Chuyện 'thâm cung' ăn diện của giới siêu giàu

06/09/2017 - 13:00

PNO - Để chuẩn bị cho lễ cưới của cậu con trai cả, một tỷ phú đã sắm một cặp gài tay áo sơ mi đính kim cương 3 carat từ thương hiệu thời trang quý tộc Stefano Ricci, với giá lên tới 200.000 USD (hơn 4,5 tỷ đồng).

Chuyen 'tham cung' an dien cua gioi sieu giau
 

Một năm sau, cậu con trai thứ hai của ông này lại kết hôn. Stefano Ricci giới thiệu với họ một mẫu cà vạt đặc biệt đính 100 viên kim cương, mỗi chiếc trị giá tới 80.000 USD.

“Cả thế giới chỉ có đúng 6 chiếc cà vạt như vậy, một trong số đó thuộc sở hữu của danh ca Elton John”, Filippo Ricci, Giám đốc sáng tạo của Stefano Ricci nhớ lại.

Khi Stefano đích thân giao cà vạt cho vị tỷ phú đó, anh hỏi thăm: “Ngài có hài lòng với chiếc ghim cài tay áo của chúng tôi không, thưa ngài?”. Nhưng ông ấy chỉ nhún vai. “Ôi tôi đánh mất chúng ngay ở tiệc cưới rồi, tôi uống nhiều quá”.

Chuyen 'tham cung' an dien cua gioi sieu giau
 

Vị tỷ phú nói về hai món đồ vài trăm ngàn USD như thể bạn đánh mất một cái kẹp ghim vậy. Nhưng đại đa số khách hàng của Stefano Ricci đều sang chảnh như vậy.

Suốt 40 năm qua, nhà mốt này đã miệt mài phục vụ một đối tượng khách hàng vô cùng đặc biệt, mà họ gọi là “0,01%” – tức những người giàu nhất thế giới.

Những trang phục và phụ kiện siêu nam tính, siêu đắt của Stefano Ricci đặc biệt lọt mắt xanh của những doanh nhân giàu sụ của Trung Đông, các nhà lãnh đạo phương Tây (như cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl) hay các siêu sao nổi tiếng (danh ca Elton John, tài tử Tom Cruise…).

Chuyen 'tham cung' an dien cua gioi sieu giau
 

Tại Mỹ, thương hiệu này có thể không nổi tiếng và phổ biến như các thương hiệu đồng hương Gucci hay Salvatore Ferragamo, do họ tập trung chủ yếu vào các thị trường mới nổi như Nga, Trung Quốc và Trung Đông.

Nhưng trên thực tế, đây mới là mảnh đất màu mỡ của các thương hiệu quý tộc, bởi giới siêu giàu tại các thị trường này tỏ ra chịu chơi “ăn đứt” so với giới nhà giàu phương Tây.

Họ sẵn sàng chi 5000 USD cho một đôi giày sneaker bằng da cá sấu đính logo hình chim ưng của Stefano Ricci, 1950 USD cho một chiếc mũ chơi bóng chày hay 2000 USD cho một cặp kính râm.

“Hình tượng chim ưng biểu tượng của Stefano Ricci rất được lòng các khách VIP bởi nó tượng trưng cho sức mạnh và sự kiểm soát”, một chuyên gia thời trang lý giải.

Chuyen 'tham cung' an dien cua gioi sieu giau
 

Điều này giải thích vì sao những bộ comple lên tới 25.000 USD của Stefano Ricci vẫn không có hàng để bán.

“Với giới siêu giàu, quần áo không chỉ là thứ họ mặc trên người mà còn là biểu trưng tâm lý: Họ đang đứng trên đỉnh thế giới”, nhà thiết kế 67 tuổi Stefano Ricci, người sáng lập thương hiệu nhấn mạnh.

Cửa hàng Stefano Ricci đầu tiên được mở tại Trung Quốc vào năm 1993. Khi ấy, một chiếc cà vạt của họ có giá bằng 4 tháng lương trung bình của một công chức Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc phát triển chóng mặt và giới nhà giàu đông lên cực nhanh, thêm 11 boutique nữa của Stefano Ricci đã mọc lên riêng tại quốc gia này, bao gồm một “dinh cơ” rộng tới 2000m2 tại Thượng Hải.

Trên tầng 2 của boutique này là cả một câu lạc bộ dành riêng cho khách hàng VIP, những người có hóa đơn mua sắm hơn 100.000 USD/năm tại Stefano Ricci. Các thành viên câu lạc bộ sẽ được phục vụ xì gà Cohiba và mỳ ravioli vị nấm truffle do các đầu bếp Ý từ Florentine chế biến vào các sự kiện đặc biệt của nhà mốt.

Chuyen 'tham cung' an dien cua gioi sieu giau
 

Nhà mốt này cũng nhảy vào thị trường Nga từ rất sớm khi khai trương boutique đầu tiên tại Moscow năm 2004. 7 năm sau, Stefani Ricci khai trương boutique thứ hai cũng tại thủ đô nước Nga, tọa lạc cách điện Kremlin chỉ vài bước chân, kèm theo một show trình diễn thời trang xa hoa trước 5000 quan khách.

Nhưng không chỉ mua quần áo và phụ kiện từ Stefano Ricci, giới siêu giàu còn vung tiền mua lụa taffeta đắt tiền của nhà mốt này để trang trí nội thất.

Xưởng lụa của SR từng cung cấp lụa cho điện Kremlin may rèm, nên loại lụa bóng cao cấp này cũng trở thành lựa chọn số 1 để các tỷ phú trang hoàng cho những biệt thự hàng nghìn m2 hay du thuyền triệu đô của họ.

Một khách hàng là chính trị gia nổi tiếng mà Filippo từ chối tiết lộ tên, cần một bộ comple mới để dự một phiên họp đặc biệt tại G8. Nhà mốt này đã phải cử một thợ may đến địa điểm họp và may cấp tốc bộ vest trong vòng 2 ngày.

Chuyen 'tham cung' an dien cua gioi sieu giau
 

Một khách hàng khác ở Đông Á từng phái máy bay riêng đến Florence hàng tháng, mỗi chuyến mua 100 chiếc sơ mi lụa, mỗi chiếc có giá hơn 1000 USD. “Ông ấy chỉ mặc sơ mi lụa. Nhưng mỗi tháng chỉ có 30 ngày, điều đó có nghĩa là ông ấy thay 3 cái khác nhau mỗi ngày”, Filippo tiết lộ.

Một điểm thú vị nữa khiến Stefano Ricco được lòng các khách VIP của mình là vì nhà mốt này chỉ sản xuất với số lượng vô cùng giới hạn, kiểu như cả thế giới chỉ có 10 bộ. Và để tăng thêm độ hiếm có cho sản phẩm, họ sẵn sàng tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm không bán được mỗi năm (sơ mi, quần jean, thậm chí vest) hơn là đem bán giảm giá.

Phương Lâm (Theo CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI