Chuyện tình cha mẹ tôi: Hơn 20 năm xa cách rực sáng niềm tin

28/06/2024 - 09:53

PNO - Cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi là minh chứng cho việc quả ngọt sẽ đến với những ai biết thủy chung và chờ đợi.

Tôi là con gái út trong gia đình có 4 chị em, và cũng là người thiệt thòi nhất vì hơn 20 năm trời từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, tôi chưa từng được gặp mặt ba, tôi chỉ biết về ông qua những lời tỉ tê của mẹ.

Ba tôi là một chiến sĩ cách mạng đã thoát ly lên rừng và tham gia kháng chiến từ những ngày đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng chính vì lý tưởng muốn giành lại độc lập tự do cho quê hương mà sau khi cưới được vài tháng thì ba mẹ tôi xa nhau.

Tình cảm của đôi vợ chồng trẻ bị chiến tranh chia cắt, nhưng trong lòng mỗi người vẫn không nguôi thương nhớ. Thỉnh thoảng đơn vị vẫn sắp xếp để ba về thăm nhà.

Ba mẹ tôi lúc tuổi xế chiều
Ba mẹ tôi lúc tuổi xế chiều

Năm 1953, lúc tôi chào đời thì ba tôi đã chuyển công tác ra Bắc. Tôi ở lại quê tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị cùng mẹ và các chị học hành, lo việc buôn bán, ruộng nương và phụ chăm bà nội già lúc đó đã bị mù. Nhiều lần, tôi chứng kiến mẹ tôi thay ba vào vai trụ cột trong nhà, gánh trên vai trăm công nghìn việc, vừa chăm con, dạy con, lo đối nội, đối ngoại. Suốt mấy chục năm trời ròng rã chu toàn, vất vả gánh vác gia nương, tôi chưa bao giờ nghe từ mẹ một lời trách móc, ca thán. Các anh chị và tôi sau đó đều được nuôi dạy tử tế, ăn học đàng hoàng.

Có lần, vì mong ba quá, tôi hỏi thì chỉ nghe mẹ trả lời vỏn vẹn một câu: “Con chịu khó chờ, rồi ba sẽ về khi quê hương lặng im tiếng súng”.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng căn nhà mình đang sống một ngày bị giặc tràn vào châm lửa đốt. Căn nhà rường bao bọc bằng khung gỗ, từng bức vách, chiếc cột là nơi vui đùa, in dấu kỷ niệm của gia đình bỗng dưng bốc cháy phừng phừng trong một buổi chiều mùa hạ. Vì nghi ngờ mẹ tôi là cán bộ nằm vùng, nghi ngờ nhà tôi là cơ sở che giấu cách mạng nên giặc chẳng chút nương tay. Mấy chị em tôi lấm lét sợ sệt, có đứa nức nở òa khóc bị mẹ dồn chạy xuống phía bờ sông.

Mẹ còng lưng vất vả, bà nội mù lòa, nhà cháy với tôi đều là những ký ức buồn của tuổi thơ. Thế nhưng nỗi canh cánh lớn nhất trong lòng của một đứa con vẫn là chờ ngày hòa bình để được gặp cha - người đàn ông mà đêm đêm chỉ được nghe qua lời mẹ kể.

Tháng 4/1975, đất nước thống nhất. Tôi lúc đó đã là cô thiếu nữ bước sang tuổi 22, mỗi ngày vẫn cùng mẹ gánh hàng xuống chợ huyện cách nhà gần chục cây số bán buôn.

Thế rồi, một ngày giữa tháng 5, sau khi bán hết hàng, trở về từ phiên chợ sớm, mẹ và tôi thấy ở cổng nhà có một chiếc xe Jeep, tiếng cười nói xôn xao trong nhà vọng ra. Chúng tôi ùa vào, trước mắt là vòng tay cha đang dang rộng. Sau quãng đời biền biệt, ông đã trở về.

Mãi sau này, khi trò chuyện với cha, tôi mới biết lý do vì sao suốt quãng thời gian từ khi sinh tôi ba không thể về nhà là do nhiều vấn đề liên quan đến tình hình đấu tranh ở chiến trường Miền Nam liên tục xảy ra ác liệt. Ba tôi lúc đó đang là Trưởng Ty Giao thông vận tải Bình Trị Thiên, ông chính là người nhận lệnh từ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên xây dựng chiếc cầu phao nối liền sông Thạch Hãn góp phần giúp các phương tiện cơ giới của ta rút ngắn thời gian để thống nhất đất nước.

Nhà ba mẹ trở thành điểm hẹn của con cháu gần xa
Nhà ba mẹ trở thành điểm hẹn của con cháu gần xa

Sau khi hòa bình lập lại, cuộc sống của ba mẹ tôi trôi qua bình dị trong căn nhà nhỏ bên dòng sông lịch sử. Căn nhà trở thành điểm hẹn lý tưởng cho con cháu khắp nơi tụ về mỗi khi có dịp để cùng vui chơi, trò chuyện, ôn lại một chặng đời đầy chông gai đã qua.

Điều đặc biệt, dù những ngày con cháu đông đúc, hay sau này khi cả cha và mẹ đều già yếu, gia đình có thuê giúp việc để đỡ đần, nhưng riêng việc ăn uống của ba, mẹ tôi luôn muốn là người duy nhất đảm trách. Mẹ hiểu từng sở thích, thói quen của ba. Ba thích uống nước đậu đỏ rang vào mỗi sáng, thích ăn cá sông kho với ớt hiểm, tiêu xanh thu hái quanh vườn nhà. Vì răng ba yếu, nên mỗi lần ông muốn ăn thịt bò, mẹ tôi thường đặt nghiêng lưỡi dao, cầm thớ thịt thật chắc tay rồi xắt thật mỏng.

Mẹ chăm ba, bù đắp cho ba vì nghĩ ông tuổi trẻ bôn ba chiến trận, vào sinh ra tử mất sức, mà quên đi bản thân mẹ cũng từng mấy mươi năm còng lưng hy sinh, đánh đổi.

Ba mẹ và ba con gái
Ba mẹ và 3 con gái

Đời vợ chồng của ba mẹ tôi không chỉ là minh chứng cho quả ngọt sẽ đến với những ai biết tin tưởng và chờ đợi, mà còn là sự xác tín cho lựa chọn đúng đắn khi mỗi người đã chọn đúng người để yêu thương. Những năm tuổi già, mặc dù ba tôi không phải là người thạo việc, nhưng bù lại ông rất hài hước và quan tâm mẹ tôi. Những câu nói của ông tuy ngắn nhưng luôn tri túc và hài hước khiến mẹ bật cười sảng khoái, sống đời bình yên. Trong mắt mẹ, cha cũng là “soái ca” tính tình quyết liệt, khẳng khái, nói được làm được những việc khó trong đời.

Năm 2013, vì tuổi cao sức yếu, mẹ tôi sau một thời gian lâm bệnh đã qua đời. Ba tôi lúc đó sức khỏe vẫn tốt, trí tuệ tinh anh, nhưng vì buồn bã, thương nhớ mẹ mà một năm sau cũng xa rời con cháu về miền an tĩnh tìm người thương.

Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại chuyện đời của ba mẹ, tôi như đang tua lại một thước phim sống động. Ở đó, đức hy sinh, yêu thương, bao dung, lòng chung thủy của ba mẹ là món quà giá trị để chúng tôi trân trọng, soi mình.

Trần Thị Quy (Quảng Trị)

Dù thăng trầm bão giông hay nhẹ nhàng yên ả, tình yêu của cha mẹ luôn khiến mọi đứa con xúc động khi nghĩ tới.

Hãy kể, chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ câu chuyện tình yêu thiêng liêng và hành trình hạnh phúc của cha mẹ bạn...

Bài viết kèm hình ảnh có bản quyền xin gửi về địa chỉ: online@baophunu.org.vn. Tác phẩm được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định của toà soạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI