Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình giáo chức nghèo nhưng luôn ngập tràn tiếng ca hát của mẹ và lời rủ rỉ kể chuyện của bố. Khi trưởng thành, tôi vượt qua nhiều cú sốc cuộc đời, vươn tới đam mê với những thành tựu nho nhỏ một phần nhờ nền tảng ấm êm này…
Từ khi còn bé, chị em tôi đã nghe kể về chuyện tình yêu của bố mẹ. Bố tôi là giảng viên văn học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Bắc, nơi mẹ tôi là sinh viên theo học. Chàng trai trẻ Hà Nội sớm bị hút hồn bởi cô sinh viên hiền lành có mái tóc suôn dài óng ả và giọng hát cao vút, trong veo.
Những rung động tinh tế từ 2 phía sớm chạm đến nhau. Nhưng phải vượt qua không ít khó khăn, chuyện tình ấy mới đơm hoa kết trái.
|
Tình yêu của bố mẹ son sắt đến hôm nay (ảnh nhân vật cung cấp) |
Phía nhà nội lo ngại những trở ngại về mặt địa lí kéo theo sự khác biệt về văn hoá, lối sống vùng miền; còn phía nhà ngoại không mấy thiện cảm với gia cảnh chẳng lấy gì làm dư dả của nghề giáo. Bản thân người trong cuộc là bố tôi cũng đầy những băn khoăn và có phần tự ái với bên ngoại.
Nhưng rồi vượt lên trên tất cả, bằng tình yêu, chuyện tình của cha mẹ tôi cũng kết thúc bằng một đám cưới giản dị. Như mọi đám cưới của những năm 1970, mẹ tôi mặc áo sơ mi trắng, ôm bó hoa lay ơn trắng, mái tóc dài buộc gọn sau lưng; bố tôi mặc áo sơ mi trắng bỏ trong quần gọn gàng. Ông ngoại tôi có hiệu ảnh ở Phủ Lạng Thương (Hà Bắc), nên những bức ảnh cưới từ hồi đó vẫn được giữ và rõ nét tới giờ.
Sau đám cưới, bố mẹ tôi sống và làm việc tại nơi bố tôi công tác, cũng là quê ngoại tôi - tỉnh Hà Bắc - thỉnh thoảng mới về Hà Nội. Giai đoạn cuối của thai kì, do thai to quá nên ông bà cứ nghĩ là thai đôi.
Hồi ấy, bố thường chở mẹ tôi bằng xe đạp thong dong trên phố phường Hà Nội. Mẹ tôi ngồi sau véo von hát những bài hát như Đôi bờ, Bên kia cầu Hiền Lương... họ thủ thỉ sẽ đặt tên con là Hồng Giang và Thương Giang, một đứa mang tên dòng sông quê cha, một đứa mang tên dòng sông quê mẹ!
Viện C (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) vào một đêm sáng trăng năm 1975, sau những cơn đau quằn quại, mẹ tôi sinh ra chị gái tôi, và cái tên Hồng Giang ra đời như thế.
3 năm sau, bố mẹ có thêm cậu con trai kháu khỉnh, là anh tôi. Nhưng thật đau đớn, nỗi đau của đại gia đình đã xảy ra đó sau 3 năm, khi bố tôi công tác biền biệt tại đất mũi Cà Mau, mẹ và các anh chị tôi đi đi về về giữa Hà Nội và Bắc Giang. Anh tôi ngã xuống hố vôi mới tôi, ngay gần nhà ông bà nội, vĩnh viễn chia xa ông bà bố mẹ các cô chú ở tuổi lên 3.
Bà nội tôi vì quá đau xót, đã lâm bệnh nặng rồi ra đi sau đó 1 năm. Bố mẹ tôi đã cùng nhau gượng qua giai đoạn khủng khiếp để tiếp tục sống, làm việc.
Tôi sinh ra đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Khi ấy bố tôi đã trở lại Hà Bắc công tác, làm nhiều vị trí khác nhau trong ngành giáo dục. Tôi nhớ lắm cảm giác cả nhà quây quần bên nhau trong những bữa ăn. Tôi chẳng nhớ cụ thể mâm cơm có gì, nhưng chắc chắn là vô cùng đơn sơ, vì đến Tết thì trong nhà cũng chỉ có ít thịt áp chảo trên bếp và mấy cái bánh chưng. Có hoa đào nhưng là hoa tưng bừng trên tấm bảng đen to nhất nhà, ngoài ra là sách. Thế thôi, nhưng tôi là đứa trẻ luôn vui vẻ và hạnh phúc.
|
Bố mẹ và 2 chị em gái cùng các cháu ngoại của ông bà (ảnh nhân vật cung cấp) |
|
Bố mẹ và chị em tôi một ngày mùa đông (ảnh nhân vật cung cấp) |
Mẹ tôi hiền và hay hát, nhà tôi luôn có học sinh nhỏ tuổi của bà đến chơi. Chị tôi lớn hơn tôi tận 7 tuổi, chẳng mấy khi thấy chị ở nhà, vì chị đi học suốt. Nhưng cứ chiều đến, nhất là những buổi chiều đông, tôi nhớ chị tôi lắm. Chị thường lúi húi khui từ trong tro ấm ra cho tôi một củ khoai tây nướng thơm lựng, bở tơi, hoặc một củ tỏi nướng thơm lừng.
Bố tôi làm hiệu trưởng ở trường khá xa nhà, ông đi suốt, vất vả lắm. Đêm 30 Tết hoặc những ngày bão lũ, bố thường ở lại trông trường chứ chẳng ở nhà. Nhưng hầu như tối nào ở nhà, ông cũng ru tôi vào giấc ngủ bằng những câu chuyện kể, từ cổ tích đến con đường dạy học của bố từ điểm trường ở Cao Bằng xuống mũi Cà Mau, hay những câu chuyện về họ hàng, dòng tộc. Với những câu chuyện về ký ức hay cội nguồn, ông luôn bắt đầu bằng 2 chữ "Hà Nội...". Khi đó tôi biết bố nhớ quê, nhớ ông bà và các cô chú. Bố đã đi xa nhà lâu quá rồi...
Mãi đến khi bố tôi nghỉ hưu, tức là tầm 30 năm xa Hà Nội, bố tôi mới được trở về quê và đương nhiên mẹ con tôi đi cùng. Cả gia đình tôi được sống quây quần với ông nội, kế bên là người chú ruột.
Hồi đó là tôi học cấp III. Mặc dù đời sống gia đình đã khá hơn nhiều khi tôi còn nhỏ, nhưng nhà tôi luôn định vị ở mức nghèo so với mặt bằng chung. Bố tôi tiếp tục đi làm liên tục tận 10 năm sau đó và may mắn là vẫn gắn bó với học đường. Mẹ tôi nghỉ sớm hơn để lo cho gia đình và chăm cháu ngoại khi chị tôi đi nước ngoài hoàn thiện tấm bằng thạc sĩ.
|
Tôi và con trai chụp ảnh cùng bố mẹ (ảnh nhân vật cung cấp) |
Ban ngày bố đi làm, tối về, nhiều khi ông vẫn giúp mẹ tôi giặt một chậu quần áo đầy, bởi ông thương mẹ cả ngày vất vả với cha già và cháu nhỏ. Bận và mệt là thế nhưng bố vẫn luôn dành thời gian cho cô con gái út - là tôi.
Bố thường trò chuyện cũng như gợi mở cách học, cách nghiên cứu cho tân sinh viên. Thỉnh thoảng 2 bố con đi nghe nhạc, dự toạ đàm sách, đi thăm thầy cô giáo hay bạn bè của bố mẹ. Đến khi tôi tốt nghiệp, đi làm, rồi lấy chồng sinh con, bố mẹ vẫn dõi theo và nâng đỡ phía sau, giúp tôi vượt qua những ngọn núi sừng sững chông gai tưởng như không cách nào qua được. Đó cũng là tiền đề để tôi luôn thấy réo rắt những thanh âm tươi vui từ cuộc sống và công việc, những điều vốn chẳng dễ dàng với ai. Tôi đã chạm được vào đam mê làm sách, đã đạt chút ít thành tựu mà tôi biết bố mẹ là những người mừng nhất.
Giờ ngẫm lại, những câu chuyện thực tế cũng như tình yêu và lối sống của bố mẹ chính là những bài học thấm đẫm vào chúng tôi, tạo thành sức mạnh để chị em tôi tự tin trưởng thành và vượt qua khó khăn bất trắc.
Lê Thùy Dương (Hà Nội)
Dù thăng trầm bão giông hay nhẹ nhàng yên ả, câu chuyện tình yêu của cha mẹ luôn khiến những đứa con xúc động. Hãy kể, chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ TPHCM hành trình hạnh phúc của cha mẹ bạn... Bài viết kèm hình ảnh có bản quyền xin gửi về địa chỉ: online@baophunu.org.vn. Tác phẩm được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. |