Chuyện tình cha mẹ tôi: 9 năm, 3 năm và mãi mãi

19/06/2024 - 19:02

PNO - Ba và mẹ đã “lạc” nhau ở miền Bắc vì 2 chuyến tàu cập bến cách nhau 3 tiếng đồng hồ. Nhưng tình yêu có sức mạnh riêng rất khó lý giải, nên cuối cùng họ đã tìm thấy nhau.

Những dòng nhật ký mẹ viết cho ba trong những tháng năm dằng dặc xa cách
Những trang nhật ký mẹ viết cho ba trong những tháng năm dằng dặc xa cách (ảnh tác giả cung cấp)

Tôi đã lật từng trang nhật ký của ba và mẹ được viết từ năm 1957 trong một chiếc hộp “kỷ niệm tình yêu” của ba mẹ tôi. Có một niềm xúc động rất khó diễn tả khi tôi đọc những dòng mẹ viết cho ba:

30/1/1957- " Tình của em và anh nở giữa mùa xuân hoa đào đang nở. Phải vĩnh viễn đẹp như hoa đào, mạnh như thế hệ thanh xuân"...; ..."Em sẽ mãi mãi chân thành và chung thuỷ với anh trong chiến đấu gian khó. Phải quyết tâm bảo vệ đời chúng mình đẹp như nhung gấm anh nhé. Đời mình phải đầy toàn thơ và nhạc".

Ba mẹ tôi nghĩ về tình yêu ngày ấy, không chỉ là tình yêu trai gái đơn thuần mà còn gắn với vận mệnh đất nước, gắn với những ước mơ cao đẹp lãng mạn của thanh xuân đời người...

Ba mẹ tôi, một người ở Cần Thơ, một người ở Rạch Giá, tháng 8/1945 nghe “Tiếng gọi non sông” mà “xếp bút nghiên”, theo cách mạng, tham gia kháng chiến, góp sức bảo vệ nên độc lập tự do nước nhà. Họ gặp nhau trong chiến khu, một bên là bộ đội Long Châu Sa, một bên là cơ quan Phụ nữ Dân chủ. Có lẽ họ đã yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên vào một ngày ở bưng biền trong cuộc giao lưu quân-dân.

Từ khi gặp nhau, 2 người đã để mắt đến nhau - một thiếu nữ nhà giàu, học trường Tây, rất đẹp trong bưng biền và một chàng bộ đội nhiều chiến công, cũng rất đẹp trai, y như 2 nhân vật trong tiểu thuyết lãng mạn hồi ấy bước ra đời thực.

Nhưng kỷ luật thời đó, chuyện yêu đương gần như “nghiêm lệnh” cấm, nên cả ba và mẹ chỉ dám “yêu” thầm trong lòng, ngay cả “đối tượng” cũng gần như không biết. Cứ thế họ lặng thầm theo dõi từng bước tiếm bộ, từng chiến công của nhau trong 9 năm kháng chiến, đều giữ trong tim mình hình ảnh của nhau, trân trọng và thủy chung một cách âm thầm.

Tháng 10/1954, cả 2 cùng biết tin sẽ tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève, và vì thuộc 2 cơ quan quân - dân, nên họ đi trên 2 chuyến tàu khác nhau, dù cùng một bến xuất phát.

Ba và mẹ đã “lạc” nhau ở miền Bắc vì 2 chuyến tàu cập bến cách nhau 3 tiếng đồng hồ. Nhưng có lẽ tình yêu của ba mẹ có sức mạnh riêng rất khó lý giải, ba thì ngày nào được nghỉ là tìm đến các cơ quan có người miền Nam tập kết hỏi thăm; mẹ thì cứ Chủ nhật là tìm đến các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết.

Gần 3 năm ba mẹ đi tìm nhau như thế. Do linh cảm của 2 trái tim thật sự yêu nhau hay sự thủy chung trong tình yêu đã lay động trời đất mà một Chủ nhật, ba từ Xuân Mai (tỉnh Hòa Bình), mẹ từ Hà Nội, không hẹn, cùng nhau đi Hải Phòng. Họ ra bến tàu Không Số (Hòn Dáu, Đồ Sơn, Hải Phòng), nơi ngày này tháng này con tàu mang họ cập bến trên đất Bắc. Và 2 con tàu cách nhau 3 giờ, cho 3 năm ba mẹ đi tìm nhau.

Sau 3 năm đi tìm nhau chỉ bằng niềm tin và hi vọng, ba mẹ tôi đã gặp nhau tại Hải Phòng
Sau 3 năm đi tìm nhau chỉ bằng niềm tin và hi vọng, ba mẹ tôi đã gặp nhau tại Hải Phòng (ảnh tác giả cung cấp)

Sẽ nghĩ rằng sau 12 năm yêu thầm và tìm nhau, ba mẹ sẽ luôn bên nhau hưởng trọn hạnh phúc, nhưng rồi hòa bình chưa trọn, nước nhà chưa thống nhất, ba là chiến binh, lại ra mặt trận, lại đối mặt với những cuộc chiến sinh tử khốc liệt, và mẹ lại âm thầm ôm 2 đứa con, chu toàn việc nước, nuôi dậy con cái. Đêm đêm mẹ mang ảnh ba ra ngắm, trò chuyện với người trong ảnh. 11 năm đằng đẵng như thế, mẹ chung thủy đợi ba với niềm tin mãnh liệt ba sẽ trở về với mấy mẹ con.

1/5/1975, mẹ trở thành người đàn bà hạnh phúc nhất, không còn cảnh “vọng phu đêm Nam ngày Bắc”, giống như câu hát trong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao: “ Nước mắt trên vai anh/ Giọt rơi ấm đôi vai anh/…Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên, một cuộc đời êm ấm…”. Rồi mẹ chăm sóc ba từng cái áo ngủ, miếng ăn, hớp nước… như bù đắp cho tất cả thời gian xa nhau trước. Những lúc đó, niềm hạnh phúc luôn lấp lánh trong mắt nụ cười, trong giọng nói dịu dàng của mẹ với ba.

Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ và ba ngồi đàn hát với nhau, ba gảy guitar mẹ say sưa với cây mandolin hay banjo trong tay. Họ hát những ca khúc tiền chiến, ca khúc thời chống Pháp, có khi còn hát cả nhạc Pháp xưa đến gần thế kỷ. Nếu không biết, người ta có thể nghĩ đây là cặp tình nhân chỉ mới tuổi đôi mươi, rất lãng mạn, rất tình tứ...

Nhưng có lẽ tình yêu của ba mẹ tôi càng ngọt, càng đậm, càng thắm thiết bao nhiêu thì càng nhiều thử thách bây nhiêu. Chưa yên vui trọn ngày trọn tháng trọn năm, cuộc chiến biên giới Tây Nam nổ ra, ba tôi lại lên đường chinh chiến. Mẹ gom góp yêu thương bằng những cặm cụi khâu vá quần áo cho ba, rồi chế biến đủ kiểu các thức ăn khô, tới cả chục hũ khác nhau để ba mang đi công tác Campuchia.

Ba tôi nay đã mất, nhưng hình như với mẹ thì ba như đang đi công tác xa nhà như ngày xưa. Bà vẫn ngóng trông đợi cửa. Và cho tới giờ, mỗi sáng, y như khi có ba ở nhà, mẹ vẫn pha cà phê và trà mời ba…

Hoài Hương (TPHCM)

Dù thăng trầm bão giông hay nhẹ nhàng yên ả, tình yêu của cha mẹ luôn khiến mọi đứa con xúc động khi nghĩ tới.

Hãy kể, chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ câu chuyện tình yêu thiêng liêng và hành trình hạnh phúc của cha mẹ bạn...

Bài viết kèm hình ảnh có bản quyền xin gửi về địa chỉ: online@baophunu.org.vn. Tác phẩm được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định của toà soạn.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trịnh Thị Hải Yến 20-06-2024 11:38:53

    Rất ngưỡng mộ chuyện tình của ba mẹ bạn. Khi đất nước còn chiến tranh khó khăn chồng chất nhưng tình người và tình yêu thì rất tuyệt vời ạ.

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh