đội, chị Truân quen với cuộc sống không có anh bên cạnh. Cưới nhau 10 năm thì 8 năm họ xa nhau. Chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con cái, không phải cứ nghĩ ổn là ổn, cứ gieo hạt thì cây sẽ nảy mầm, hôn nhân của anh chị đã trải qua ngày tháng thăng trầm tưởng không lối thoát.

8 tháng sau khi cưới, anh Nam đón tin mừng ở xa khi vợ mang bầu. Nhưng tiếng cười chẳng tròn môi khi em bé trong bụng gặp sự cố. Chị Truân không được làm mẹ, anh Nam cũng chẳng còn tâm trí để học hành. Anh muốn bỏ giữa chừng để về bên vợ, nhưng chính chị là người cản anh làm điều đó.

Cuối năm 2011, gia đình hai bên hồi hộp trước tin chị Truân có bầu lần nữa. Mừng là thấy con tiến triển từng ngày, nhưng chứng thai nghén lại hành hạ khiến người mẹ trẻ không ăn không uống được suốt 7 tháng trời.

Nội ngoại ở xa, lương chồng gửi về chỉ đủ trả tiền thuê phòng trọ hàng tháng, một mình chị Truân vật lộn với những cơn nôn thốc nôn tháo rồi chạy xe đi dạy ở các trung tâm. Không cố sao được, bởi chị nghỉ buổi dạy nào là không có tiền chợ ngày hôm đó.

Rồi mọi chuyện tốt đẹp khi bé Cà Phê ra đời khỏe mạnh, nhưng nuôi con cũng lắm gian nan. Vừa chăm con hay ốm vặt , vừa đi dạy khắp thành phố, chị Truân còn nhận nuôi dạy một cháu nhỏ bị tự kỷ, do bố mẹ cháu đi làm ăn xa. 

Chồng đi xa biền biệt, một mình cô giáo Truân ở nhà xoay xở với bầu bì, sinh con và vất vả mưu sinh (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chồng đi xa biền biệt, một mình cô giáo Truân ở nhà xoay xở với mang thai, sinh con và vất vả mưu sinh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Nam đi học từ cao học sang làm nghiên cứu sinh và đi thực tế ở đơn vị ngoài, chừng đó thời gian chị Truân gồng gánh gia đình. Áp lực tiền bạc, nuôi con một mình khiến cô giáo dạy trẻ chuyên biệt và chuyên trị liệu tâm lý giúp phụ huynh cũng stress nặng.

Khi có bầu bé thứ hai, chị Truân không kiểm soát được hành vi. Chị ghét tất cả mọi thứ, ghét ai chào hỏi mình, ghét những câu chuyện bâng quơ. Chị sợ ánh sáng mặt trời, chị khóc như một đứa trẻ, chị trút sự tức giận lên cậu bé Cà Phê.

6 tuổi, Cà phê đã phải tự tắm rửa, tự lấy cơm ăn và phải ngoan nếu không muốn bị má Truân nổi giận.

Mệt vì thai hành một lẽ, chị Truân còn căng thẳng khi bị kẻ xấu lừa tiền. Những tưởng sẽ mua được căn nhà cấp 4 để mẹ con sinh hoạt thoải mái hơn, nào ngờ đất không có giấy tờ, cận ngày sinh người vợ trẻ còn rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

May mà bà nội khăn gói tới kịp, chú út cho mượn ít tiền, bà ngoại hỗ trợ thêm, em Cà Bung của anh Cà Phê đã cất tiếng khóc chào đời, nhưng mẹ Truân lại rơi vào nguy kịch. Chị bị mất nhiều máu do chứng máu không đông. Tưởng mình sẽ qua đời khi chưa kịp ôm 2 đứa con vào lòng, chị đã nói với chồng một câu nghiệt ngã: “Đừng trách vợ lâu nay hay đòi viết đơn ly dị”.

Nhưng rồi tất cả đã qua, tiếng khóc con thơ đánh thức tình mẫu tử, chị hạnh phúc làm mẹ lần nữa ở tuổi 33.

Về phần anh Nam, tết cũng không có đồng nào đưa về cho vợ con sắm sửa. Cảm giác bất lực vô dụng khiến anh tự ti. Đã có lúc anh muốn dừng chuyện học, bỏ hết tất cả để về với gia đình. Nhưng khi bình tĩnh lại, anh thấy mình không thể phụ lòng cấp trên, nhất là chuỗi ngày vợ anh đã chiến đấu một mình trong túng thiếu. Điều đó càng thôi thúc anh làm tốt mọi việc để sớm được về gần vợ gần con.

Học được từ vợ rất nhiều

Nụ cười đã trở lại trên môi chị Truân khi anh Nam chuyển công tác gần nhà, các con cũng qua giai đoạn chăm bẵm, kinh tế cải thiện hơn. Điều anh Nam có thể bù đắp cho vợ con khi ở nhà là anh làm hết mọi việc để chị dành thời gian nhiều cho các em học sinh.

Có người vợ giỏi chịu đựng, biết hy sinh và những đứa con ngoan, thầy giáo Nam luôn khoe với mọi người rằng mình là người may mắn (Ảnh nhân vật cung cấp)
Có người vợ giỏi chịu đựng và những đứa con ngoan, thầy giáo Nam luôn khoe với mọi người rằng anh là người may mắn (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bản thân là giáo viên trong môi trường kỷ luật, nghiêm khắc, nhưng anh Nam vẫn nể phục chị Truân tính nhẫn nại, kiên trì. Hoàn cảnh sống, môi trường làm việc đã tôi rèn thêm bản lĩnh cho người vợ của một quân nhân. Chị có thể ngồi hàng giờ để lặp lại 1 động tác với trẻ tự kỷ, chị tập trung cao độ trong công việc mà không bị việc riêng chi phối phân tâm.

Dung hòa tốt áp lực công việc và khó khăn trong cuộc sống, càng ngày chị Truân càng tự tin. Chị truyền năng lượng tích cực sang chồng con, khiến không khí gia đình luôn thoải mái, vui vẻ.

“Vợ mình tên Truân, cái truân chuyên gian khó đuổi theo từ khi bố cô ấy qua đời, em trai bị bại liệt chỉ nằm một chỗ. Lấy chồng mà có được gần chồng là bao, tôi chẳng giúp vợ được gì. Bao lần thai nghén, sinh nở, nợ nần, vợ đều tự xoay xở. Vậy mà cũng tích cóp được tiền mua chung cư, nuôi dạy 2 con ngoan và mau lớn. Giờ là lúc cuộc sống của cô ấy “thoát ly” khỏi cái tên. Cô ấy sẽ không đơn độc nữa”, vừa nói anh Nam vừa sửa soạn áo quần cho hai con để cả nhà đi chơi ngày Nhà giáo Việt Nam. Vì cũng lâu rồi, gia đình họ không được cùng nhau đón các ngày lễ lớn.

Lâm Hoàng

                                                                              

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Đình Nam 21-11-2020 22:25:34

    Đi qua rất nhiều vất vả, gian khổ... Mơ ước lớn nhất của anh là thấy được nụ cười thật to và thật tươi của em. Cảm ơn nhà báo rất rất nhiều. Thật sự không biết nói gì. K biết phải nói gì nữa để thể hiện lòng biết ơn. Anh chỉ biết nghĩ rằng, tất cả hãy cứ sống thật tốt, thật chân thành... Còn lại cứ để mọi thứ đến thật tự nhiên.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI