Chuyện tình anh lính Cụ Hồ

30/08/2024 - 16:28

PNO - Từ ngày tôi sinh ra, khi đó ông đã 65 tuổi, bà 55 tuổi, tôi luôn có cảm giác mình lớn lên bên cạnh một câu chuyện tình yêu của người trẻ hoặc ông bà tôi luôn trẻ vì có tình yêu bên trong.

Ảnh Shutterstock
Ảnh Shutterstock

Ông nội tôi có gần 30 năm khoác trên mình màu xanh áo lính. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông tham gia các chiến trường lớn như Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Chiến dịch Mậu Thân 1968… Ông được cử sang học ở Quảng Tây (Trung Quốc), khi về nước lại tiếp tục công tác chính trị viên. Từ khi sinh ra, tôi đã luôn được nghe ông nói đến thuộc lòng về sự trung thành, về chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong mọi nhiệm vụ được giao, ông tôi đều hoàn thành xuất sắc. Ông đã được Chủ tịch nước tặng 6 huân huy chương hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Ông về hưu vào tháng 12/1974.

Ông bà tôi trong lễ nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng của ông - ảnh tác giả cung cấp
Ông bà tôi trong lễ nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng của ông - ảnh tác giả cung cấp

Ông luôn tự nhận mình là anh lính Cụ Hồ, làm gì cũng phải nỗ lực, phấn đấu hết sức và tôi tin, cách ông yêu thương, chăm sóc bà cũng vậy. Đây mới là câu chuyện tôi chứng kiến và muốn kể nhất về ông nội của mình. Từ ngày tôi sinh ra, khi đó ông đã 65 tuổi, bà 55 tuổi, tôi luôn có cảm giác mình lớn lên bên cạnh một câu chuyện tình yêu của người trẻ hoặc ông bà tôi luôn trẻ vì có tình yêu bên trong. Ông bà tôi thương nhau, dành cho nhau cái tình tự nhiên như cỏ cây hoa lá.

Ông bà đi đâu, làm gì cũng luôn có nhau và chung giường cho đến ngày đầu bạc răng long; tâm sự, sẻ chia chân thành và thẳng thắn.

***
Năm 25 tuổi, bà nội tôi bị cắt 1 quả thận bên phải. Thời xưa, y học chưa phát triển nên sau cuộc phẫu thuật, bà có một vết sẹo dài khoảng 20cm ở phía lườn phải. Không hiểu sao nó rất hay ngứa. Bà thường tự gãi, cứ lấy cái cán quạt nan cọ cọ vào, kéo qua kéo lại cho đỡ ngứa. Nhưng mỗi lúc có ông bên cạnh, ông đều gãi cho bà.

Ông vừa gãi vừa cười bảo: “Giờ công nghệ phát triển, nếu bà mổ bây giờ thì sẽ không bị sẹo đâu nhỉ?”. Bà quay sang nói vui: “Thế ông chê em xấu sao?”. Ông lại cười nói chậm rãi: “Tôi hơn em 10 tuổi, em không chê tôi thì thôi, tôi đâu dám chê”. Hình ảnh ông bà nhìn nhau cười rạng rỡ ở cái tuổi tóc bạc trắng, da nhăn nheo và miệng đã móm mém hôm ấy cứ mãi in sâu trong tâm trí tôi…
Trong bất kỳ chuyện gì, ông luôn nhường nhịn bà. Thời trẻ, bà tôi rất đẹp, lọt vào mắt xanh của rất nhiều người. Đến bây giờ, bà vẫn thường kể chuyện thời trẻ. Ngày ông đóng quân ở Sơn Tây, bà mổ ở viện trên đó, vì bà có nhan sắc, một bác sĩ rất thích và để ý bà nhưng bà bảo bà có chồng con rồi. Họ không tin. Có lần, một anh bộ đội không tin bà tôi đã có chồng con vì bà ở viện một mình, còn ông thì đi chiến đấu, thỉnh thoảng mới về thăm.
Mấy chú cứ bảo nhau: “Cô ấy nói cô ấy có chồng có con rồi”.

Chú còn lại bảo: “Con gì? Con mắt thì có! Người đâu mà đẹp thế, chắc là nói dối đấy, chứ thấy ở viện có một mình”. Rồi có chú bảo: “Hôm trước thấy có một anh bộ đội dắt 1 bé gái đến chơi, nhìn anh ấy khá già mà bé gái đen đen chẳng giống cô ấy chút nào, chắc không phải con đâu”. Chú bộ đội kia cứ mua quà đến thăm bà nhưng bà luôn từ chối và trả lại. Bà nói với tôi: “Bà chỉ thương mình ông và cứ chờ đợi khi nào ông về”.

Ông luôn nâng niu bà như một bông hoa ngay cả khi đã già. Có lẽ những điều đó đã khắc sâu trong tim bà. Bà nói, bà thương ông từ cách nói chuyện hay nói giảm nói tránh để những chuyện to tát trở nên nhẹ nhàng và người nghe dễ chấp nhận.

Bà cũng thích khiếu văn nghệ của ông. Ngày còn trẻ, ông đánh đàn mandolin rất hay. Vừa đàn vừa hát các ca khúc cách mạng, ông khen sao tác giả viết ca từ hay và ý nghĩa thế. Nhiều bài hào hùng mà khi còn chiến tranh được nghe lại thấy sục sôi ý chí chiến đấu và nhiệt huyết tuổi trẻ, niềm tin vào ngày mai thắng lợi căng tràn trong lồng ngực để ngày mai cầm súng chiến đấu coi cái chết nhẹ tựa lông hồng…

Những ngày ông ốm, bà chăm ông, cưng chiều ông như một đứa trẻ. Bà bón cho ông từng muỗng cháo. Ông ăn xong lại nói: “Tôi đi trước em thì em khổ, còn em đi trước tôi thì em sướng. Tôi lo hết cho em”. Bà lại bảo: “Ai đi trước là do trời chứ muốn cũng không được. Cứ biết em còn chăm ông thế này là vui”. Rồi ông bà lại nhìn nhau cười.

Ông bà tôi trong một lần đi thăm lăng Bác (ảnh tác giả cung cấp)
Ông bà tôi trong một lần đi thăm lăng Bác (ảnh tác giả cung cấp)

***
Ông nội tôi là thương binh, lại bị nhiễm chất độc da cam, ông cũng hơi bị lẫn, có lúc thấy trong người khó chịu… Những lúc như thế, ông đều gọi bà đến ngồi nghe ông kể chuyện, chuyện từ xửa từ xưa. Có những câu chuyện ông kể đi kể lại cả trăm lần, bà thuộc, con cháu thuộc nhưng bà chẳng ngăn ông mà vẫn luôn ngồi bên ông hưởng ứng, vì chỉ cần ông vui.

Tôi nhớ hồi nhỏ, nhiều đêm tỉnh giấc nghe tiếng thút thít rồi kể lể một mình ở phòng bên cạnh, tôi nhẹ nhàng đi sang thấy bà đang khóc, cứ khóc và nói một mình trong căn phòng vắng lặng bên cạnh tiếng thở đều đều của ông tôi. Hỏi ra mới biết, bà đi xem bói, thầy bói nói rằng ông nội tôi không sống qua tháng Chín năm đó. Thế là đêm nào bà cũng khóc, cho đến khi tôi vô tình phát hiện. Tôi kể chuyện với các cô chú trong nhà, khuyên bà tôi mãi. Rồi… ông tôi sống thêm cả chục năm sau đó. Mỗi lần nhắc chuyện này, bà tôi lại nói: “Cũng may. Vì lúc nào bà cũng chỉ lo ông đi trước bà, bà sợ điều đó lắm”.

Tác giả và bà
Tác giả và bà nội (ảnh tác giả cung cấp)

***

Tình yêu của ông bà dành cho nhau như một tài sản quý giá đối với gia đình chúng tôi. Năm 2021, gia đình tôi bàn nhau tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà. Ông bà tôi đã vui, cười thật nhiều, đôi khi còn thẹn thùng như thể là đám cưới đầu tiên ở tuổi đôi mươi. Niềm vui nhân lên gấp bội khi gia đình đang chuẩn bị đón tết thì được tin đại diện Đảng bộ huyện và Đảng ủy xã, Chi bộ thôn về tận tư gia để trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho ông.

Ông nội tôi vui lắm, ông như trẻ ra và kỷ niệm một thời lại ùa về. Lấy ảnh đồng đội ra, ông nhớ tên từng người, tính cách và những câu chuyện của họ như vừa mới hôm qua.

Điều gì đến rồi cũng đến, ông tôi ốm rồi đi về thế giới bên kia vào tháng 10/2022. Còn lại mình bà, đôi khi vẫn ngồi lặng người, chép miệng rồi rơi nước mắt: “Người như thế mà mất thì tiếc nhỉ”.

Ngày còn sống, ông rất thích ngắm hoa và hát mấy bài cách mạng. Bà đi đâu về có hoa nhài là để vào túi áo cho ông. Giờ ông mất rồi, trên ban thờ lúc nào cũng có hoa nhài hoặc hoa lan. Đó là cách bà nhớ đến ông. Nhớ hằng ngày ông ngồi đọc báo ở đầu hồi, mỗi lần bà đi vườn rau về, ông thường hỏi: “Bà đã về rồi đấy ư?”. Giọng ông dỗi yêu vì bà đi vườn thường về muộn, khiến ông cứ liên tục hỏi.

Bà tôi nói sống là phải lao động (ảnh: tác giả cung cấp)
Bà tôi nói còn sống là còn phải lao động (ảnh: tác giả cung cấp)

Bà vẫn luôn chăm chỉ trồng rau, trái trong vườn. Con cái bảo bà nghỉ ngơi vì tuổi bà đã khá cao nhưng lúc nào bà cũng nói còn sống là còn phải lao động. Bà kể ông luôn nói: “Ruộng lúa nhà mình phải tốt hơn nhà người khác. Con trâu, con bò, con lợn nhà mình phải béo tốt hơn nhà người khác thì mình mới gương mẫu, mới đưa ra được nhiều cách hay để chỉ cho họ làm…”. Bởi thế, ông luôn đi đầu trong việc làm ruộng và chăn nuôi.

Nhìn ông bà luôn chân luôn tay, tôi cảm nhận rõ tinh thần người lính Cụ Hồ năm nào. Và tôi biết, tinh thần ấy vẫn sẽ sống mãi trong lòng những người ở lại. Chúng tôi cũng sẽ yêu, phấn đấu, cống hiến hết mình như ông bà.

Hoàng Thị Thuỳ (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI