Chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế: Cần cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm

14/03/2023 - 09:01

PNO - Mọi người đều mong các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình để có thể mua sắm thuốc, vật tư thiết bị y tế... Xa hơn nữa cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám kịp thời phản ánh, đề xuất giải quyết khó khăn vướng mắc.

Nhiều bác sĩ tôi quen cho biết mỗi khi có bệnh nhân vượt khỏi khả năng điều trị của họ, họ rất buồn, cảm thấy chán nản bất lực trong rất nhiều ngày. Một bác sĩ khác có thâm niên, có uy tín lại nói, đau nhất là có cách điều trị, có máy móc để phục vụ điều trị, nhưng lại bất lực vì thiếu vật tư, phụ tùng để máy có thể phục vụ bệnh nhân. 

Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra thuốc tại kho dược
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra thuốc tại kho dược

Câu chuyện rắc rối trong việc mua sắm thuốc, vật tư thiết bị y tế nhiều ngày qua được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính định kỳ đi khám để lãnh thuốc bảo hiểm y tế gặp phải trường hợp hết thuốc phải mua ngoài. Cũng có nhiều bệnh viện giảm hẳn số ca điều trị vì có nhiều máy móc ngừng hoạt động do thiếu phụ tùng, hóa chất. Chung quy cũng chỉ vì vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị, thuốc men y tế, theo quy định phải thông qua đấu thầu.

Người không biết sẽ thắc mắc khó nhất là không có tiền, có tiền sao lại không mua được. Cứ chọn cái gì phù hợp vừa tốt, vừa rẻ thì mua. Nhưng thế nào là phù hợp, thế nào là tốt và thế nào là rẻ? Phức tạp hơn là điều kiện vừa tốt, vừa rẻ. Thông thường cái nào tốt thì không rẻ, và ngược lại.

Không riêng gì lãnh vực y tế, mua sắm bằng tiền nhà nước (trong ngân sách và ngoài ngân sách) đều phải đúng quy định pháp luật về mua sắm công. Việc sử dụng tiền của nhà nước (chính là tiền của dân) phải chặt chẽ để tránh thất thoát là việc hết sức đúng đắn. Nhưng khắt khe quá mức dẫn đến không sử dụng được tiền để phục vụ người dân lẽ nào là việc tốt. 

Mọi người đều có thể thắc mắc các quy định mua sắm công nói chung đã có từ lâu tại sao đến giờ này mới bộc lộ khó khăn không thể thực hiện. Và bế tắc đến nỗi Thủ tướng phải ra tay. Có lẽ trước nay việc “lách luật”, “lách kiểm tra, thanh tra” để thủ lợi đã từng diễn ra, nhưng nay người ta không dám làm càn nữa vì đã chứng kiến những tấm gương vướng vòng lao lý. 

Dao mổ cùn, rạch ba lần mới đứt. Bệnh viện hàng đầu phải chuyển bệnh nhân ra ngoài chẩn đoán vì thiết bị hư chưa thay được phụ tùng. Ngay cả các loại thuốc thông dụng, bệnh nhân bảo hiểm y tế cũng phải mua bên ngoài do bệnh viện chưa mua được… Tất cả những chuyện tưởng như đùa ấy cùng đều có nguyên nhân là vướng mắc quy định đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực TTBYT. Chỉ riêng trong lãnh vực TTBYT có Nghị định rồi vẫn còn phải chờ đợi các thông tư, hướng dẫn để triển khai. Ngoài ra, các vướng mắc khi đấu thầu mua sắm thuốc và các vật tư y tế khác vẫn cần được giải quyết. Mà người bệnh không thể mãi chờ để được điều trị đến nơi đến chốn. Các y bác sĩ còn thấy đau lòng hơn vì tâm có, tài có nhưng phải trơ mắt đứng nhìn vì thiếu thốn đủ thứ để phục vụ bệnh nhân.

Vì vậy, mọi người đều mong các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình để có thể mua sắm thuốc, vật tư thiết bị y tế phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Xa hơn nữa cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám kịp thời phản ánh, đề xuất giải quyết khó khăn vướng mắc. Được như vậy, người bệnh mới không còn gặp phải những khó khăn như hiện nay.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI