Chuyện thiên chức của những phụ nữ Việt làm sếp doanh nghiệp ngoại

20/10/2018 - 06:00

PNO - Rất nhiều phụ nữ Việt hiện đã trở thành lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới. Quyền lực trong mắt xã hội nhưng còn thiên chức làm vợ, làm mẹ họ đã chu toàn như thế nào?

Indra Nooyi, nữ CEO quyền lực của PepsiCo từng chia sẻ câu chuyện ngày bà được bổ nhiệm làm Chủ tịch PepsiCo, vừa cất tiếng khoe với mẹ thì mẹ đã yêu cầu bà ra lấy sữa. Bà chủ tịch quyền lực sau đó được mẹ của mình giải thích: “Con có thể là chủ tịch của Pepsi, nhưng khi bước vào ngôi nhà này, trước tiên con là vợ và là mẹ. Không ai có thể thay được vị trí đó của con. Vậy nên, hãy để lại vương miện trong ga-ra...”.

Rất nhiều phụ nữ Việt hiện cũng đã trở thành lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới. Quyền lực trong mắt xã hội nhưng chia sẻ về thiên chức của mình, những phụ nữ này có chung quan điểm: đi kèm với sự thành công luôn có sự hy sinh. Sự hy sinh đó nhiều hay ít thì tùy vào từng người. 

“Cái gì cũng có giá của nó. Mình đặt ra cái giá nào mà mình chấp nhận trả”, chị Nguyễn Minh Nguyệt, Giám đốc ngành hàng thực phẩm, thành viên Ban giám đốc Nestlé Việt Nam, nói.

Chị Nguyệt cho biết, ở công ty có mặc đẹp, sang trọng đến đâu, ngày nghỉ chị vẫn quần ngắn, áo thun và quần quật việc nhà như bao người mẹ, người vợ khác. Đó là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. “Tôi dạy con đánh vần, cà phê tán gẫu cùng bạn bè... như một cách làm giảm áp lực công việc. Công việc không phải là tất cả mà luôn phải có gia đình, người thân và xã hội”, chị nhấn mạnh.

Chuyen thien chuc cua nhung phu nu Viet lam sep doanh nghiep ngoai
Đỗ Mỹ Ninh - Giám đốc tiếp thị Google tại Việt Nam "Kỹ năng quản lý cảm xúc rất quan trọng mà người phụ nữ phải học"

Còn chị Đỗ Mỹ Ninh, Giám đốc Tiếp thị toàn quốc Google Việt Nam, chia sẻ, chị rất thích cách nhìn của một người bạn khi cho rằng, vai trò của phụ nữ giống như diễn viên xiếc phải giữ thăng bằng trên dây, nếu lệch có thể ngã. Câu nói này đúng vì công việc và gia đình, mối quan hệ xã hội đều không thể bỏ được.

Khi Google tuyển dụng, không phải họ chỉ quan tâm ứng viên có biết công nghệ, biết dùng điện thoại thông minh hay không… mà còn quan tâm khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp thành đơn giản.

Khi mới đi làm, chị Ninh luôn phải có riêng hai lịch trình, một cho công việc, một cho gia đình, thậm chí phải có hai số điện thoại. Tuy nhiên sau này, chị thay đổi suy nghĩ, nếu cuộc đời có 60 năm, mình mất tới 30 năm để làm việc, nhiều thành tựu đến từ công việc. Tại sao không chấp nhận nó như một phần của cuộc sống? Vậy nên lâu nay, lịch họp, lịch công tác của chị luôn xếp cùng lịch đưa đón con, đưa con đi chơi, học múa, học nhạc... tức là cân bằng tinh thần và cảm xúc của mình.

Phụ nữ luôn có nhiều cảm xúc hơn đàn ông nên kỹ năng quản lý cảm xúc vô cùng quan trọng. Không phải kiểm soát là không được khóc, không được bực tức... nhưng chúng ta phải kiểm soát sao cho có thể cân bằng nó sau đó. Không thể đem tâm trạng giận dữ từ gia đình đến phòng họp. 

Theo chị Ninh, trong Google có những khóa huấn luyện về kiểm soát sự kích thích và phản ứng của cảm xúc. Khi mọi cảm xúc xảy ra cần giám sát và làm sao để nhận thấy mình đang giận dữ. Kỹ năng quản lý cảm xúc rất quan trọng mà phụ nữ cần phải học. 

Bây giờ, khi nhìn lại chặng đường đã qua, chị Ninh cho rằng, nếu hình dung con đường thăng tiến của mình như một cái thang thì đến thời điểm nào đó chúng ta sẽ đến đỉnh của nó. Tôi thích con đường như trò chơi nhảy bậc của trẻ nhỏ hơn, là nhảy các vị trí khác nhau và dường như không có đích cuối cùng. Đó là những thời điểm phát hiện ra mình chán vị trí hiện tại hay thời điểm khiến mình phải đưa ra quyết định cần phải làm việc gì khác.

Có nhiều điều tưởng chừng  nhỏ nhưng ở doanh nghiệp nước ngoài họ rất quan tâm. Chẳng hạn chị Minh Nguyệt cho biết, không phải công ty nào cũng có thể bố trí cả một phòng riêng cho nhân viên nữ vắt sữa cho con khi họ phải vừa đi làm vừa nuôi con nhỏ...

Còn theo chị Ninh, khi bước vào làm việc trong các hãng, người ta sẽ có những buổi tập huấn. Trong đó, phần bắt buộc là giải mã thành kiến, họ sẽ nói về thành kiến giới, tuổi tác, dân tộc… Nội dung tập huấn sẽ đặt ra vấn đề chúng ta luôn có thành kiến nhưng chúng ta nhận ra như thế nào hoặc nhận biết nó đến từ đâu và cách giải quyết. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI