Chuyện thật lên phim

18/04/2015 - 05:53

PNO - PN - Những tác phẩm điện ảnh dựa trên các sự kiện, câu chuyện có thật luôn hấp dẫn người xem hơn những tác phẩm hư cấu hoàn toàn. Hai bộ phim ra rạp tuần này tái hiện những câu chuyện có thật xảy ra ở hai nơi cách xa nhau nửa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nàng thơ của ngày hôm qua (C’est si bon, Hàn Quốc sản xuất) là bộ phim tình cảm lãng mạn, dựa trên cuộc đời đôi song ca lừng danh một thời của xứ kim chi - Twin Folio (gồm hai thành viên Hyeong Ju và Chang Sik). Tuy nhiên, phim có hư cấu thêm nhân vật thứ ba Geun Tae để câu chuyện thêm phần khác lạ, kịch tính.

Chuyen that len phim

Geun Tae là miếng ghép cuối cùng trong tam ca C’est si bon - tên một quán bar nổi tiếng ở Seoul thập niên 1970. So với hai thành viên còn lại, Geun Tae không có gì nổi trội: đẹp trai không bằng Hyeong Ju, chất giọng không đặc biệt như Chang Sik, nhưng anh lại chiếm được trái tim của cô gái xinh đẹp - nữ diễn viên Ja Young - người mà ngay lần đầu chạm mặt cả ba chàng trai đều cảm mến.

Phim nói về nhóm nhạc cũ nên khán giả được nghe lại các ca khúc bất hủ như Deliah, Wedding cake, Grandfather’s clock, You mean everything to me... cộng thêm tiếng guitar mộc, bối cảnh, trang phục xưa, tất cả đưa người xem trở về không gian hoài niệm đầy lưu luyến của những năm 1960 - 1970 và khiến câu chuyện tình yêu, tình bạn trong phim thêm phần lãng mạn.

Là một tác phẩm nặng chất hoài niệm nên mạch phim chậm chạp khiến người xem dễ mất kiên nhẫn, nhưng nếu chịu khó theo dõi, chuyện phim sẽ càng thu hút khi khán giả hiểu ra vì sao tam ca C’est si bon lại trở thành đôi song ca Twin Folio, điều gì đã xảy đến với thành viên thứ ba Geun Tae khi Ja Young bỏ anh lên xe hoa với một đạo diễn nổi tiếng, cuộc gặp gỡ rồi chia ly định mệnh giữa ba chàng trai đã diễn ra thế nào...

Đoạn hai mươi năm sau các thành viên hội ngộ nơi xứ lạ và đặc biệt đoạn Geun Tae tình cờ gặp lại người yêu cũ Ja Young ở sân bay đã lấy đi nhiều nước mắt của người xem.

Chuyen that len phim

Với tuổi đời và kinh nghiệm sẵn có, chỉ tài tử lão thành Anthony Hopkins (giữa)
mới lột tả được phong thái của một “ông trùm” như Freddy Heineken

Trái với chất nhẹ nhàng, lãng mạn của Nàng thơ của ngày hôm qua, nhịp điệu của phim Vụ bắt cóc thế kỷ (Kidnapping Mr Heineken) luôn nhanh và mạnh. Phim dựa trên câu chuyện có thật: năm 1983, Freddy Heineken - giám đốc điều hành hãng bia Heineken - bị một nhóm thanh niên bắt cóc để đòi khoản tiền chuộc lên đến gần 50 triệu USD.

Ở thời điểm xảy ra sự việc, đây được xem là vụ bắt cóc tống tiền lớn nhất lịch sử. Lúc bấy giờ, nhà báo Peter R. de Vries đã tìm cách tiếp cận những tên bắt cóc và thu thập được các tư liệu quý giá để viết nên cuốn tiểu thuyết De ontvoering van Alfred Heineken bán rất chạy vào năm 1987 và được chuyển thể thành bộ phim Vụ bắt cóc thế kỷ.

Phim thu hút bởi cốt truyện hấp dẫn có thật, nhiều tình tiết hồi hộp, kịch tính, bởi cả hai bên bắt cóc lẫn nạn nhân đều có đầu óc thông minh, tinh nhạy. Những pha hành động cháy nổ trên cạn, rượt đuổi trên mặt nước làm người xem mãn nhãn. Nhưng tuyệt nhất có lẽ là việc gặp lại ngôi sao gạo cội Anthony Hopkins, với tuổi đời và kinh nghiệm sẵn có, chỉ tài tử lão thành này mới lột tả được phong thái của một “ông trùm” như Freddy Heineken.

 HƯƠNG NHU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI