Chuyện tình cha mẹ tôi: Bà “cân” hết việc nhà cho ông thỏa đam mê

07/10/2024 - 06:23

PNO - Mẹ chồng tôi nói: "Ngày trước bố vất vả lắm. Bây giờ để ông ấy có chút thảnh thơi, mẹ vất vả thêm một tí cũng chẳng sao”.

Niềm vui của bố mẹ tôi lan sang cả cháu con - Ảnh do tác giả cung cấp
Niềm vui của bố mẹ tôi lan sang con cháu - Ảnh do tác giả cung cấp

Đăk Lăk là quê chồng tôi - nơi ngày xưa anh gắn bó cả tuổi thơ và bây giờ tới lượt các con tôi tận hưởng những tháng ngày tươi đẹp.

Trong ngôi nhà sàn bên quả đồi nho nhỏ, tôi luôn cảm nhận sự bình yên và tình yêu thương của bố mẹ chồng. Tôi cũng được chứng kiến mẹ “cân” hết việc nhà cho bố theo đuổi các thú vui riêng như nuôi chim, chơi cây, viết thư pháp…

5 giờ sáng mẹ dậy nấu nước trà để bố và “bạn” của bố dùng. “Bạn” của bố không ai khác là mấy chú gà tây, đàn chim chào mào, cu gáy, sáo, vẹt, diều hâu… Con vật nào cũng được bố chăm như chăm trẻ. Ông lấy nước trà đặc, rượu cốt để tắm cho gà, xoa bóp tỉ mẩn từ mào xuống cựa. Bố còn nuôi cả châu chấu và tự tay làm thức ăn riêng cho từng loại chim.

7 giờ, bố mẹ vác cuốc lên rẫy. Bà cuốc cỏ bón phân từng khóm thơm, bụi mía, gốc vải, nhãn, sầu siêng... Bà bảo “trồng nhiều cây ăn trái để con cháu về ăn cho thỏa”.

Ở góc rẫy, bố chồng tôi ngắm nghía cắt tỉa giàn hoa giấy, vườn mai, chậu sứ bonsai… Cứ thế, ông bà mải mê với việc của mình. Bà thực tế với ngô, khoai, sắn; ông lại thăng hoa cho những ý tưởng nghệ thuật khi thấy một đoạn cây mục hay phiến đá lạ gặp trên đường.

Các cháu mê về quê để được ăn khoai nướng, bắt cá, trồng cây, chơi chim cùng ông bà - Ảnh do tác giả cung cấp
Các cháu mê về quê để được ăn khoai nướng, bắt cá, trồng cây, chơi chim cùng ông bà - Ảnh do tác giả cung cấp

Công việc ruộng nương, lợn gà luôn tay, nhưng ít khi chúng tôi nghe mẹ phàn nàn. Mẹ biết rằng, khi bố đã đứng gần mấy chuồng chim thì thời gian với ông như chậm lại. Thậm chí ông quên ăn quên ngủ vì một con chim bị thương. Đều đặn mỗi ngày, sau 4 giờ chiều bố đưa diều hâu, đại bàng tới những khu đất rộng và cao để chúng được tự do sải cánh. Thế giới của bố là đại ngàn, tiếng đập cánh trên không trung và âm thanh lảnh lót của các loài chim.

Những phiến đá nhặt từ rừng về được bố mài giũa, đánh bóng rồi nắn nót viết lên đấy những câu phương châm sống về gia đình, về tình cảm anh em... Khi con cái lập gia đình hay về nhà mới, bố cẩn thận gói chúng để làm quà. Anh em chúng tôi trân trọng công sức và tình cảm bố gửi vào trong đó nên thường treo ở vị trí đặc biệt.

Biết vợ âm thầm quán xuyến gia đình để mình có thời gian làm những việc yêu thích, bố chồng tôi hay thì thầm: “Nhờ có bà cả đấy!".

Có lần chúng tôi chọc mẹ: “Bố mê chim, mê cây nên cho mẹ ra rìa rồi”. Mẹ cười: “Bố mẹ đã 42 năm sống cùng nhau, từng đối diện với đói rét bệnh tật tưởng như không qua khỏi. Ngày trước bố vất vả lắm, giờ để ông ấy có chút thảnh thơi, mẹ vất vả thêm một tí cũng chẳng sao”.

Chúng tôi hạnh phúc khi chứng kiến tuổi thơ các con bên khu vườn của ông bà- Ảnh do tác giả cung cấp
Chúng tôi hạnh phúc khi chứng kiến tuổi thơ các con bên khu vườn của ông bà - Ảnh do tác giả cung cấp

Mùng 10/2/1982 là ngày bố mẹ về chung một nhà. Tình duyên mới chưa bao lâu thì ông bà hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh Hà Tĩnh di dân đi vào vùng kinh tế mới ở Đăk Lăk.

Mẹ chồng tôi kể, ngày 14/4/1982 đặt chân tới Đăk Lăk, cảm giác như lạc vào một khu rừng nguyên sinh. Ông bà được tuyển dụng vào làm công nhân trồng cây nông nghiệp và cây công nghiệp. Diện tích đất đai rộng bao la, nhân công lao động thô sơ, đời sống công nhân túng thiếu đủ đường. Cả đơn vị chỉ có 1-2 chiếc xe đạp, đường đất mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Phương tiện chủ yếu là xe trâu kéo bằng bánh gỗ chở người ra ruộng đi làm, chiều xuống lại chở ngô, lúa và người trở về.

Dân vào được mấy tháng, nhiều người chán nản vì khó khăn vất vả, ốm đau do lạ nước. Mùa mưa đến dịch sốt rét hoành hành, bệnh xá của trung đoàn bệnh nhân nằm la liệt. Nhiều gia đình mất vợ, mất con. Bố mẹ chồng tôi cũng bị sốt rét, nhưng may mắn được cứu chữa kịp thời nên qua khỏi.

Ngoài bố mẹ, gia đình còn có bà cố, ông bà nội và 6 đứa em cùng 2 dì, tất vả 13 người. Sau 6 tháng, bố mẹ và 2 dì được tách ra ở riêng, được ông bà nội mua cho 1 chiếc xe đạp để làm phương tiện đi lại. Bố được gửi đi học y dược, sau một năm thì ra trường. Bố về lại bệnh xá trung đoàn nhận công tác cách nhà 4km.

Trải qua bao nhiêu năm vất vả, bố mẹ vẫn thương nhau như những ngày đầu- Ảnh do tác giả cung cấp
Dù tuổi tác có thay đổi, bố mẹ vẫn thương nhau như những ngày đầu - Ảnh do tác giả cung cấp

Năm 1983 mẹ chồng tôi sinh con đầu lòng, tức chồng tôi hiện tại. Bố chồng tôi công tác ở đơn vị, cuối tuần chiều thứ 7 mới về thăm vợ con. Lần lượt các em Thanh, Xuân, Phong, Lan ra đời, cũng chính là động lực, là niềm vui để bố mẹ phấn đấu vượt mọi khó khăn. Sau này, bố mở tiệm thuốc tây tại nhà để phục vụ bà con trong thôn… Bây giờ các em chồng đã lớn và lập gia đình. Anh chị em trong nhà giỏi tự lập và biết bảo ban, đùm bọc nhau.

Tôi học được ở bố chồng tính kiên trì chịu khó, nhẫn nại và khéo tay. Tôi cảm phục mẹ chồng sự xởi lởi siêng năng, hết lòng vì chồng con mà không quản nhọc nhằn. Dù không ở gần bố mẹ, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rất rõ tình cảm ông bà dành cho con cháu được gói ghém trong những thùng hàng chất đầy trứng, thơm, măng, ổi, nhãn… gửi từ quê.

Ly Nguyễn

Dù thăng trầm bão giông hay nhẹ nhàng yên ả, câu chuyện tình yêu của cha mẹ luôn khiến những đứa con xúc động. Hãy kể, chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ hành trình hạnh phúc của cha mẹ bạn...

Bài viết kèm hình ảnh có bản quyền xin gửi về địa chỉ: online@baophunu.org.vn. Tác phẩm được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định của toà soạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI