Cách đây 7 năm, khi muốn ly hôn, tôi gọi điện về cho ba chồng. Ba hỏi lý do và tôi kể thật nhiều về những ấm ức, vướng mắc.
|
Ba mẹ chồng của tôi rất thích chụp ảnh cùng nhau. Trong hình là ông bà vào tết nguyên đán 2024 - Ảnh tác giả cung cấp |
Ba tôi từ tốn nói: “Ngày xưa, lúc ba còn công tác thì ba mẹ cũng không ít lần ghen tuông giống như con bây giờ. Mà chuyện có gì đâu, toàn là hiểu nhầm thôi, làm khổ cả hai”. Ba kể cho tôi chi tiết những khúc mắc của ba mẹ ngày xưa và phân tích tính cách chồng tôi, về chuyện một đàn ông nếu thực sự muốn ngoại tình họ sẽ ứng xử ra sao…
Khác với nhiều người, tôi hay tâm sự với ba chồng về chuyện hôn nhân hơn mẹ chồng. Mẹ chồng tôi rất tốt, nhưng bà vốn kiệm lời, không mấy khi đúc rút kinh nghiệm sống hay muốn nói về những thứ quá cao xa. Với tôi, mỗi lời ba chồng nói đều cho tôi góc nhìn rất khách quan từ phía tâm lý đàn ông. Ba không đưa ra những lời khuyên, mà chỉ chia sẻ những câu chuyện từ thực tế hôn nhân của ba mẹ, phân tích về tình huống mà tôi đang gặp phải rồi nhắc với tôi: “Muốn làm gì cũng được, nhưng phải suy nghĩ kỹ!”.
Mẹ chồng tôi là con một trong gia đình bố là liệt sĩ, mẹ mất sớm vì ung thư. Tôi không biết nhiều về chuyện tình thời trẻ của ba mẹ, nhưng từ khi về làm dâu, tôi luôn ngưỡng mộ câu chuyện của ông bà thông qua những quan sát và cảm nhận.
Ba mẹ tôi lúc nào cũng xưng “anh, em” ngọt ngào với nhau. Tôi chưa từng thấy ông bà xưng “tôi” hay tệ hơn là “tao, mày”, dù bực bội đến mấy. Mỗi lần mẹ tôi ốm, ba đều sốt sắng đi hỏi mua thuốc, đưa đi khám, chăm sóc bà tỉ mỉ, tận tâm.
Ba đi đâu cũng mua quà về cho mẹ, luôn gắn tên ba mẹ cùng nhau ở khắp mọi nơi, từ biển hiệu cho đến quà lưu niệm, lời giới thiệu… Sự phân vai của ông bà trong gia đình rất rõ ràng: ba lo chuyện tài chính, mẹ lo chuyện bếp núc và chuyện nuôi dạy con cái luôn là của cả hai.
Ba mẹ tôi có thể khác nhau về suy nghĩ hoặc trong lúc bàn luận về một vấn đề, nhưng khi “phát ngôn” trước mặt con cái hay bên ngoài thì chỉ một quan điểm chung. Ba nhiều lần khuyên tôi: “Chuyện này con nên hỏi mẹ”, mẹ thì hay nói: “Chuyện này ba sẽ có cách tốt hơn”…
Hồi mới về làm dâu, tôi thường ganh tị với chồng mình khi được lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, khác hẳn với tôi. Những năm tháng tuổi thơ, tôi luôn nằm co ro, sợ hãi mỗi lần cha mẹ cãi vã, cha đập phá đồ đạc hoặc đuổi đánh mẹ trong đêm. Và tôi dễ dàng nhận ra sự đối lập giữa tôi và chồng khi trở thành những người lớn.
Chồng tôi rất bình tĩnh trong mọi cuộc cãi vã. Anh đóng cửa mỗi lần thấy tôi “lên cơn điên" vì sợ con nghe thấy. Anh ít khi cao giọng mà cứ kiên nhẫn giải thích hoặc nói cho tôi hiểu, đặt hạnh phúc gia đình lên trên mọi lý lẽ. Còn tôi khi mất kiểm soát thường cứ như một con hổ sổng chuồng, sẵn sàng lao vào cào cấu và hét to như muốn ném lửa vào người khác, chỉ mong người ta bị thương.
Tôi luôn tin rằng cuộc hôn nhân đẹp của ba mẹ chồng đã cho tôi một người chồng chừng mực và tử tế. Nếu không có ông bà, chắc chắn chúng tôi đã chẳng còn chung sống chung đến ngày hôm nay.
Tôi vẫn nhớ mãi lần ba chồng nói: “Các con bây giờ đến với nhau vội vàng quá nên chưa hiểu hết nhau, cũng ít khi chịu hi sinh vì nhau, đụng một chút là có thể nghĩ đến chuyện chia tay. Thời của ba mẹ, yêu nhau dài lâu, chịu bao nhiêu gian khó nên có lẽ biết cách trân trọng hạnh phúc khi được ở bên nhau hơn. Con biết không, ba mẹ viết thư tay cho nhau qua lại trong suốt mấy năm, đến bây giờ, ba vẫn còn cất giữ. Sau này trước khi ba mất, ba sẽ công bố những lá thư ấy cho các con xem và hiểu”.
|
Gia đình chồng tôi mỗi năm đều chụp những hình lưu niệm vào dịp tết - Ảnh tác giả cung cấp |
Tôi biết điều ba muốn nhắc nhở con dâu là gì. Vì không chỉ một hai lần tôi nói với ba tôi chuyện muốn ly hôn. Cứ bất mãn chút là tôi nói với chồng: “Tôi thật sai lầm khi lấy phải anh!” sau đó đòi ly hôn. Những lá đơn ly hôn mà tôi muốn viết trong 5 năm đầu hôn nhân, nếu thực sự được viết ra, chắc phải tính bằng con số hàng trăm
Vợ chồng tôi đến với nhau vội vàng. Lần về quê thông báo chuyện muốn làm đám cưới, chúng tôi chưa chính thức ra mắt hoặc nhắc việc cưới xin trước đó. Tôi nhớ mãi lời ba chồng hỏi kỹ về chuyện của chúng tôi rồi nói: “Mới 6 tháng quen nhau thì ít quá…”. Lần đó, có lẽ vì tôi đã có bầu trước nên ba mẹ chồng đồng ý đám cưới, mãi sau này tôi mới biết cái sâu xa trong lời ba chồng là gì.
Người ta nói với nhau về chuyện yêu vài tháng là cưới vẫn hạnh phúc, nhưng tôi nghĩ rằng đó là những trường hợp may mắn. Còn bản thân mỗi người khi đến với nhau đều phải có sự chín chắn nhất định. Hôn nhân là chuyện cả đời, đi sai một bước là gây đau khổ, gây hoạ cho rất nhiều người...
Nếu xâu chuỗi lại những bài học từ mối quan hệ đầy yêu thương, sự sẻ chia của ba mẹ chồng tôi, thì bí quyết hạnh phúc là sự tìm hiểu nhau kỹ càng và biết đặt hạnh phúc gia đình lên trên cái tôi của bản thân.
Mùa hè năm nay, ba mẹ chồng tôi kỷ niệm 40 năm ngày cưới, còn vợ chồng tôi là 12 năm. Ông bà muốn cả gia đình lớn cùng nhau đi du lịch và làm một tiệc kỷ niệm ý nghĩa. Tôi thấy an tâm khi cuộc hôn nhân của mình có chuyện tình của ba mẹ chồng soi sáng, dẫn đường. Tôi cũng muốn những đứa con của mình lớn lên trong một môi trường kết nối và thống nhất như thế.
Linh Nguyễn (Hà Nội)
Dù thăng trầm bão giông hay nhẹ nhàng yên ả, tình yêu của cha mẹ luôn khiến mọi đứa con xúc động khi nghĩ tới. Hãy kể, chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ câu chuyện tình yêu thiêng liêng và hành trình hạnh phúc của cha mẹ bạn... Bài viết kèm hình ảnh có bản quyền xin gửi về địa chỉ: online@baophunu.org.vn. Tác phẩm được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định của toà soạn. |